Nghịch lý 'ăn gian' tiền tỷ chỉ bị phạt vài chục triệu đồng

Phạt “tượng trưng”

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) liên tục công bố thông tin xử phạt lãnh đạo hoặc kế toán trưởng doanh nghiệp với các giao dịch mua - bán “chui” cổ phiếu. Một số động thái bán chui cổ phiếu còn thực hiện ngay trước công bố thông tin bất lợi của doanh nghiệp để tư lợi cá nhân.

Trước đó không lâu, ngày 6/11, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 535 triệu đồng đối với bà Lưu Hải Anh, Kế toán trưởng CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG). Trong đó, bà Lưu Hải Anh bị xử phạt 450 triệu đồng do đã thực hiện giao dịch bán 5.400 cổ phiếu SKG trước khi CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang công bố thông tin bị chi cục Thuế huyện Phú Quốc truy thu thuế hơn 57,6 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, bà Hải Anh buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 85 triệu đồng.

Hành vi “mua bán chui” cổ phiếu làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.

Nói đến các lãnh đạo bị xử phạt vì giao dịch "bán chui" cổ phiếu còn phải kể đến ông Lê Xuân Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT). Theo công bố thông tin của sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), ông Lê Xuân Hải được giao dịch bán 3 triệu cổ phiếu NVT từ ngày 2/6 - 1/7/2017. Tuy nhiên, ông Hải đã bán gần 2,6 triệu cổ phiếu NVT vào ngày 29/5 trước khi có công bố thông tin từ HOSE. Theo đó, ông Hải bị phạt 22,5 triệu đồng vì hành vi vi phạm trên.

Theo dữ liệu giao dịch thị trường ngày 29/5, cổ phiếu NVT có phiên giảm sàn đầu tiên và bắt đầu chuỗi giảm giá. Ông Hải đã bán 2,6 triệu cổ phiếu NVT từ ngày 29/5 - 28/6, ước tính số tiền thu về khoảng 10 tỷ đồng.

Giữa tháng 9 vừa qua, UBCKNN cũng đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với ông Lê Văn Hòa, Trưởng ban kiểm soát công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) vì hành vi vi phạm không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, ông Hòa đã mua 40.000 cổ phiếu BHS nhưng không báo cáo UBCK, HOSE trước khi thực hiện giao dịch. Được biết, trong thời gian từ ngày 12/6 đến 20/6, khi thông tin sáp nhập SBT và BHS được đưa ra, cổ phiếu BHS đã tăng giá khá tích cực và các nhân sự điều hành doanh nghiệp đã liên tiếp “chốt lời”. Thời điểm ông Hòa mua vào, giá cổ phiếu BHS dao động trong khoảng 20.600 đồng/cổ phiếu, ước số tiền bỏ ra khoảng 824 triệu đồng.

Ngoài trường hợp của Chủ tịch Ninh Vân Bay và Trưởng ban kiểm soát BHS còn phải kể đến vụ việc ông Lê Xuân Nghĩa - Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (NHP) bị xử phạt 42,5 triệu đồng. Nguyên nhân được đưa ra là do vào ngày 26/8/2016, ông Nghĩa đã bán hơn 3,3 triệu quyền mua cổ phiếu NHP nhưng không báo UBCKNN, sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hà Nội (HNX) trước khi thực hiện giao dịch.

Ngoài ông Nghĩa, 3 lãnh đạo cao cấp khác của NHP cũng bị xử phạt tương tự là bà Nguyễn Thị Mai Hương - thành viên Hội đồng quản trị bị phạt 42,5 triệu đồng, ông Tào Ngọc Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị bị phạt 27,5 triệu đồng và bà Phạm Thị Thủy, Tổng Giám đốc của NHP bị phạt 40 triệu đồng. Hồi đầu năm, ông Lê Kỳ Phùng, Chủ tịch CTCP Đầu tư LDG cũng đã bán 5,5 triệu cổ phiếu công ty và thu về 27,7 tỷ đồng mà không báo cáo. Tuy nhiên, với hành vi này, ông Phùng chỉ bị phạt 42,5 triệu đồng.

