Nghĩa tình trôi hết theo tiền

Món hời nhà, đất mang đến khiến nhiều người không ngần ngại bỏ luôn đối tác lâu năm, thậm chí từ bỏ cha mẹ, anh em

Những lúc chống chọi với cơn bạo bệnh, cụ L.T.T (87 tuổi, ngụ TP HCM) vẫn không thôi đau đáu về căn nhà do vợ chồng cụ gầy dựng có nguy cơ mất trắng vào tay người khác. Đau xót hơn, sự thể bắt nguồn từ người con trai ngỗ ngược, bất hiếu.

1. Vợ chồng cụ T. sinh 10 người con. Trong đó, L.T.M.A - con trai thứ 7 nghịch ngợm, phá phách từ nhỏ. Trưởng thành, con trai cụ T. không bỏ tật chơi bời, đàn đúm. Dính vào cờ bạc, lô đề, M.A đánh liều vay tiền với mức lãi suất 30%/tháng. Năm 2010, M.A lấy trộm bản chính hộ khẩu, giấy tờ nhà đứng tên cha mẹ (ở đường Bà Hom, quận 6, TP HCM). Bỏ nhà đi mấy ngày thì M.A điện thoại về thông báo mình trộm giấy tờ và cầm cố nhà cho xã hội đen.

"Cha mẹ tôi chết lặng. Mẹ tôi vốn tai biến nay trở bệnh nặng hơn" - ông L.T.L.A, anh trai M.A, buồn rầu nhớ lại. Ông kể thêm em trai ông cầm căn nhà vương đầy mồ hôi nước mắt cha mẹ lấy 150 triệu đồng. Từ đó, cuộc sống không còn yên ổn. Nhiều nhóm côn đồ tìm đến gây áp lực, dọa nạt xiết nhà.

Căn nhà ở quận 6, TP HCM của gia đình cụ T. bị con trai mang giấy tờ đi thế chấp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Căn nhà ở quận 6, TP HCM của gia đình cụ T. bị con trai mang giấy tờ đi thế chấp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chưa dừng lại, đứa con trai hư hỏng kết hợp với một số đối tượng đóng giả cha mẹ làm giấy ủy quyền giả mạo có nội dung giao L.T.M.A quản lý, sử dụng căn nhà. Bọn chúng dễ dàng qua mặt phòng công chứng. Gia đình cụ T. bàng hoàng khi biết tin M.A mang tài sản đi thế chấp ngân hàng, sau đó sang nhượng. Đến nay, gia đình cụ vẫn cư ngụ tại căn nhà nhưng trên giấy tờ, tài sản đã 5 lần sang tên, đổi chủ. Đứa con nhẫn tâm cầm tiền bỏ đi biệt tăm, mặc kệ cha già bệnh nằm liệt giường. Nhắc đến số phận căn nhà, ông L.A không khỏi lo lắng: "Gia đình tôi đang đối mặt với nhiều tranh chấp, có thể ra đến tòa án".

Nhưng sau tất cả, đứa con ích kỷ, coi trọng đồng tiền hơn gia đình mới là nỗi đau lớn nhất dằn vặt đấng sinh thành.

2. Vợ chồng bà N.T.P (ngụ tỉnh Bình Dương) có 5 người con (2 trai, 3 gái). Khi chồng bà lâm bệnh, con gái bà là N.T.C nói rằng cha mẹ cần chuyển quyền sở hữu căn nhà ở quận 3, TP HCM cho người khác, nếu không, nhà nước sẽ thu hồi. Tin con, năm 2015, vợ chồng bà làm hợp đồng tặng cho C. căn nhà trên. Mọi thủ tục đều do cô con gái sắp đặt. Một thời gian sau, phát hiện con không trung thực nên bà P. có ý đòi tài sản. Tuy nhiên, người con gái lật lọng, nhất định không trả nhà. Bà P. cắn răng đâm đơn kiện con gái ra tòa. Tại tòa, bị đơn lý giải: "Lúc làm thủ tục tặng cho, cha mẹ tôi hoàn toàn tự nguyện. Hơn nữa, trong 5 chị em, tôi nhận trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng. Cha mẹ bất chợt đổi ý chắc do người khác xúi giục". Vợ chồng bà P. tuổi già sức yếu nên ủy quyền cho một người con gái khác dự tòa. Hai chị em đối chọi gay gắt ở chốn công đường. Họ không tiếc buông lời chỉ trích, nói xấu lẫn nhau.

