Nghịch lý giáo sư, tiến sỹ nhiều nhưng ít công trình công bố quốc tế

Vừa qua, dư luận xôn xao vì năm nay 'bỗng dưng' có nhiều 'nhà' được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; con số tăng đột biến so với năm 2016.

Sự việc khiến Thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo kiểm tra và trong cuộc họp báo chiều 1-3, người phát ngôn Chính phủ đã thông báo, có tới 94 trường hợp đang được đặt trong diện “nghi vấn” chưa đủ tiêu chuẩn.

So với số liệu công bố ngày 1-2-2018, tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 (trong đó có 85 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư); thì con số 94 người chưa đủ tiêu chuẩn chiếm gần 10%.

Trong bài viết này, chúng tôi không lạm bàn về chuyện đủ hoặc chưa đủ tiêu chuẩn, mà chỉ trao đổi về số lượng công trình của các giáo sư, tiến sĩ (TS) được công bố quốc tế.

Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2017 cả nước có 24.500 TS, trong đó có hơn 16.500 TS đang làm việc trong các trường Đại học và Cao đẳng. Đồng thời năm học 2016 - 2017, hệ thống các trường Đại học và Học viện có quy mô đào tạo gần 13.590 nghiên cứu sinh (NCS), tăng 25% so với năm học trước; còn các Viện nghiên cứu có số lượng NCS (tính đến tháng 7-2017) khoảng hơn 1.600 người.

Đến nay, trong số TS đang công tác tại các trường đại học và Viện Nghiên cứu thì số có chức danh khoa học Giáo sư và Phó giáo sư (GS, PGS) khoảng hơn 11.000 người.

Phải nói rằng, số lượng TS của Việt Nam (kể cả các trường hợp GS và PGS) so với các nước khu vực Đông Nam Á, ta không thua kém, thậm chí còn cao hơn cả Thái Lan, Philippines, nhưng số lượng công trình khoa học hàng năm được công bố trên các tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus của Việt Nam còn rất thấp.

Chỉ tính năm 2016, Việt Nam có 3.814 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế (tăng gần 3 lần so năm 2011) thì Thái Lan có 8.847 bài, Malaysia có 14.129 bài và Singapore có 14.120 bài... Ngay Viện HLKH và CN (Hàn lâm khoa học và Công nghệ) Việt Nam với đội ngũ nhân lực hơn 210 GS và PGS, khoảng 800 TS nhưng năm 2017 chỉ có 688 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế đạt chuẩn ISI/Scopus.

GS Nguyễn Văn Tuấn giảng dạy tại Đại học Newsouth Weles (Australia) cũng như một số chuyên gia của Viện HLKH và CN Việt Nam cho rằng, Việt Nam tụt hậu nhiều mặt, trong đó việc công bố quốc tế chúng ta đi sau các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan hàng chục năm.

Vì sao có tình trạng này? Nguyên nhân có nhiều nhưng tựu trung nổi lên mấy điểm chính. Trước hết đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các trường đại học, học viện, nhất là những người có trình độ TS còn ngại và "lười" nghiên cứu. Không kể một số trường có bề dày truyền thống như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, và gần đây có Đại học Duy Tân, phần lớn trong số họ ngoài việc hoàn thành định mức giờ giảng tại trường thì thời gian còn lại dành cho dạy thêm tại các cơ sở đào tạo bên ngoài.

Cho nên hiện tượng các TS ba, bốn năm liền chẳng hề có bài báo khoa học nào được đăng trên các tạp chí (kể cả trong nước) diễn ra không hiếm.

Cũng do "hội chứng" bằng cấp, buông lỏng kiểm tra, giám sát mà suốt thời gian qua, không ít cơ sở GD - ĐT điển hình là Học viện Khoa học xã hội tổ chức đào tạo tràn lan thạc sĩ và TS. Đào tạo không đúng chuyên ngành, người hướng dẫn trái ngành và vượt quá quy định nhiều lần (có GS trong một thời điểm nhận hướng dẫn cho 12 NCS, hay có TS cùng lúc hướng dẫn 7 NCS và hàng chục thạc sĩ)...

Cung cách đào tạo kiểu ấy thử hỏi lấy đâu ra chất lượng. Điều đó cũng dẫn đến hệ lụy là Việt Nam có số lượng GS và PGS loại hàng đầu khối ASEAN nhưng chưa có một trường đại học nào được xếp hạng lọt top 300 châu Á, trong khi Singapore, Thái Lan, Malaysia đã có hàng chục trường.

Những năm qua, Nhà nước đã có không ít chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đáng chú ý là các Đề án 322 "Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2000 - 2010", "Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020" (Đề án 911, đầu tư 14 nghìn tỷ đồng) và gần đây Bộ GD - ĐT cho biết đang xây dựng Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm giai đoạn từ năm 2018 đến 2025 và tầm nhìn 2030, với nguồn kinh phí 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9.000 TS!

Các chương trình, đề án nêu trên sử dụng ngân sách Nhà nước với số tiền khổng lồ, trong lúc đất nước còn rất nhiều công trình, dự án cấp thiết vẫn chờ được cấp vốn. Do vậy, cần thận trọng, sử dụng hiệu quả kinh phí; có cơ chế hợp lí để từng bước xã hội hóa việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kĩ thuật. Từng bước tiến đến mục tiêu đào tạo theo nhu cầu tự thân, nhu cầu của “thị trường chất xám” và chấm dứt tình trạng dùng ngân sách đào tạo TS một cách tràn lan, nhiều người có bằng TS chỉ để trang trí hoặc tìm cơ hội thăng tiến.

Để khích lệ và tạo điều kiện cho cán bộ khoa học có nhiều đề tài nghiên cứu chất lượng và công bố trên các tạp chí quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ những năm qua tìm cách thúc đẩy hoạt động Quỹ phát triển khoa học - Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) đồng thời trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho những công trình xuất sắc được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Tập đoàn Bưu chính viễn thông phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ hàng năm tổ chức Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (có Giải thưởng Trần Đại Nghĩa) và một số trường đại học nâng mức đầu tư hỗ trợ tài chính cho các đề tài, dự án.

Rõ ràng trong bối cảnh hội nhập, dù cán bộ nghiên cứu ở Viện hay giảng viên ở đại học phải coi công bố quốc tế là một nghĩa vụ. Có công trình công bố quốc tế không chỉ là vinh dự của nhà khoa học, danh dự của đơn vị nơi mình công tác mà nó còn là sự cạnh tranh quốc gia trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là "tiêu chuẩn thị trường quốc tế" của khoa học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Nguyễn Khôi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/nghich-ly-giao-su-tien-sy-nhieu-nhung-it-cong-trinh-cong-bo-quoc-te-480433/