Nghĩa tình người lính Đồn Biên phòng Đắk M'Bai

Đồn Biên phòng Đắk M'Bai, BĐBP Đắk Nông đứng chân trên địa bàn biên giới xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Tuy đóng quân tại xã biên giới, nhưng đồn chỉ quản lý vùng đệm của xã Đắk Lao, địa bàn không có người dân sinh sống. Nhiều năm qua, đơn vị nhận đỡ đầu 3 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 1 em là học sinh nước bạn Campuchia, 2 em là con của liệt sĩ Biên phòng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắk M’Bai thăm gia đình chị Niê Đoan Trinh. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắk M’Bai thăm gia đình chị Niê Đoan Trinh. Ảnh: Kim Nhượng

Theo chân những người lính Đồn Biên phòng Đắk M’Bai tới tổ dân phố số 13, trị trấn Đắk Mil, chúng tôi bước trên con đường dẫn vào ngõ nhỏ rợp cây cổ thụ. Người dân nơi đây bao năm nay đã thân quen với những người lính Đồn Biên phòng Đắk M’Bai thường xuyên tới thăm hỏi, động viên gia đình chị Niê Đoan Trinh. Thấy chúng tôi, chị vội vàng bỏ dở việc đang làm, đon đả ra đón.

Đi cùng chị là 2 cháu gái rất xinh xắn, đáng yêu. Đôi mắt đượm buồn, chị nhắc tới chồng - anh Nguyễn Văn Phượng, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thuận An. Anh hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ phân giới, cắm mốc năm 2014. Niê Đoan Trinh sinh ra và lớn lên tại buôn Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Min, là một cô gái dân tộc Ba Na chăm chỉ, hiếu học. Năm 2001, cô sinh viên mới nhập trường Cao đẳng Kiểm sát ấy đã đem lòng cảm mến người lính Biên phòng thường xuyên xuống thăm buôn làng của chị. Anh dạy cho bà con biết cách trồng lúa nước, dạy cách ăn ở vệ sinh, tặng cho con trẻ cuốn vở, chiếc bút, đặc biệt là lúc nào cũng vui vẻ, hòa nhã. Sự cảm mến cứ lớn dần rồi trở thành tình yêu lúc nào không biết.

Họ cưới nhau lúc chị ra trường, một đám cưới đầm ấm, hạnh phúc trước sự chứng kiến của đồng đội và người dân buôn làng. Cháu gái đầu lòng của anh chị nói: “Lúc bố còn sống, bố luôn nhắc cháu phải học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ cứu người”. Cô gái thứ hai cũng nhanh nhảu tiếp lời: “Bố cũng bảo con sẽ làm bác sĩ”. Sự hồn nhiên của con trẻ khiến chúng tôi xúc động vì sự ra đi đường đột của liệt sĩ Nguyễn Văn Phượng.

Xoa đầu con, chị Niê Đoan Trinh nói: “Đây là cháu Nguyễn Bảo Khánh Băng, sinh năm 2005, học sinh lớp 9, trường Dân tộc nội trú Đắk Mil. Nguyễn Bảo Nam Phương năm nay lên lớp 4, học cùng trường với chị. Nhà chỉ có 3 mẹ con, mẹ đi làm nên 2 cháu phải gửi tại trường. Chị lớn Khánh Băng cuối tuần mới về, em Nam Phương được mẹ buổi trưa tranh thủ qua đón ăn cơm, tối lại vào trường. Hôm nào mẹ bận thì Nam Phương cũng phải ở lại trường với chị. Là con của BĐBP thì phải tự lập, không được ỷ lại người khác, con nhỉ!”. Hai đứa trẻ nhất loạt dạ.

Chị Trinh tâm sự: “Hồi anh Phượng mới mất, chị vất vả lắm, tưởng không gượng dậy nổi. May 2 đứa nhỏ biết thương mẹ, chăm ngoan, học giỏi, lại được đồng đội của anh thường xuyên thăm hỏi, động viên, nếu không quả thật chị không biết phải làm sao. Không những quan tâm, các anh ấy còn nhận 2 đứa để đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Mà không cứ lễ, Tết hay có dịp nào đó mới tới hỏi thăm đâu, có việc ra trung tâm xã là các anh lại tạt qua, đem bánh kẹo, sữa cho 2 đứa nhỏ”.

Trung tá Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắk M’Bai cho biết, Đồn Biên phòng Đắk M’Bai được giao quản lý 11km đường biên giới, 8 cột mốc phụ và 1 tâm cồn bãi. Trên địa bàn đơn vị đóng quân không có người dân sinh sống. Cũng như các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Đắk Nông, đơn vị luôn chú trọng triển khai thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hiện nay, đơn vị nhận đỡ đầu 1 em học sinh nước bạn Campuchia và 2 em học sinh là con liệt sĩ Nguyễn Văn Phượng. Mỗi tháng, ngoài việc hỗ trợ 500.000 đồng, cấp ủy, chỉ huy đơn vị còn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ quan tâm, thăm hỏi, động viên.

Trung tá Nguyễn Quốc Hoàn cho biết thêm: “Hồi anh Phượng còn sống, thế hệ chúng tôi mới chỉ đang ở cấp đội. Anh Phượng là người hiền lành, chân chất, luôn nhiệt tình giúp đỡ anh em trong đơn vị. Không những là một người chỉ huy giỏi, đối với anh em chúng tôi, anh Phượng như một người anh cả vậy”.

Xe len qua cánh rừng già trải dọc đường tuần tra biên giới trở về Đồn Biên phòng Đắk M’Bai. Một ngày dài, thấm mệt, nhưng trái tim mỗi người trong đoàn lại cứ hướng về nơi ấy. Lòng cảm phục, nghĩa cử cao đẹp, ân tình sâu nặng đối với đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ nơi đây khiến chúng tôi thêm tin yêu, trân quý. Bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ chính, nhưng những người lính của Đồn Biên phòng Đắk M’Bai vẫn luôn xác định còn một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là bảo vệ cho cuộc sống của nhân dân, chăm lo cho con em đồng bào, đồng đội.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghia-tinh-nguoi-linh-don-bien-phong-dak-m-bai/