Nghĩa tình quân dân xã đảo Nhơn Châu

Đại đội hỗn hợp Đ30 (Bộ CHQS tỉnh Bình Định) đứng chân tại xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, cách đất liền 24 km, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Đại đội Hỗn hợp Đ30 trong một lần giúp dân kéo thuyền tránh bão

Đại đội Hỗn hợp Đ30 trong một lần giúp dân kéo thuyền tránh bão

Đến thăm xã đảo Nhơn Châu chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện cảm động về tình quân dân trên Cù lao Xanh (tên gọi khác của xã đảo Nhơn Châu). Mặc dù xã đảo hiện vẫn chưa có điện lưới quốc gia, giao thông cách trở, cơ sở vật chất còn thiếu thốn... nhưng nhịp sống, công tác của đơn vị luôn sôi động, khẩn trương. Cùng với duy trì nghiêm các chế độ ngày, tuần, bộ đội thực hiện huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, sát cánh với nhân dân lúc bình thường cũng như khi gặp thiên tai.

Cư dân Nhơn Châu chủ yếu sống bằng ngư nghiệp. Con tàu dù lớn, dù nhỏ luôn là tài sản đáng giá nhất của mỗi gia đình. Mùa bão lũ, nghe tin cấp báo, thuyền cứ vào bến đã có bộ đội đón sẵn, hỗ trợ kéo vào nơi trú tránh an toàn. Cán bộ, chiến sĩ còn chia nhau tỏa về từng thôn xóm, giúp bà con chằng, chống nhà cửa. Bão tan, lại hạ thủy cho tàu ra khơi, ra quân dọn vệ sinh môi trường, khắc phục đường sá, cầu cống hư hỏng.

Mỗi mùa biển động, Đ30 lại trút “hũ gạo tiết kiệm” chia sẻ với bà con. Cảm động trước tấm tình sâu nặng ấy, hễ trúng mẻ tôm, cá, dân chài không ai bảo ai, lại mang đến chia ngọt sẻ bùi với các anh. Tình cảm mặn mòi ấy đã bắc nên bao nhịp cầu duyên. Theo thống kê sơ bộ, tính đến nay, có xấp xỉ một tiểu đội của Đ30 qua các thời kỳ, quê từ khắp các miền đất nước ở lại, trở thành cư dân của hòn đảo này.

Đại tá Võ Văn Hưng, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 và Đoàn cán bộ phụ nữ Quân khu 5 tặng quà đối tượng chính sách xã Nhơn Châu

Đặc biệt, có một câu chuyện bi tráng từ 30 năm trước vẫn luôn được cả người dân và bộ đội trên đảo khắc ghi để nhớ về tình cảm quân dân sâu đậm. Đó là một ngày cuối đông năm 1989, một cô gái đi vớt mứt (rong biển) trượt chân và bị sóng đẩy ra xa bờ. Được tin, bất chấp sóng lớn, hai chiến sĩ Đ30 đã không ngần ngại lao mình xuống biển cứu người. Rất tiếc, do sóng quá dữ, nước biển lạnh, nên nỗ lực cứu người của các anh bất thành. Cả cô gái trẻ và hai người lính kiên cường đều không thể trở lại bờ. Đó là một ngày vô cùng đau đớn của quân và dân Nhơn Châu.

Ngoài câu chuyện xúc động nghĩa tình trên, nhiều năm qua, các chiến sĩ Đại đội Đ30 đã góp phần xây dựng kinh tế ở đảo qua những việc làm rất cụ thể, như: Xây dựng nông thôn mới; xây nhà tình nghĩa, tình thương, giúp đỡ hộ nghèo, neo đơn; hỗ trợ nhân dân lúc khó khăn, hoạn nạn, thiên tai…

Năm 2014, cán bộ, chiến sĩ Đại đội hỗn hợp Đ30 đã phối hợp cùng lực lượng biên phòng và tuổi trẻ trên đảo xây cột cờ Tổ quốc trên đảo Nhơn Châu. Từ nhát cuốc đầu tiên san mặt bằng cho lễ khởi công đến khi công trình hoàn thành (tháng 10/2014) không mấy khi vắng màu áo lính ở cầu cảng và chân núi.

Giờ đây, hằng ngày ngước mắt ngắm cột cờ cao 22,66 m, lá cờ 24 m2 tung bay trong nắng, phía dưới là biển xanh và xóm làng bình yên, càng cảm nhận tình quân-dân thiêng liêng và gần gũi cũng như sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đ30 chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nghia-tinh-quan-dan-xa-dao-nhon-chau/371312.vgp