Nghĩa tình của cô đồng nát kiêm giúp việc

Cô đồng nát được bà con khu phố gọi tắt là 'Hương nát'. Gọi thế cho gọn chứ cũng chẳng có chút kỳ thị nào. Nhà chị Hương ở đâu mạn Thái Bình quê lúa, ngót nghét tuổi 35 mà chưa chồng.

Cô Hương bảo, ở quê thế bị coi là ế rồi. Mà giờ cô cũng chẳng muốn lấy chồng làm gì nữa, tính ở quê sống đến già thì thôi. Người quê thì nghĩa tình nhưng cũng có chút phiền hà. Phố thì nhà ai biết nhà nấy, còn ở quê đi đến mấy km ai cũng biết ai.

Nhất là ở tuổi cô, thương hiệu “Hương ế” càng được nổi danh. Hết những chuyện thêu dệt đến hỏi han phiền hà, mãi chẳng chịu được, cô đành quyết định rời quê ra phố. Nhờ một người bà con hướng dẫn, cô quyết định làm nghề thu mua đồng nát.

Ban đầu cũng vì tính khí thật thà và tính cần mẫn của người quê, khi có ai gọi vào bán mấy đồ cũ hay giấy báo gì, cô thu mua xong đều lau dọn cẩn thận, thành ra được rất nhiều người quý.

Nhưng cô quý và trân trọng nhất ông Sỹ ở cuối phố. Vốn là người có vai vế trong xã hội nhưng vợ ông mất từ sớm, con cái lại ở hết nước ngoài. Ông cũng có một người giúp việc, nhưng ông không thích tính khí của cô ta nên đã đuổi đi từ lâu.

Ảnh minh họa

Giờ ông chỉ sống cô lẻ trong nhà, thỉnh thoảng nhờ người mua đồ ăn thức uống sống dà dật qua ngày.

Chị Hương biết đến ông Sỹ vì một lần được ông gọi vào bán cho đống giấy báo cũ. Nói là bán nhưng ông chỉ yêu cầu: Thu gọn cho hết đám giấy báo này rồi lau nhà sạch cho ông, ông không lấy tiền giấy đâu.

Một phần vì đó cũng là việc chị vẫn thường làm, phần lại được cho toàn bộ số giấy báo nên chị Hương làm rất chu toàn. Thậm chí chị còn lau dọn mấy cái bằng khen, giấy khen, dọn dẹp phòng ốc của ông, nhất là khi chị biết chỉ mình ông phải nương náu tuổi già một mình trong căn nhà này.

Đang dọn, bổng chị thốt lên khi đọc thấy quê gốc của ông trong một chiếc giấy: Ôi ông cùng quê cháu đấy ạ. Hỏi ra mới biết, ông thoát ly ra thành phố từ lâu, nay quê quán cũng chẳng còn ai thân thích nữa, nên ông cũng chẳng về thăm quê lần nào.

Hỏi han một lúc, ông Sỹ hỏi: Cháu làm nghề này kiếm một tháng được bao nhiêu. Chị Hương thú thật, cũng chỉ được vài ba triệu thôi ông.

“Thế ở đây làm giúp việc cho ông đi, ông trả cho 5 triệu một tháng. Đồng hương cũ mà”, ông nói. Nghĩ ngợi một lúc, chị Hương nói với ông: Vậy ông trả con 2 triệu một tháng, nhưng con vẫn đi thu đồng nát, rồi con vẫn dọn dẹp nấu nướng cho ông khi cần. “Duyệt”, ông kết luận. Thế là cũng từ đó, cô đồng nát có chỗ để lui về giữa thành phố rộng lớn.

Hồ Viết Thịnh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nghia-tinh-cua-co-dong-nat-kiem-giup-viec-post45507.html