'Nghĩa trang' đặc biệt ở xóm chài Nhượng Bạn

Nằm lẫn giữa những ngôi nhà ven biển thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh có một khu 'nghĩa trang' vô cùng đặc biệt, nơi chôn cất hàng trăm con cá ông (cá voi) xấu số - loài cá được coi là 'thần may mắn' của ngư dân ven biển. Khu đất này nằm trên một gò cát cao, hướng ra biển, cạnh ngôi miếu hàng trăm năm tuổi.

Hơn 100 ngôi mộ ở "nghĩa trang" cá ông tại xã Cẩm Nhượng. Ảnh: Khánh Chi

Hơn 100 ngôi mộ ở "nghĩa trang" cá ông tại xã Cẩm Nhượng. Ảnh: Khánh Chi

Hằng ngày, trong mỗi câu chuyện của người dân xóm chài Nhượng Bạn, họ vẫn thường truyền tai nhau về cá ông, loài cá linh thiêng với người đi biển. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo tuyến đường đê Phúc Long Nhượng tìm đến khu "nghĩa trang" đặc biệt này. Đây là khu đất nằm cạnh miếu Đức Ngư ông (xóm Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng) được xây dựng từ thời Hoàng Triều, vua Khải Định. Miếu từ xa xưa đã được các triều đại phong kiến xếp vào hạng miếu thiêng, thờ Nam Hải Đại Thần và được vua ban nhiều sắc phong. Đến năm 2013, miếu Đức Ngư ông được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Những ngôi mộ ở đây được đặt tên khắc bia và bố trí ngay ngắn trên gò cát.

Chẳng ai còn nhớ rõ ngôi mộ đầu tiên của cá ông được chôn cất ở làng chài này từ bao giờ. Trong trí nhớ của ông Nguyễn Hữu Phương,Trưởng ban lễ nghi đền, miếu xã Cẩm Nhượng thì từ nhỏ, ông nghe các cụ cao niên trong làng kể về 2 ngôi mộ đầu tiên là một cặp cá ông (Đức Cô, Đức Cậu), có trọng lượng khoảng 4 tấn bị dạt vào bờ. Sau khi vớt lên, người dân đã tổ chức mai táng với đầy đủ các nghi lễ. Tục lệ này đã được người dân làng chài Cẩm Nhượng gìn giữ hàng trăm năm qua mỗi khi phát hiện cá ông lụy trên biển hoặc dạt vào bờ.

Chỉ vào một ngôi mộ cá ông trên gò cát, ông Phương cho biết, đây là ngôi mộ mới nhất trong khu nghĩa trang này. Hôm trước, người dân vừa sắm đồ lễ tổ chức 49 ngày. Đây là con cá ông được một người dân đi biển phát hiện khi dạt vào bờ biển Cẩm Nhượng, có trọng lượng khoảng 80kg. Thắp một nén hương trên ngôi mộ mới, ông Phương cho biết, khi ngôi mộ này đủ 2 năm sẽ cát táng sang tiểu để chuyển vào khu “nghĩa trang” cạnh đó. Nghi lễ này cũng giống như nghi lễ ma chay của con người.

Theo tục lệ ở địa phương, để phân biệt "Đức Cậu" và "Đức Cô", khi tổ chức mai táng, người chủ lễ dùng 3 đồng tiền âm dương gieo quẻ. Nếu quẻ được 3 mặt tiền âm thì được xem là "Đức Cô", còn 3 đồng tiền dương sẽ là "Đức Cậu". Điều đó giải thích vì sao trên những tấm bia mộ tại cồn cát này thường khắc những dòng chữ "Đức Cô" và "Đức Cậu" hoặc "Cô May", "Cậu May".

Trên gò cát, những ngôi mộ được chăm sóc hết sức cẩn thận. Ông Phương cho biết, khi phát hiện loài cá ông lụy trên biển, chủ thuyền sẽ đưa cá vào bờ, tự bỏ chi phí tổ chức mai táng và làm giỗ hằng năm như một người thân trong gia đình. Mỗi chuyến đi xa, họ sẽ thắp hương để cầu mong một chuyến đi biển mưa thuận, gió hòa, đầy ắp cá tôm. Đó cũng là tín ngưỡng của người dân đi biển đối với loài cá ông từ bao đời nay. Còn đối với những cá ông bị lụy dạt vào bờ sẽ do Ban lễ nghi đền, miếu của xã tổ chức mai táng. Cũng theo ông Phương, những năm gần đây, số lượng cá ông lụy bờ ngày càng nhiều. Đặc biệt, năm 2017, khu mộ này đã an táng gần 10 con cá ông, trong đó, nhiều con chỉ có trọng lượng từ 5-7kg.

Người dân làng chài tin rằng, cá ông là hóa thân của vị thần Nam Hải để che chở, cứu giúp khi họ gặp nạn trên biển. Họ thường truyền tai nhau câu chuyện về cá ngư ông cứu người trên biển. Với nét mặt trầm ngâm, ông Phương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện được truyền tai nhau về một người dân trong làng được cá ông cứu nạn, đó là ông Nguyễn Bá Thư, ở thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng. Trước đó, trong lúc đi biển, ông Thư gặp sóng to, gió lớn khiến thuyền của ông bị đắm. Khi cái chết cận kề, “ngài” cá ông xuất hiện và dìu ông vào Hòn Bớc nên may mắn thoát chết.

Hằng năm, người dân 8 thôn ở làng chài Nhượng Bạn thường tổ chức lễ giỗ chung cho "Đức Cậu" vào ngày 25-10 (âm lịch) và giỗ "Đức Cô" vào ngày 12-8 (âm lịch). Ngoài ra, ngôi miếu này còn là nơi tổ chức lễ hội Cầu Ngư vào ngày 8-4 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Xã Cẩm Nhượng hiện có 368 tàu thuyền công suất từ 100 đến 1.200CV với gần 1.500 lao động nghề biển. Việc thờ cá ông cùng với lễ hội Cầu Ngư là tập tục lâu đời của ngư dân nơi đây với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, người dân đi biển trở về bình yên, đánh bắt được nhiều cá tôm. Đồng thời, đây cũng là sự kế tục những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông để lại”.

Khánh Chi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghia-trang-dac-biet-o-xom-chai-nhuong-ban/