Nghịch cảnh khi Ấn Độ áp dụng lệnh giới nghiêm chống Covid-19 với 1,3 tỷ dân

Hơn 1,3 tỷ người dân Ấn Độ vào ngày 22-3 lần đầu tiên thực hiện lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Lệnh giới nghiêm kéo dài 14 tiếng được coi là một thử nghiệm để đánh giá khả năng chống lại đại dịch của quốc gia này.

 Lệnh giới nghiêm trên toàn Ấn Độ đầu tiên áp dụng trong vòng 14 tiếng đồng hồ từ 7h sáng đến 9h tối chủ nhật 22-3, theo tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi vào cuối tuần trước.

Lệnh giới nghiêm trên toàn Ấn Độ đầu tiên áp dụng trong vòng 14 tiếng đồng hồ từ 7h sáng đến 9h tối chủ nhật 22-3, theo tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi vào cuối tuần trước.

Hiện các ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ mới ở mức khởi phát, với 390 trường hợp dương tính và 7 ca tử vong.

Hoan nghênh tinh thần thực hiện lệnh giới nghiêm của người dân hôm 22-3, Thủ tướng Modi cũng khuyên mọi người không coi đó là việc để ăn mừng

“Đây là khởi đầu của một trận chiến dài. Mọi người ở những bang đang tuyên bố phong tỏa không nên ra khỏi nhà. Những nơi còn lại, nếu không có việc quan trọng, hãy đừng ra khỏi nhà”, ông Modi nói.

Thủ tướng Modi cũng đề nghị người dân Ấn Độ vào lúc 5h chiều tập trung tại ban công hay mái nhà để vỗ tay, tạo ra những âm thanh lớn để thể hiện sự cảm kích đối với đội ngũ nhân viên y tế đang gồng mình chống dịch.

Mọi người được khuyến khích vỗ tay, sử dụng dụng cụ nhà bếp hay bất cứ kim loại nào để tạo nên âm thanh rộn ràng trong vòng 5 phút.

Quốc gia có dân số cả tỷ dân này đã từng bước phong tỏa các địa phương nhưng cũng chật vật để thuyết phục tất cả người dân hợp tác “tự cách ly” chống dịch.

Đáng nói, người dân ở một số vùng lại tụ tập thành nhóm lớn, cùng ra đường tụng kinh, hò hét, chơi nhạc cụ truyền thống và hô khẩu hiệu…

Người ta kháo nhau rằng năng lượng được tạo ra từ những cái vỗ tay và hô vang của cộng đồng sẽ giúp đẩy lùi virus.

Điều này phủ nhận hoàn toàn hiệu quả thu được từ những giờ giới nghiêm và đi ngược lại lời kêu gọi mọi người phải giữ khoảng cách, tự cách ly.

Tuần này, Ấn Độ sẽ công bố các biện pháp quyết liệt hơn trong phòng chống dịch bệnh. Trong số này, nhà chức trách có thể tạm ngừng hệ thống đường sắt của Ấn Độ, trung bình vận chuyển 23 triệu hành khách mỗi ngày.

Thủ đô New Delhi, nơi xác nhận 6 ca dương tính với virus corona mới đã tuyên bố “khóa chặt” 1 tuần bắt đầu từ 6h sáng 23-3. Các cửa ra vào thành phố bị đóng, trừ nguồn cung cấp thực phẩm, nước và nhiên liệu.

Giao thông công cộng ở New Delhi cũng tạm dừng. Thành phố cấm tụ tập quá 4 người.

Tới nay, 22 bang và tổng cộng 80 quận, huyện trên khắp Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp phong tỏa hoàn toàn, chủ yếu là hạn chế đi lại, ngừng hệ thống giao thông công cộng và đóng cửa doanh nghiệp không thiết yếu.

Bắt đầu từ ngày 22-3, Ấn Độ ngừng các chuyến bay quốc tế trong 1 tuần. Kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở đã phải hoãn lại trong khi các cơ sở giáo dục đều đã đóng cửa cho đến hết tháng 3.

Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ có vẻ như chỉ ở mức khá ít đối với một quốc gia 1,3 tỷ dân, nhưng người ta không khỏi lo ngại bởi tỷ lệ được xét nghiệm ở mức thấp, với chưa đầy 20.000 người được xét nghiệm cho đến nay.

Ấn Độ là một quốc gia đông dân, với các thành phố lớn có tới 20 triệu dân. Vệ sinh dịch tễ vẫn là một vấn đề đáng lo ngại, trong khi không phải ai cũng có thể ở nhà cả ngày, bởi nếu không ra ngoài làm, cả triệu người sẽ không có gì để ăn.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ vốn đã quá tải, nếu Covid-19 hoành hành thì đó sẽ là thảm kịch kinh hoàng. Thực tế, Thủ tướng Modi đã yêu cầu công dân nước này tránh tới bệnh viện nếu có thể.

Trong khi Trung Quốc dường như đã thoát ra khỏi giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch bệnh, quốc gia đông dân thứ hai thế giới - Ấn Độ vẫn chưa phải đối mặt với điều tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, những ngày tới có thể là thảm họa lớn nhất, những cũng có thể chiến thắng vĩ đại nhất của ông.

Hải Yến (Theo RT/Guardian)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nghich-canh-khi-an-do-ap-dung-lenh-gioi-nghiem-chong-covid19-voi-13-ty-dan/847772.antd