Nghịch lý doanh nghiệp FDI: Thua lỗ liên tục vẫn mở rộng quy mô sản xuất

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khai báo lỗ trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại vẫn mở rộng quy mô sản xuất.

50% doanh nghiệp kê khai lỗ

Tại Hội thảo với chủ đề: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 9/6, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - cho biết, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”.

Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 - 2011.

Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điều đáng nói là trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da.

Hội thảo Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Hội thảo Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước

“Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua” - GS.TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh và cho hay, qua hoạt động kiểm toán hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên một số lĩnh vực như môi trường, đất đai, chuyển giá và từ đó đã có các kiến nghị các cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

Đồng quan điểm, GS. TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - nhận định, tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây gắn với tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng nguyên nhân quan trọng là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI. Tình trạng đó đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước và hiện tượng “lỗ giả, lãi thực” trong khi không ít doanh nghiệp tuy công bố lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tái đầu tư, mở rộng sản xuất.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước đang là hạn chế lớn nhất trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung ở một số công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình như: Gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe gắn máy...) và một số ngành chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm (thiết kế sản phẩm, quản lý tài chính...) cho sản xuất được nhập khẩu, thay vì được cung ứng bởi các doanh nghiệp trong nước. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm, một mặt thể hiện sự kém phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, mặt khác cũng cho thấy liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước khá lỏng lẻo.

“Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài tuy có đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp (trên 50% giá trị sản lượng công nghiệp), và xuất khẩu (trên 70% giá trị xuất khẩu) nhưng Việt Nam có nguy cơ bị “mắc kẹt” ở những nấc thang khá thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Trong tầm nhìn trung và dài hạn, thu hút FDI vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tăng trưởng kinh tế, bù đắp sự thiếu hụt về vốn và ngoại tệ. Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động nhận diện mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI đến kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là chú ý đến môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải.

Để đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đánh giá các chính sách và việc thực thi các chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là cần có các giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Đây là một “vũ khí” quan trọng để góp phần phòng ngừa, hạn chế những mặt trái từ đầu tư FDI, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, cần tăng cường sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán hoạt động chuyển giá. Các doanh nghiệp liên doanh có phần vốn góp của Nhà nước là khách thể kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Nếu các doanh nghiệp liên doanh này có thực hiện hoạt động chuyển giá nghiêm trọng với các bên có quan hệ liên kết ở nước ngoài, Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm thực hiện kiểm toán hoạt động chuyển giá đó với mục đích bảo toàn, chống thất thoát phần vốn góp của Nhà nước trong liên doanh.

Kiểm toán Nhà nước nên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá nhằm đánh giá tính hợp lý, tính đầy đủ, tính khả thi, tính hiệu lực và hiệu quả của quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập và hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm chống gian lận, trốn thuế và và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát giá.

Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá; tăng cường quy định kiểm toán đối với phần tăng vốn của doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

GS. TSKH. Nguyễn Mại cho hay, theo quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 thì “đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Do đó, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật có liên quan đến tài sản công khi thực hiện liên doanh với nước ngoài, PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì Kiểm toán Nhà nước có thể cần tiến hành kiểm toán để xác định giá trị tài sản công bị thiệt hại và xử lý theo thẩm quyền.

Một số chuyên gia khác cho rằng, trong thời gian tới, cần khẩn trương rà soát và hoàn thiện quy hoạch quốc gia về thu hút FDI, với định hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa; gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 30 nghìn dự án đến từ 130 nước và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt 362 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 211 tỷ USD.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghich-ly-doanh-nghiep-fdi-thua-lo-lien-tuc-van-mo-rong-quy-mo-san-xuat-138674.html