Nghịch lý đánh giá công chức, viên chức

0,59% công chức và 0,38% viên chức được phân loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018, trong khi đó tỉ lệ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với công chức là 96,28% và với viên chức là 94,32%, đó là thông tin từ Bộ Nội vụ.

Có nghĩa là, gần 100% công chức và viên chức hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018. Liệu có thuyết phục được dân chúng bằng hai con số đẹp đến mức khó tin này không? Không biết các cơ quan, đơn vị bình xét theo tiêu chí nào để xác định hoàn thành nhiệm vụ, và cho dù áp dụng cách nào cũng rất không thuyết phục, bởi vì con số đưa ra khác xa với hiện thực.

Chỉ riêng vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, đã có rất nhiều người liên quan.

Ngoài những người đã bị khởi tố tạm giam, những người khác tuy không đến mức khởi tố hình sự, nhưng họ không xứng đáng hoàn thành nhiệm vụ. Các cán bộ lãnh đạo ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, lãnh đạo các cơ quan liên quan, lãnh đạo trong ngành giáo dục đã không hoàn thành nhiệm vụ khi để xảy ra vụ gian lận thi cử này.

Hàng trăm vụ phá rừng khắp cả nước, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, tính riêng tháng 4.2018, cả nước đã xảy ra 200 vụ phá rừng, còn cả năm gần 13.000 vụ vi phạm pháp luật về rừng bị phát hiện. Trong các vụ này, không ít vụ có liên quan đến cán bộ kiểm lâm. Điển hình như gần 20ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 238 do UBND xã Ea Bung, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) bị phá trắng nhưng kiểm lâm không biết.

Còn biết bao nhiêu vụ việc khác liên quan đến phá hoại môi trường, doanh nghiệp đổ chất thải ra sông, cá chết, ruộng đồng bị nhiễm độc, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ thì ai chịu trách nhiệm trước thực trạng này.

Còn nhiều vụ án tổ chức đánh bạc, sai phạm đất đai, liên quan đến nhiều cán bộ, công chức, tính cả nước là con số không nhỏ. Tất cả các vụ án đó còn nóng trên mặt báo, nóng trong con mắt người dân, sao lại gần 100% công chức hoàn thành nhiệm vụ?

Con số này cũng là “bệnh thành tích”, cũng là nói lấy được. Hãy đối mặt với thực tế, hãy đưa ra những con số khách quan, khoa học, nhận định, phân tích và đánh giá đúng thực chất của bộ máy. Không nhìn nhận sự yếu kém thì không thể tiến bộ.

Phải đòi hỏi chất lượng cán bộ công chức, viên chức cao hơn, phải tinh gọn bộ máy, một người làm giỏi thay cho năm bảy người. Người giỏi được hưởng lương thật cao để dưỡng liêm.

Muốn được như vậy thì phải loại ra khỏi bộ máy những người yếu kém, vô tích sự. Vậy xin hỏi gần 100% người hoàn thành nhiệm vụ rồi thì đuổi ai?

LÊ THANH PHONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nghich-ly-danh-gia-cong-chuc-vien-chuc-735262.ldo