Nghịch lý điện mặt trời: gần 50% công suất bị 'đổ bỏ'

Nghịch lý này được đề cập và thảo luận tại hội thảo 'Điện mặt trời và chiếu sáng led, thực trạng và giải pháp' (*) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Trong khi một số nơi thiếu điện, phải kêu gọi tiết kiện điện hay sử dụng các biện pháp khác nhau để đảm bảo đáp ứng nguồn điện như cắt điện luân phiên thì một tình trạng khác xảy ra là thừa điện - nói chính xác hơn là giải tỏa không hết công suất phát điện.

Cụ thể, hiện nay đã có hơn 330 dự án điện mặt trời trình chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó có 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung và quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.00MW và năm 2030 là 7.200MW. Còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đang ký hơn 14.330MW.

Tính đến tháng 9 năm nay, tổng công suất điện mặt trời đang vận hành là 4.442M, tập trung ở 6 tỉnh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hàng năm phát lên lưới khoảng 7,5 tỷ KWh. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận là trung tâm điện mặt trời lớn nhất cả nước với 31 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng công suất 1.81MW. 7 dự án với tổng công suất lên tới 1.063MW đã chính thức vận hành thương mại.

Dự kiến trong vài tháng tới, có thêm một số dự án điện mặt trời đi vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất vận hành lên 1.103MW. Gần đây nhất, ngày 7.9.1019 nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) đã đưa vào vận hành, công suất 420MW, lớn nhất Đông Nam Á và là một trong số các nhà máy điện mặt trời lớn trên thế giới. Nhà máy này có sản lượng điện dự kiến khoảng 700 triệu KWh/năm.

Sự bùng nổ về công suất điện mặt trời, tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho ngành năng lượng Việt Nam. Ảnh minh họa (nguồn ảnh: GIZ).

Sự bùng nổ về công suất điện mặt trời, tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho ngành năng lượng Việt Nam. Ảnh minh họa (nguồn ảnh: GIZ).

Nhìn vào những số liệu nêu trên, có thể thấy phần nào sự phát triển và sản lượng công suất của hệ thống điện mặt trời ở nước ta. Chỉ từ vài MW vào năm 2016, sau một thời gian ngắn tới nay đã xây dựng và đưa vào vận hành thương mại khoảng 4.500MW, dẫn đầu về công suất ở khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy sự bùng nổ về công suất, tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho ngành năng lượng Việt Nam.

Dù điện mặt trời phát triển như vậy, song hiện nay chúng ta đang gặp phải một bất cập là không tải hết công suất phát, dẫn đến thừa điện, gây lãng phí đầu tư. Một số dự án chỉ được phát 50-60% công suất thiết kế, còn lại “đổ bỏ”. Nghe đau lòng nhưng đây là thực trạng mà nguyên nhân của việc gây lãng phí này là do hệ thống truyền tải không phát triển kịp.

PGS.TS Đặng Đình Thống (Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam), cho biết: “EVN có đã chương trình xây dựng hệ thống truyền tải để tiếp nhận hết công suất này. Họ đang phấn đấu hết 2020 xây dựng xong trước mắt hệ thống 500KV ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận – là hai trung tâm lớn nhất của Việt Nam. Và khi ấy công suất điện này sẽ được phân phối đến cả nước”.

Điện mặt trời được đánh giá chung là nguồn điện sạch, không phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu (góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về cắt giảm khí nhà kính tại COP21: vào năm 2030 sẽ cắt giảm 8% tổng lượng khí nhà kính). Điện mặt trời cũng có tính kinh tế với tiềm năng năng lượng mặt trời khá dồi dào. Thế nhưng, theo các chuyên gia thì điện mặt trời cũng có những hạn chế như thiếu tính ổn định (phải có nguồn dự phòng như thủy điện và nhiệt điện khí), chiếm dụng quá nhiều diện tích lắp đặt, đặc biệt là không hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Khi công nghệ ngày càng phát triển, việc lắp đặt trở nên dễ dàng, thuận lợi, giá thành theo đó cũng giảm thì tính xã hội hóa của điện mặt trời sẽ càng cao, người dân sử dụng nhiều hơn thì nguy cơ thu gom và xử lý các tấm pin mặt trời đã hết hạn sử dụng cũng trở thành một vấn đề.

Hơn nữa, để tạo ra pin mặt trời cần sử dụng đến rất nhiều nguyên tố nặng có độc tính cao.

Do vậy, dù được ủng hộ phát triển điện mặt trời, song cũng có ý kiến cho rằng về lâu dài, nên có phương án tìm các nguồn năng lượng ổn định và đủ công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Ngoài nội dung về điện mặt trời, nội dung về chiếu sáng LED cũng được các nhà khoa học trao đổi trong khuôn khổ của hội thảo.

Với tám báo cáo chuyên sâu, các nhà khoa học đã nêu nên những nghiên cứu về linh kiện, vật liệu chế tạo, đặc biệt là những ứng dụng cụ thể trong chiếu sáng biển đảo và chiếu sáng đường phố.

Ngoài ra còn có những nội dung đề cập đến ứng dụng chiếu sáng LED trong y sinh và trong nông nghiệp cao cũng như trong đánh bắt thủy hải sản.

Lệ Quyên

____________

(*) Hội thảo được tổ chức bởi Viện Vật lý Kỹ thuật, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng tạp chí Ánh sáng và cuộc sống (Hội Chiếu sáng Việt Nam).

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nghich-ly-dien-mat-troi-gan-50-cong-suat-bi-do-bo-20933.html