Nghịch bật lửa, bé trai 11 tuổi bị bỏng toàn bộ vùng mặt và cách sơ cứu có một không hai của bà

Trong lúc nghịch bật lửa ở gia đình, bé trai 11 tuổi bị lửa bén gây cháy phần tóc và toàn bộ vùng mặt, vùng mắt. Bà đã bôi dầu luyn vào toàn bộ vết bỏng rồi mới đưa cháu đi cấp cứu.

Khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí mới tiếp nhận bệnh nhi L.V.Đ (11 tuổi, trú tại Bắc Sơn – Uông Bí) nhập viện trong tình trạng bỏng vùng mặt, vùng mắt độ; bỏng da mi, kết mạc, giác mạc độ I, II.

Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành xử trí cho bệnh nhi, dùng giảm đau, làm sạch vết thương. Hiện trẻ đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện

Theo gia đình cháu Đ., trong lúc bất cẩn không để ý, cháu Đ. có chơi bật lửa và bị cháy bén vào vùng mặt. Khi xảy ra sự việc chỉ có bà ở cùng, sau khi thấy cháu bị như vậy bà đã bôi dầu luyn vào toàn bộ vùng bỏng của trẻ rồi mới đưa đi viện cấp cứu.

Bé trai bị bỏng nặng toàn bộ vùng mặt, mắt

Bé trai bị bỏng nặng toàn bộ vùng mặt, mắt

Trước thực tế này, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí lưu ý, khi phát hiện người bị bỏng cần rửa vết bỏng bằng nước sạch để làm giảm nhiệt độ tại vết bỏng và giảm độ sâu của vết bỏng.

Nếu bị bỏng ở tay hoặc chân có thể ngâm tay, chân trong chậu nước hoặc dùng vòi nước chảy xả trực tiếp vào vùng bị bỏng. Sau đó cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.

“Tuyệt đối không bôi, chườm bất cứ gì lên vùng da bị bỏng. Như trường hợp của bệnh nhi Đ. bôi dầu luyn như vậy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây khó khăn cho việc trị tiếp theo của bệnh nhi”, các bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn từng nhiều lần nói với phóng viên, có rất nhiều những sai lầm khi bị bỏng mà rất nhiều người mắc phải. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài.

Do đó, để hạn chế những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay, có thể tránh các biến chứng nguy hiểm. Những trường hợp không được điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng tại vị trí bỏng, dễ nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.

BS Nguyễn Thống hướng dẫn, khi bệnh nhân bị bỏng, việc đầu tiên là cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, ngâm vết bỏng trong nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh), việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.

Nếu có bọng nước, kết vảy thì không nên bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị.

Đáng lưu ý, trong những ngày cận Tết - nhiều gia đình bận rộn khiến tình trạng trẻ bị bỏng thường có xu hướng gia tăng. Nhiều trẻ bị bỏng do nghịch pháo, nghịch bật lửa…nhưng hay gặp nhất là bỏng do nước sôi.

Do đó, các bác sĩ khuyến các bậc phụ huynh cần quan tâm, giáo dục và để xa tầm tay của trẻ các vật dụng nóng sôi, các chất dễ cháy nổ, các chất sinh lửa, đồ điện... Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại khi dịch bệnh vẫn nhiều phức tạp trẻ ở nhà nhiều, lại cận tết, bố mẹ cần lưu ý tới trẻ tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/nghich-bat-lua-be-trai-11-tuoi-bi-bong-toan-bo-vung-mat-va-cach-so-cuu-co-mot-khong-hai-cua-ba-403562.html