Khó xử?

Hành vi “mua bán chui” cổ phiếu khiến rất nhiều cổ đông khác bị thiệt, làm xấu đi hình ảnh chung của thị trường, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, chế tài đưa ra là xử phạt hành chính và các biện pháp khác mà luật pháp hiện hành đang quy định chỉ mang tính xử lý việc đã rồi.

Một nguyên cán bộ cấp cao của UBCKNN cho rằng có ba khả năng các lãnh đạo doanh nghiệp không công bố thông tin xảy ra trên thị trường. Một là họ không biết hoặc quên việc công bố; hai là người thân thực hiện hành vi “bán chui” cổ phiếu mà cổ đông nội bộ không biết; ba là rất nhiều trường hợp biết; nhưng cố tình không công bố, chấp nhận chịu phạt bởi số tiền vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng là quá nhỏ so với mức lợi thu được.

Cũng theo vị này, chế tài xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam phải tuân theo một khung chung của hệ thống luật pháp hiện hành. Do đó đối với hành vi giao dịch chui trong chứng khoán, UBCKNN khó có thể đưa ra một mức xử phạt cao hơn. Đối với những trường hợp vi phạm chào mua công khai, trước đây tất cả mọi người đều hiểu thế nào là vi phạm nhưng trong quy định vẫn còn tồn tại nhiều kẽ hở và những nhà đầu tư thông thạo luật pháp đã lợi dụng các kẽ hở này để luồn lách, trục lợi. Ví dụ, trong luật Hình sự hiện hành có ghi trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất và phi vật chất. Như vậy khi có chữ “và” nghĩa là phải có đủ cả hai điều kiện trên thì mới bị xử phạt bồi thường.

Chuyên gia này cũng cho rằng, hành vi mua bán chui hay thao túng chứng khoán gây ra thiệt hại vật chất thì khó có thể tìm và tính được, nhưng chắc chắn nó khiến thị trường bị ảnh hưởng và nhiều người bị mất tiền. Do đó, đấy là thiệt hại phi vật chất, đáng lẽ là có thể xử phạt nặng được rồi. “UBCKNN đã từng chuyển rất nhiều hồ sơ sang công an và viện Kiểm sát nhưng các bên đều nhận định không đủ cơ sở để khởi tố, sau đó các vụ việc vi phạm chứng khoán lại được trả về UBCKNN xử lý hành chính” – vị nguyên cán bộ UBCKNN cho biết thêm.

Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, hành vi giao dịch, mua bán “chui” cổ phiếu gây thiệt hại rất nghiêm trọng tới thị trường. Tuy vậy, những tổ chức, cá nhân vi phạm chỉ phải chịu mức phạt mấy chục triệu đồng. “Do đó, VAFI đề nghị UBCKNN trả lời làm rõ thông tin liên quan đến các vụ việc xử phạt vi phạm chứng khoán thời gian qua để chứng minh sự minh bạch và xóa tan mọi nỗi nghi ngờ đang dấy lên trong dư luận. Đây cũng là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chứng khoán Nhà nước” – Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

Theo thống kê của UBCKNN, giai đoạn từ năm 2010 - 2015, cơ quan này đã ban hành hơn 900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 60 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2016, UBCKNN đã ban hành 121 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 70 tổ chức và 51 cá nhân vi phạm. Từ đầu năm 2017 đến hết ngày 14/11, đã có 168 quyết định xử phạt với 58 cá nhân và 110 tổ chức được ban hành. Trong đó, số hành vi vi phạm liên quan đến công bố thông tin của những người đứng đầu doanh nghiệp và người có liên quan chiếm tỷ trọng lớn.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nghich-ly-an-gian-tien-ty-chi-bi-phat-vai-chuc-trieu-dong-a347595.html