Nghịch lý bóng đá Châu Phi tại World Cup

Gần như 'vô đối' ở những giải đấu trẻ nhưng không tiến xa tại World Cup- đó là vấn đề nhức nhối của các đội bóng đến từ lục địa đen.

Nếu dựa vào thành tích ở các giải trẻ U17, U20 để dự đoán đội vô địch World Cup, thì có thể nói các đội Đức, Tây Ban Nha không phải là ứng cử viên mà là các đội bóng từ Châu Phi như Nigeria, Mali...

Cực mạnh ở các giải trẻ World Cup

Hãy nhìn vào thành tích của bóng đá Châu Phi những năm trở lại đây: Nigeria có chức vô địch U17 World Cup các năm 2007, 2013, 2015, về nhì năm 2009, Ghana vô địch U20 World Cup năm 2009, về ba năm 2013, Mali đứng nhì U17 World Cup năm 2015, hạng 3 U20 World Cup 2015…

 "Đại bàng xanh" vô địch giải U17 World Cup 2015.

Thành tích các nền bóng đá nổi tiếng về đào đạo trẻ như Đức, Tây Ban Nha cũng chỉ là về nhì, về ba ở các giải trẻ trên, thua xa các đội bóng từ lục địa đen.

Nhưng thành tích nghèo nàn ở World Cup

Qua các kỳ World Cup 20 năm trở lại đây, thành tích tốt nhất của các đội lục địa đen chỉ là lọt tới vòng tứ kết và họ làm điều đó có 2 lần: Senegal (2002) và Ghana (2010). Quá ít đối với tiềm năng từ các cầu thủ trẻ của họ. Các đối thủ từng bị họ "hành hạ" trong các giải trẻ như Đức, Tây Ban Nha lại thay nhau thống trị bóng đá thế giới.

Chúng tôi xin đưa ra 4 điểm có thể giải thích cho nghịch lý trên của bóng đá Châu Phi:

- Trong đào tạo bóng đá trẻ thường xảy ra ba trường hợp: một là các cầu thủ chơi tốt ngay khi còn trẻ, hai là các cầu thủ khi trưởng thành mới phát huy được đầy đủ phẩm chất của mình và ba (hiếm khi gặp) là xảy ra đồng thời cả hai trường hợp trên. Bóng đá Châu Phi thường rơi vào lý do đầu tiên: Các cầu thủ phát huy gần như mọi phẩm chất trong lứa tuổi 17-20 của mình nhưng khi tới độ tuổi thi đấu chuyên nghiệp thì kỹ năng sẽ kém đi so với các đồng nghiệp vì không được đào tạo chuyên sâu. Một ví dụ là trường hợp của tiền đạo người Ghana Dominic Adiyiah. Anh từng đạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới tại VCK U20 World Cup năm 2009. Sau giải đấu thành công đó, anh được AC Milan mang về nhưng không sử dụng. Sau đó anh trôi dạt đến vô số CLB nhỏ khác và hiện tại đang thi đấu cho CLB Nakhon Ratchasima của giải...Thái Lan.

 Ghana vô địch U20 World Cup nhưng thành tích cao nhất của họ ở ĐTQG chỉ là vòng tứ kết.

- Lứa tuổi 17-20, yếu tố thể lực đóng vai trò quan trọng hơn là kỹ năng. Đó cũng là thế mạnh của các cầu thủ Châu Phi. Vì thế họ dễ dàng đè bẹp các đối thủ ở giải trẻ nhờ vượt trội về thể hình. Nhưng khi đã đạt tới tuổi trưởng thành thì ngoài yếu tố thể lực, kỹ năng chơi bóng đóng vai trò quan trọng không kém. ĐTQG Tây Ban Nha hay Đức vô địch World Cup là nhờ chiến thuật thông minh cộng với kĩ năng xuất sắc của các cầu thủ chứ không phải lối chơi “trâu húc”.

- Tại Châu Âu các cầu thủ trẻ có thể yên tâm tập luyện ở các học viện. Còn với các cầu thủ Châu Phi, những giải trẻ quốc tế dường như là cơ hội duy nhất để lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên Châu Âu vì thế mà họ có động lực nhiều hơn.

- Hành trình lên thi đấu cho đội bóng lớn: Con đường khoác áo chuyên nghiệp của các cầu thủ Châu Âu có thể tóm tắt đơn giản là vượt qua kỳ sát hạch đầu vào, tập luyện chăm chỉ trong học viện và lên chơi đội một nếu đủ khả năng. Các đồng nghiệp ở Châu Phi thì khó khăn hơn: Ngoài chuyên môn thì họ phải rất may mắn để được các đội bóng Châu Âu để ý, sau đó cầu thủ đó phải trải qua một hành trình dài sang lục địa già và được các đội bóng nhỏ hơn đào tạo, nếu thi đấu tốt thì mới được những đội như Manchester, Chelsea...mang về. Nên dù có tài năng thiên bẩm thì các cầu thủ trẻ Châu Phi cũng khó đi tới cái đích cuối cùng.

Hai đội bóng Châu Phi Nigeria và Mali tại chung kết World Cup U17:

Sea Sea – TTVN

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/nghich-ly-bong-da-chau-phi-tai-world-cup-d443680.html