Nghịch lý bản thảo nhiều, nhân viên ít trong giới xuất bản

Bên cạnh những vấn đề về mâu thuẫn thế hệ, sắc tộc và chặng đường thăng tiến gập ghềnh, ngành xuất bản phương Tây còn đối mặt với nhiều vấn đề.

Ngành xuất bản đối mặt với nhiều vấn đề thời đại, đòi hỏi những người kỳ cựu trong ngành phải tự vấn lại cách làm việc cố hữu xưa nay.
Nhân viên trong ngành không chỉ phàn nàn về điều kiện làm việc trên mạng xã hội; họ đang thể hiện sự bất đồng với những người sử dụng lao động theo những cách công khai và đoàn kết hơn trước.

Các biên tập viên đang quá bận rộn

Nhiều báo cáo cho thấy lượng bản thảo gửi về các nhà xuất bản tăng cao trong những năm gần đây, trong khi số lượng người đọc chúng lại ít đi.

“Ngành xuất bản cần tăng nhân lực. Các biên tập viên đang quá bận rộn”, một đại diện tác giả nói.

Vậy mà, trong 2 năm trước, hầu hết nhà xuất bản lớn đều đạt lợi nhuận kỷ lục. Các nguồn tin tại các nhà xuất bản liên tục bày tỏ sự thất vọng khi số lợi nhuận lớn này không được chia sẻ rộng rãi hơn cho các nhân viên.

Bất chấp sự bùng nổ bất ngờ của ngành vào năm 2020 và 2021, xuất bản vẫn là một ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận tương đối eo hẹp và nhiều giám đốc điều hành đã cảnh báo rằng những năm vừa qua có vẻ là một may mắn bất thường. Khi Simon & Schuster báo cáo rằng doanh thu và thu nhập tăng vọt trong quý đầu, Giám đốc điều hành Jonathan Karp đã mô tả bước nhảy này là một “sự thách thức trọng lực”.

 Ngành xuất bản cần tăng nhân lực. Các biên tập viên đang quá bận rộn. Ảnh: The Times.

Ngành xuất bản cần tăng nhân lực. Các biên tập viên đang quá bận rộn. Ảnh: The Times.

Đặc quyền bị cản trở

Một điều mà đại dịch đã chứng minh là mặc dù làm việc tại nhà cho phép nhân viên linh hoạt hơn, nhưng nó cũng rất cô lập. Điều này được cho là một yếu tố khiến ngành xuất bản gặp khó khăn hơn trong việc thu hút tài năng mới.

Một doanh nghiệp thường ít nhiều tìm cách bù đắp cho việc trả lương thấp bằng các sự kiện, tiệc tùng và cho nhân viên cảm giác được tham gia vào thế giới văn học. Tình hình dịch bệnh hiện nay không cho phép họ làm thế nữa.

Một đại diện tác giả chia sẻ: “Công việc tồi tệ, mức lương tồi tệ vẫn vậy. Điểm cộng là được tặng sách miễn phí, gặp tác giả nổi tiếng thường xuyên, rồi những bữa tiệc ngu ngốc, bữa trưa miễn phí, bữa tối thừa mứa. Giờ thì hết rồi”.

Một biên tập viên trong nhà xuất bản lớn nói: “Khía cạnh đặc quyền xã hội là thứ khiến cho cái công việc khó khăn này trở nên chấp nhận được”.

“Đặc quyền xã hội” trong tương lai của ngành xuất bản sẽ ra sao vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhiều nguồn tin cho biết họ không nghĩ rằng các nhà xuất bản sẽ hào phóng chi trả cho nhiều sự kiện như trong thời kỳ trước đại dịch. Thậm chí, những thông số hai năm vừa rồi còn cho những người rót tiền trong ngành nghĩ rằng những sự kiện xa xỉ, truyền thông rầm rộ không có tác động gì đến doanh số bán sách.

Chẳng ích gì khi hỏi người trong ngành về mức độ hạnh phúc hiện nay so với trước kia khi mà xưa nay người ta bàn về sự xuống dốc của nó từ lâu rồi. Một giám đốc điều hành tại một nhà xuất bản lớn cảnh báo rằng ta không nên nhìn về quá khứ qua lăng kính màu hồng. “Chúng tôi ai cũng nghe kể quá khứ tươi đẹp hơn, nhưng quá khứ đầy rẫy các vấn đề như phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, nghiện ngập, nghèo đói, quản trị nhân sự kém tạo điều kiện cho cấp trên bắt nạt cấp dưới”.