Tòa án tuyên cha mẹ thắng kiện. HĐXX nhận định do thiếu hiểu biết pháp luật và tin tưởng con gái nên nguyên đơn mới chấp thuận tặng cho căn nhà. Chưa kể, nhiều tài liệu, giấy tờ chứng minh bà C. có tính toán, chuẩn bị trước khi thuyết phục cha mẹ tiến hành chuyển quyền sở hữu. Bản án giúp vấn đề pháp lý liên quan đến căn nhà chấm dứt nhưng căn nhà sẽ mãi có một "vết nứt" vĩnh viễn không thể sửa chữa, hàn gắn lại.

3. Năm 2009, ông Lê Văn Tám và một doanh nghiệp ký hợp đồng thuê khoán sản phẩm một lô đất gần 10 ha ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Đến năm 2012, ông Tám giao kết góp vốn hợp tác kinh doanh với bà Mai Lệ Huyền canh tác trồng mía trên mảnh đất này. Theo hợp đồng, ông Tám đóng góp đất; bà Huyền góp tiền, vật tư, trang thiết bị cùng những chi phí đầu tư phục vụ việc khai thác, sản xuất, canh tác. Cuối mỗi vụ thu hoạch hằng năm, bà Huyền trả ông Tám phần lợi nhuận 35 triệu đồng. Nếu nhà nước thu hồi mảnh đất, bồi thường và hỗ trợ thì bà Huyền có quyền nhận phần bồi hoàn về hoa màu hoặc các khoản có tính chất tương tự. Bà Huyền chia sẻ: "Sau khi ký kết hợp đồng, tôi tốn rất nhiều tiền bạc, công sức trồng trọt. Vậy mà, tôi suýt trắng tay". Đến năm 2016, TP tiến hành thu hồi mảnh đất đang trồng mía nói trên. UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định bồi thường chi phí đầu tư hơn 3,1 tỉ đồng. Sau đó, ông Tám lẳng lặng làm thủ tục nhận tiền. Bà Huyền biết chuyện thì đã muộn. Sau khoảng 2 năm bà Huyền kiên trì khiếu nại, thuyết phục, ông Tám mới đồng ý hòa giải, phân chia số tiền bồi thường theo thỏa thuận trước đó.

Sau khúc mắc này, 2 người từng là đối tác, qua lại thân thiết nhiều năm chắc khó có cơ may nhìn mặt nhau, hợp tác trở lại.

Hãy quan tâm hơn vấn đề pháp lý về tài sản

Theo luật sư Nguyễn Thị Minh Trang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tham gia nhiều phiên tòa liên quan đến phân chia tài sản, nhiều nhất là đất đai, bà từng chứng kiến không ít cảnh đau lòng. Vì quyền lợi vật chất, gia đình từ mặt nhau, bạn bè đoạn tuyệt quan hệ. Hậu quả nhiều vụ tranh chấp nhà, đất không dừng lại ở phiên tòa dân sự mà là những vụ án hình sự thương tâm. Đến lúc người mất mạng, kẻ ra tòa thì mọi sự hối tiếc đã muộn. " Vì vậy, trước hết, người dân cần quan tâm hơn đến các vấn đề pháp lý về tài sản (điều khoản hợp đồng, văn bản thừa kế...). Đây là lá chắn pháp luật nhằm phòng tránh, hạn chế tranh chấp, mất tài sản" - luật sư Nguyễn Thị Minh Trang lưu ý.

Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/nghia-tinh-troi-het-theo-tien-20190812220123058.htm