Nghịch lý đất nghĩa trang

3 nghĩa trang nhân dân của TP Đà Nẵng đã khai thác gần hết quỹ đất. Vì vậy, gần đây xuất hiện tình trạng mua bán, sang nhượng trái phép đất nghĩa trang để trục lợi. Trong khi đó tại TP Hội An gần 170ha đất nghĩa trang cũng đã được sử dụng hết, trong khi nhà hỏa táng bị bỏ hoang.

Nhà hỏa táng Hội An bị bỏ hoang hơn 14 năm nay.

Nhà hỏa táng Hội An bị bỏ hoang hơn 14 năm nay.

Rao bán đất nghĩa trang

TP Đà Nẵng hiện đang có 3 nghĩa trang nhân dân nằm ở địa bàn huyện Hòa Vang, gồm Hòa Khương, Hòa Sơn và Hòa Ninh. Tuy nhiên, quỹ đất nghĩa trang đang dần cạn. Cụ thể, nghĩa trang Hòa Khương đã hết chỗ; nghĩa trang Hòa Sơn chỉ còn vỏn vẹn 1ha đất dự phòng. Như vậy, trong vài năm tới các nghĩa trang sẽ không còn đất. Nhiều người lớn tuổi với nguyện vọng sau khi chết được nằm cạnh ông bà. Nhưng sau khi tìm hiểu mới biết các ngôi mộ phần lớn đã bị phân tán rải rác do TP quy hoạch nhiều lần.

“Thời gian trước, tôi không nghĩ đến việc đất nghĩa trang sẽ khan hiếm vì nghĩ TP sẽ có quy hoạch để bảo đảm nhu cầu của người dân. Vì thế, tôi thật sự bất ngờ đất nghĩa trang Gò Cà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) được cò rao bán với giá khoảng 5 triệu đồng/m2” - ông Nguyễn Hữu Nghĩa ở xã Hòa Vang, nói.

Còn ông Huỳnh Điểu ở xã Hòa Sơn, cho biết: “Nhà tôi nằm sát nghĩa trang nên không lạ cảnh chào mời, mua bán đất nghĩa trang tại đây. Một số cò còn rao bán nhiều khu đất đồi ven nghĩa trang. Một số người dân xã Hòa Sơn đã bạt đồi phân lô để lấy đất bán cho những ai có nhu cầu chôn dòng tộc cùng một nơi…”.

Theo ông Lê Bằng, một người dân xã Hòa Ninh, thời gian qua tại khu nghĩa trang Hòa Ninh xuất hiện một số đối tượng bảo kê vật liệu xây dựng cho các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nằm ngay đường vào khu nghĩa trang. Các đối tượng này ngăn chặn không cho người xây dựng mồ mả chở vật liệu từ nơi khác đến, thậm chí đe dọa, đập phá xe chở vật liệu, các ngôi mộ chủ không chịu mua vật liệu của cửa hàng các đối tượng đó bảo kê.

Được biết, nghĩa trang Hòa Sơn xây dựng nhằm mục đích phục vụ công tác di dời mồ mả tại các dự án trên địa bàn TP. Qua thanh tra cuối năm 2017 do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo, đã phát hiện Ban Quản lý nghĩa trang Hòa Sơn bố trí 111 trường hợp không có hồ sơ giải tỏa không đúng đối tượng. Ban Nghĩa trang cũng đã báo cáo không trung thực về diện tích thực tế bố trí mộ (9m²/mộ), bố trí không đúng, sai lệch về số lượng dẫn đến sai lệch lớn về thông tin diện tích đất nghĩa trang chưa được sử dụng.

Trong khi đó, tại TP Hội An, quỹ đất dành cho nghĩa trang cũng không còn, một số hộ dân Hội An phải qua Điện Dương và Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) mua đất để dành làm nơi chôn cất người thân của mình.

Đìu hiu nhà hỏa táng

Năm 2009, Trung tâm An Phước Viên được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 7,4ha, vốn đầu tư 25 tỷ đồng nằm ở xã Hòa Sơn, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km, với 2 lò hỏa táng hiện đại của Hãng Crawford Mỹ, đạt tiêu chuẩn khí thải không gây ô nhiễm môi trường; nhà hành lễ, nhà giao nhận tro cốt, căng tin, các phòng lễ có sức chứa 70-90 người.

Trong khi quỹ đất dành cho nghĩa trang khan hiếm, các trung tâm hỏa táng được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng lại rơi vào cảnh ế khách. Cụ thể, dù được xây dựng với kinh phí lớn và công nghệ hiện đại, nhưng sau hơn 6 năm hoạt động, Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên (TP Đà Nẵng) vẫn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu. 6 năm qua, những trường hợp đến đây đăng ký sử dụng dịch vụ hỏa táng không nhiều và đa phần họ là những người nghèo, không đủ chi phí để chôn cất hoặc người không có gia đình, bà con thân thích đến đây xin hỏa táng rồi gửi tro cốt vào chùa. Điều này cũng tương đối dễ hiểu vì so với các nơi khác, người dân Đà Nẵng vẫn chưa quen với hình thức này. Một phần cũng do truyền thống từ trước đến nay của người dân là địa táng.

Được hình thành trước ngày giải phóng đất nước, Nghĩa trang nhân dân Cẩm Hà (xã Cẩm Hà) là nơi chôn cất người đã khuất trên địa bàn TP Hội An. Trải qua hàng chục năm, đến nay nghĩa trang Cẩm Hà đã trở nên quá tải, chật chội về mật độ và diện tích chôn cất. Trong khi đó, suốt 14 năm qua công trình nhà hỏa táng Hội An cũng ở trong tình trạng hoang phế.

Tháng 11-2004 UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án công trình nhà hỏa táng tại xã Cẩm Hà, tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, do CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam làm nhà thầu, Công ty Công trình công cộng làm chủ đầu tư. Tháng 9-2005 công trình được triển khai xây dựng, dự kiến cuối năm 2006 đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến nay công trình vẫn dang dở, hiện trong tình trạng bỏ hoang xuống cấp.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, khẳng định theo chủ trương TP sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục dang dở để nhà hỏa táng đi vào hoạt động. Hiện TP đã mời gọi một số đơn vị vào nghiên cứu đầu tư lò hỏa táng theo hướng xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư, TP sẽ tạo cơ chế về đất. Hiện đã có 2 doanh nghiệp xin vào đầu tư, TP đã thông qua và trình UBND tỉnh. Nếu được chấp nhận trong năm nay Hội An sẽ có nhà hỏa táng, đồng nghĩa sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất nghĩa trang.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế Hội An, việc xây dựng nhà hỏa táng là văn minh trong xu hướng hiện nay, nhưng không nhất thiết xây ở Hội An vì Đà Nẵng đã có nhà hỏa táng, trong khi khoảng cách từ Hội An đến Đà Nẵng không xa (25km). Ngoài ra, cũng có thể phối hợp với huyện Duy Xuyên hoặc Thăng Bình đầu tư khu hỏa táng tại các địa phương này để người dân Hội An có nhiều lựa chọn. Điều này sẽ giúp Hội An hạn chế ô nhiễm môi trường vì hiện tại mật độ dân cư dày, không gian hạn hẹp.

Ngọc Phúc

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/nghich-ly-dat-nghia-trang-64897.html