Mô hình công ty cứng nhắc

Ngoài lo lắng về việc lớp trẻ khó thích ứng với ngành xuất bản ít tính xã hội hơn, những người kỳ cựu trong ngành cũng phàn nàn về môi trường công ty cứng nhắc hơn xưa.

Một người cho biết một hệ quả khác từ những lần sáp nhập là các nhà xuất bản lớn “không sẵn sàng” mua thêm sách thể nghiệm. Đây là một vấn đề gây nhức nhối từ lâu, các biên tập viên hiện nay cũng ít cơ hội nhận một cuốn sách ít ồn ào và nặng chiêm nghiệm hơn. Người nọ cho rằng tình trạng này đang ngày một trầm trọng, vẫn có trường hợp một cuốn bán chậm bỗng nhiên bùng nổ, nhưng tỷ lệ đang ngày một nhỏ đi.

Các biên tập viên cũng bày tỏ nỗi lo rằng mô hình này sẽ đi quá xa, và biến giá trị cốt lõi của ngành xuất bản từ việc tạo ra sản phẩm nghệ thuật thành một mặt hàng kiếm lời đơn thuần.

Một cựu giám đốc điều hành cấp cao mới nghỉ hưu cho biết ông không quan tâm đến bản chất ngành. Nhưng trong 5 năm cuối sự nghiệp, ông cảm thấy công việc của mình đang thay đổi theo một hướng đáng ngại.

“Họp hành cả ngày, hội nghị ngu ngốc cả ngày, thì lấy đâu ra thời gian mà xuất bản sách? Tôi đã nói chuyện với nhiều người và họ cũng có cảm nhận tương tự. Có người nhận định rằng sự thay đổi này ảnh hưởng cả đến cách những gì các chuyên gia trong ngành có và không thể nói về công việc vị trí của mình trong bối cảnh văn hóa rộng hơn". Theo Paul Bogaards, giám đốc công ty truyền thông Bogaards Public Relations, người ta nói năng phải thận trọng nhiều hơn xưa.

Dennis Johnson, giám đốc tờ báo độc lập Melville House, nói: “Tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ các nhà báo viết về những chủ đề nhạy cảm, những người nói rằng họ đang gọi cho tôi bởi vì tôi là người duy nhất ở New York sẵn sàng trả lời”. Johnson chính là một trong những người đầu tiên lên tiếng chỉ trích kế hoạch sáp nhập Penguin Random House và Simon & Schuster.

Các công đoàn có cung cấp giải pháp?

Nhân viên trong ngành không chỉ phàn nàn về điều kiện làm việc trên mạng xã hội; họ đang thể hiện sự bất đồng với những người sử dụng lao động theo những cách công khai và đoàn kết hơn trước.

Tháng 3/2020, nhân viên Nhà xuất bản Hachette Book Group đã tổ chức diễu hành phản đối kế hoạch phát hành cuốn hồi ký của Woody Allen. Cuộc diễu hành đã có tác dụng, Hachette Book Group phải lập tức loại bỏ cuốn sách.

Ngày 20/7/2020, 100 nhân công đoàn thể tại HarperCollins đã tổ chức đình công nhằm yêu cầu đàm phán hợp đồng lao động mới. Gần đây nhân công của nhiều đơn vị khác cũng đã học theo chiến thuật này, bao gồm Image Comics và Seven Seas Entertainment.

Một biên tập viên của nhà xuất bản lớn nói: “Tôi tò mò không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi trợ lý biên tập bỏ làm một tuần”.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin dường như cho rằng mọi thứ càng thay đổi thì thực ra lại càng giữ nguyên. Nhà văn William Styron đã thất vọng với công việc trong công ty xuất bản và đưa những trải nghiệm thật của mình vào tiểu thuyết Sophie’s choice: ngay trước khi nhân vật của ông bị sa thải đột ngột, anh ta bàn về cách “chứng động mạch vành cấp đầy tuyệt vọng và tàn lụi” đã len lỏi vào hệ thống. Nhân vật nọ nhắc đến mức lương thấp khủng khiếp, công việc cực nhọc khi bị giao cho những cuốn sách anh ghét, sự khốn cùng khi phải ngồi lì trong cái tổ chim câu bằng kính trên một tòa nhà chọc trời giữa trung tâm.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-ban-thao-nhieu-nhan-vien-it-trong-gioi-xuat-ban-post1354796.html