Nghịch lý du khách nhiều, tiêu chẳng bao nhiêu

Những năm gần đây lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đều, nhưng ngành du lịch vẫn đứng trước bài toán khó khi mức chi tiêu của du khách ngày càng giảm.

Muốn tiêu tiền cũng không biết chi vào đâu

TPHCM là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thống kê 9 tháng năm 2017 của ngành du lịch ghi nhận những con số không khả quan: đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,6% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch chỉ tăng 10%. Cần Giờ - nơi được kỳ vọng điểm nhấn thu hút du lịch TP trong 7 tháng đón gần 840.000 lượt khách quốc tế tới tham quan, tăng 44% so với cùng kỳ, chiếm 25% tổng lượng khách đến TPHCM, nhưng doanh thu chỉ chiếm... 0,54%. Cụ thể, mỗi khách du lịch đến Cần Giờ chỉ tiêu trung bình 400.000 đồng.

Bàn về chi tiêu của du khách quốc tế, PGS.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, dẫn giải kết quả từ 2 cuộc điều tra gần đây. Thứ nhất, điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy mức chi tiêu của du khách bình quân tại Việt Nam năm 2004 đạt 1.283,3USD/người, trong khi ở Thái Lan 1.865USD, Singapore 2.670USD... Khách từ thị trường Áo có mức chi tiêu cao nhất cho chuyến đi tới Việt Nam đạt 1.680USD/người, Canada 1.678,4USD, Hoa Kỳ 1.645,8USD, Đức 1.552,2USD. Khách du lịch Trung Quốc có mức chi thấp nhất với 517,6USD/người.

Thứ hai, cuộc điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2014, cho thấy tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1.114,4USD, trong đó chi cho lưu trú chiếm 33,14%, chi ăn uống chiếm 23,74%, chi mua sắm chiếm 18,34%, chi phí tham quan, hướng dẫn chiếm 4,08%, chi vui chơi giải trí chiếm 3,56%, chi khác chiếm 3,79%.

Rừng Sác Cần Giờ - điểm du lịch hấp dẫn của TPHCM, nhưng du khách đến đây chỉ biết ngắm… khỉ. Ảnh: P. LONG

“Dù các cuộc điều tra được thực hiện ở hai thời điểm cách nhau khá xa, song kết quả cho thấy chi tiêu của khách du lịch quốc tế ở Việt Nam còn hạn chế, lại có xu hướng giảm. Tỷ lệ chi phí cho mua sắm tăng rất ít từ 16,6% (năm 2004) lên 18,3% (năm 2014)” - ông Lương đánh giá. Vì đâu khách du lịch lại ít chịu chi tiền khi đến Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Lửa Việt Tour, cho rằng có rất nhiều thứ cần phải bàn. Như các dịch vụ giải trí còn rất hạn chế nên khách muốn chi tiền cũng không biết chi vào đâu, nếu ăn đêm ở TPHCM còn đa dạng chứ về các tỉnh thì chào thua. Về dịch vụ mua sắm, điều khiến khách du lịch ngán nhất khi mua hàng ở Việt Nam chính là chất lượng và thiếu những sản phẩm mang tính đặc trưng.

Điển hình như chợ Bến Thành, khu chợ sầm uất lâu nay vẫn được chọn là điểm đến mua sắm dành cho du khách khi tới TPHCM, vẫn tồn tại nhiều điểm yếu như hàng hóa thiếu đặc trưng, nạn nói thách, nguồn gốc trà trộn nhiều hàng Trung Quốc nhái, chất lượng phập phù. Không chỉ chợ Bến Thành, ở nhiều điểm mua sắm khác du khách cũng dễ mua phải hàng giả, hàng nhái vì mọi thứ đều được bày bán công khai.

Một trong những website dành cho khách du lịch là Tripadvisor đã có nhiều bình luận, chia sẻ kinh nghiệm khi đi chợ Bến Thành, như: “Chợ Bến Thành là một nơi rất đông vui, nhiều mặt hàng cho du khách chọn, nhưng giá quá đắt, nhiều khi phải trả giá xuống 50%”, hay “Hãy chuẩn bị tinh thần để trả bớt 50% giá mà người bán nói, bằng không cứ đi tiếp. Nếu muốn bán họ sẽ đi theo bạn”…

Chợ Bến Thành được chọn là điểm đến mua sắm của du khách nhưng họ rất ngại vì nói thách.Ảnh: P. LONG

Cần chiến lược bài bản

Trải nghiệm thực tế tại nhiều nơi trên thế giới, các DN lữ hành cho rằng có nhiều quốc gia thua xa Việt Nam về phong cảnh thiên nhiên, nhưng với cách làm du lịch chuyên nghiệp, dịch vụ giải trí hấp dẫn, các điểm mua sắm của họ vẫn thu hút một lượng lớn khách du lịch tới tham quan và mạnh tay chi tiêu. Nếu chúng ta chưa thể sáng tạo, chỉ cần học hỏi và áp dụng những điểm hay vào Việt Nam đã có thể khác. Như chuyện mua sắm, đến nay Việt Nam vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch kích cầu du lịch thông qua mua sắm - một trong những nhu cầu cơ bản của khách du lịch.

“Vẫn chưa có một trung tâm mua sắm dành riêng cho khách quốc tế tại các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam mà ở đó những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo. Thiếu trung tâm mua sắm, thiếu cả những tuần lễ giảm giá lớn để thu hút du khách, nên dù muốn chúng ta cũng khó có thể quảng bá Việt Nam là điểm đến cho các tour mua sắm kích thích du khách. Khách quốc tế đến mua đã ít, du khách trong nước còn canh ra nước ngoài săn hàng giảm giá. Vào những mùa giảm giá lớn cuối năm, cảnh những người Việt tay xách nách mang từ Thái Lan, Singapore về khiến những người làm trong ngành du lịch không khỏi chạnh lòng” - PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.

Đã đến lúc cần có những nghiên cứu và chiến lược bài bản để kích thích du khách mua sắm. Như thị trường khách Trung Quốc chiếm thị phần rất lớn của ngành du lịch, 11 tháng năm nay tăng trưởng gần 45%, đây cũng là thị trường khách có mức chi tiêu cao, nhưng khi đến Việt Nam lại không mặn mà mua sắm. “Họ không thể đến đây để mua hàng hóa xuất xứ “made in China”. Chúng ta phải có những nghiên cứu thói quen, sở thích mua sắm của họ để có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó, như vậy mới không bỏ lỡ một nguồn thu lớn từ nguồn khách này” - giám đốc một DN du lịch nhìn nhận.

Ngay như chính sách hoàn thuế GTGT cho hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh tưởng là chính sách có thể kích thích du khách mua sắm, nhưng thực tế vẫn còn rất bất cập về thủ tục. Các DN lữ hành đề xuất nên giảm bớt thủ tục, cho thực hiện hoàn thuế GTGT ngay tại các trung tâm mua sắm thay vì phải đợi đến các cửa khẩu xếp hàng làm thủ tục. Đặc biệt, phải có chiến dịch quảng bá để du khách quốc tế biết đến chính sách.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc giải bài toán kích cầu mua sắm và đầu tư những điểm vui chơi giải trí nhằm kéo dài thời gian lưu trú và kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. Để làm được điều này cần có chiến lược tổng thể và sự chung tay của nhiều bộ ngành chứ không chỉ nỗ lực riêng của ngành du lịch.

PGS.TS Phạm Trung Lương

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/nghich-ly-du-khach-nhieu-tieu-chang-bao-nhieu-52731.html