Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng được quy định như thế nào?

Bạn đọc Đinh Văn Tùng ở xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 33, Luật Công chứng như sau:

1. Quản lý công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình trong việc tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

2. Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê.

3. Thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước.

4. Niêm yết lịch làm việc, thủ tục công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng, phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác tại trụ sở của tổ chức mình.

5. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định tại Điều 37 của luật này và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 38 của luật này.

6. Tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi và quản lý người tập sự hành nghề công chứng trong quá trình tập sự tại tổ chức mình.

7. Tạo điều kiện cho công chứng viên của tổ chức mình tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm.

8. Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra, cung cấp thông tin về hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã công chứng.

9. Lập sổ công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng

10. Chia sẻ thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình thực hiện công chứng để đưa vào cơ sở dữ liệu công chứng quy định tại Điều 62 của luật này.

11. Các nghĩa vụ khác theo quy định của luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

* Bạn đọc Lê Văn Sửu ở xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Những đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng ?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 10, Luật Công chứng như sau:

1. Những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng:

a) Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên;

b) Luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên;

c) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;

d) Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

2. Người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 điều này phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 3 tháng.

Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 điều này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/nghia-vu-cua-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-656233