Nghịch lý: Gần 20 năm không có điện sinh hoạt dù sống gần nhà máy thủy điện

Sống gần nhà máy thủy điện nhưng gần 20 năm, hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Vinh vẫn sống trong cảnh tối tăm vì không có điện. Họ mơ ước 1 ngày điện được phủ về bản làng để người dân đỡ vất vả trong sinh hoạt, sản xuất…

Gần 20 năm “đói” điện

Từ trung tâm xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông để đến thôn Phú Vinh, chúng tôi phải băng qua quãng đường hơn 14km, uốn quanh các chân núi hiểm trở.

Thôn Phú Vinh nằm dọc theo trục đường tỉnh lộ 4B, sát bên hồ thủy điện Buôn Tua Sarh, một thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên với công suất 86MW. Thế nhưng, nghịch lý rằng, mặc dù sống gần nhà máy thủy điện nhưng gần 20 năm nay, người dân nơi đây vẫn trong cảnh tăm tối, “đói điện”.

Đối với người dân nơi đây, những đồ dùng gia dụng như ti vi, tủ lạnh, máy quạt… đều là những món đồ xa xỉ vì không có điện để sử dụng.

Không có điện, đời sống người dân ở thôn Phú Vinh gặp nhiều khó khăn.

Được biết, cách đây 20 năm, các hộ dân ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang… đến khu vực cuối xã Quảng Phú dựng nhà, lập làng sinh sống. Họ sống quần tụ thành một cụm dân cư nhỏ rồi phát triển lên đến hàng trăm hộ dân.

Năm 2004, khi thủy điện Buôn Tua Srah đi vào hoạt động, tích nước thì những cư dân nơi đây phải chuyển dần lên khu vực cao, nhường đất lại cho thủy điện. Đến tháng 6/2016, cụm dân cư trên được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận, lấy tên là thôn Phú Vinh thuộc địa giới hành chính của xã Quảng Phú.

Đêm đến, thôn Phú Vinh bình yên đến lạ, đứng ở đầu thôn chỉ thấy le lói những ánh đèn yếu ớt từ những căn nhà gỗ cũ kỹ hắt ra. Mới 19h, nhưng đa số các nhà đã chốt cửa, cài then đi ngủ, trên con đường của thôn thỉnh thoảng bắt gặp vài nhóm thanh niên đang tụ tập chơi đùa.

Vào nhà anh Phàng A Ninh (36 tuổi, trú thôn Phú Vinh), cả gia đình anh gồm 6 người nhưng chỉ duy nhất có một chiếc bóng điện nhỏ bằng nắm tay trẻ em để thắp sáng. Nguồn ánh sáng ấy được lấy điện từ tấm năng lượng mặt trời mà anh Ninh mua hết 4 triệu đồng vào năm ngoái. Chiếc bóng đèn nhỏ đủ ánh sáng cho 6 con người trong gia đình anh không va vào nhau khi đi lại trong nhà vào buổi tối.

Để có điện sinh hoạt, người dân phải dùng tấm năng lượng mặt trời.

Chỉ tay về nguồn ánh sáng duy nhất trong nhà, anh Ninh nói: “Ngày nào nắng thì còn có chút điện để thắp đèn, ngày nào trời âm u là bóng đèn sáng không nổi, cả gia đình không thấy được mặt nhau. Ngày ấy mình nghĩ, nhà gần thủy điện thì chắc sẽ được ưu tiên kéo điện, cuộc sống đỡ phải tăm tối thế nhưng đợi mãi, đợi mãi chẳng thấy dự án nào kéo điện về làng. Gần 20 năm qua, cả làng Phú Vinh sống trong cảnh tăm tối”.

Mặc dù mới hơn 7h tối nhưng gia đình anh Giàng A Hồng (35 tuổi, trú thôn Phú Vinh) đã giăng mùng chuẩn bị lên giường ngủ, bởi: “Không ngủ sớm thì biết làm gì. Cả nhà chỉ có một cái bóng đèn thắp bằng bình ắc quy cũ, xài tiết kiệm thì thắp sáng được hơn 10 ngày, không thì xài từ 5-7 ngày là hết, mà chỗ sạc bình xa lắm, mỗi lần đưa bình đi sạc vất vả tốn tiền. Thế nên, con gà lên chuồng ngủ thì mình cũng đi ngủ thôi”, anh Hồng nói.

Mỏi mòn chờ điện

Gần nhà anh Hồng là nhà anh Giàng A Páo, đêm đến nhà anh nhộn nhịp hơn gia đình khác bởi anh đầu tư được 4 tấm năng lượng mặt trời đủ để thắp 2 bóng điện lớn. Nhờ đó, con anh có được chút ánh sáng để học bài và trẻ em quanh đó cũng đến học theo, cùng nhau chơi đùa.

Đứng trước sân nhà anh Giàng A Páo có thể thấy rực sáng một vùng, nơi nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đang hoạt đông. Tuy nhiên, nhìn thì gần nhưng để điện đến với người dân thôn Phú Vinh thì còn quá xa.

Điện từ năng lượng mặt trời được tích vào bình ắc quy để thắp sáng.

Chia sẻ với PV, ông Lục Văn Hiệp, Trưởng thôn Phú Vinh cho biết, thôn có 350 hộ dân với gần 1.200 nhân khẩu đa số là dân tộc H’Mông, Dao, Thái... Do thôn chưa được kéo điện nên đời sống của người dân vô cùng vất vả. Người dân hầu hết “mù” thông tin, lạc hậu so với những vùng khác. Trẻ em không có ánh sáng để học tập không được học hành đến nơi đến chốn. Không chỉ có sinh hoạt, các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bơm nước, xay nghiền nông sản người dân cũng dùng máy nổ mã lực lớn tiêu tốn không ít nhiên liệu.

“Chúng tôi mong mỏi điện được kéo về làng để người dân thoát cảnh tối tăm, đỡ vất vả và có thể tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng để hiểu biết nhiều hơn. Có điện, con em chúng tôi sẽ có được nơi học hành tử tế và được giáo dục tốt hơn…”, ông Hiệp chia sẻ.

Trao đổi với PV về việc thôn Phú Vinh chưa được kéo điện, ông Vũ Hoàng Phú, Chủ tịch xã Phú Vinh xác nhận, hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn thôn Phú Vinh chưa được phủ lưới điện. Mới đây, thực hiện dự án của Chính phủ cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia ưu tiên xã biên giới và vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2015 – 2020, công ty Điện lực Đắk Nông đã triển khai kéo điện về thôn Phú Hòa và một phần thôn Phú Vinh (58 hộ được dùng điện). Tuy nhiên, dự án này chưa thấy triển khai tiếp, người dân lại càng mong mỏi điện hơn.

“Hiện chính quyền địa phương cũng đã có văn bản kiến nghị các cấp tạo điều kiện để tiếp tục dự án phủ điện về thôn giúp người dân đỡ vất vả trong sinh hoạt và sản xuất”, ông Phú chia sẻ thêm.

Không có điện, trẻ em ở thôn Phú Vinh không được học hành đến nơi, đến chốn.Người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Còn ông Bùi Văn Liên, Giám đốc điện lực Krông Nô cũng cho hay, dự án Chính phủ cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia ưu tiên xã biên giới và vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2015 – 2020 được chia làm 2 giai đoạn.

"Hiện nay, dự án này triển khai giai đoạn 1 nên điện mới chỉ đến được đầu thôn Phú Vinh. Thời gian tới, phía Công ty cũng kiến nghị các cấp tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, phủ điện cho thôn Phú Vinh tạo điều kiện sinh hoạt cho người dân nơi đây”, ông Liên cho biết thêm.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghich-ly-gan-20-nam-khong-co-dien-sinh-hoat-du-song-gan-nha-may-thuy-dien-a419781.html