Nghĩa khí hay pháp quyền? Nếu tối hôm ấy không có hiệp sĩ xuất hiện….

Không phải nghĩa khí, cũng không phải pháp quyền viển vông, mơ hồ - trộm cắp, hay cũng như nhiều loại tội phạm về tài sản khác, xuất phát và có thể bị triệt tiêu hay không là từ cách chúng ta quản lý thị trường lưu thông tài sản, quản lý xã hội như thế nào.

Không khó để đoán ra, sau vụ việc những hiệp sỹ đường phố ngã xuống mới đây ở TP Hồ Chí Minh, nhiều báo sẽ đăng những bài viết so sánh, bàn chuyện, rằng: xã hội phải được vận hành bằng pháp luật chứ không phải nghĩa khí, nhiệm vụ chống tội phạm là của công an, hay xa hơn là pháp luật là để bảo vệ người tốt chứ không phải chống lại người xấu, để cuối cùng đưa ra kết luận rằng: chọn pháp quyền chứ không chọn nghĩa khí lỗi thời và cụ thể, mô hình hiệp sỹ đường phố là một sai lầm nên được loại bỏ.

Những bài viết nói trên cũng sẽ nêu ví dụ ở một nước văn minh nào đấy. Ở đó, khi có cướp thì nạn nhân phải nằm im thật ngoan, phần còn lại hãy để cảnh sát lo liệu. Và nếu người dân hành động thì cảnh sát sẽ chê chứ chẳng có bằng khen tuyên dương như ở Việt Nam bao giờ.

Rõ ràng, những điều như thế chẳng bao giờ sai cả, nhưng nó thật sự có đúng với chúng ta vào ngay lúc này đây hay không lại là chuyện khác. Thử đặt một vài câu hỏi.

Thứ nhất, nếu tối qua không có hiệp sỹ đường phố nào xuất hiện, cũng không có người dân thường nào xông vào bắt cướp? Chắc chắn xe máy của một người dân sẽ bị lấy đi mất. Theo thủ tục, chủ xe sẽ phải trình báo với cơ quan công an nơi xảy ra sự việc. Và rồi, nếu may mắn, anh sẽ lấy lại được xe với điều kiện nó là tang vật của một vụ án nào khác bị cơ quan công an tìm thấy. Nếu không, như tất cả những người bị cướp trên đất nước này, có lẽ đừng nên hi vọng gì nhiều vào việc tìm lại được tài sản của mình. Chúng ta không thể trách lực lượng công an, bởi mỗi ngày có hàng trăm vụ cướp xảy ra, quả thật không bao giờ có đủ lực lượng để truy tìm từng tài sản bị cướp một.

Thứ hai, nếu tối qua không phải là những hiệp sỹ đường phố và dân thường mà là những chiến sỹ công an lao vào đánh nhau với bọn cướp có vũ khí thì sao? Rõ ràng, khi nổ súng để trấn áp tội phạm ở nước ta vẫn còn là một thủ tục khá phức tạp và gần nhưng là biện pháp cuối cùng, những chiến sỹ công an với tay không, so sánh với bọn cướp cầm mã tấu thì nếu xông vào cũng không có lợi thế hơn những hiệp sỹ đường phố là bao. Có thể sẽ có những chiến sỹ công an ngã xuống. Và nỗi đau mất mát thì với ai, với gia đình nào cũng sẽ như nhau, không thể lý luận rằng một chiến sỹ công an ngã xuống bởi đó là nhiệm vụ của họ thì chúng ta bớt đau đớn hơn một hiệp sỹ hay một dân thường ngã xuống.

Thứ ba, mô hình hiệp sỹ đường phố có hiệu quả không? Câu trả lời là có. Theo số liệu từ báo chí, mỗi năm đội hiệp sỹ ở các tỉnh thành như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý được trên dưới 1000 vụ cướp giật, và cũng khoảng từng đó tên tội phạm bị bắt giữ. Xa hơn, tội phạm có sợ lực lượng hiệp sỹ đường phố không? Câu trả lời cũng là có. Không có đồng phục, hầu hết làm những công việc lang thang trên đường cả ngày, có nhiều kinh nghiệm để nhận biết tội phạm, không ngại lăn xả - những điều đó cũng đủ làm những đối tượng định phạm tội phải e dè ít nhiều.

Thứ tư, chúng ta có sẵn sàng ngồi im khi bọn tội phạm lấy đi tài sản của mình không? Câu trả lời là không. Lấy ví dụ một chiếc xe máy – đó là tài sản lớn (có thể là lớn nhất) của số đông học sinh, sinh viên và người lao động. Xe máy cũng có thể là nguồn mưu sinh duy nhất của một gia đình. Và khi thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe tin đâu đó có những người phải tự sát vì túng quẫn, thì đứng im nhìn tài sản, nguồn sống của mình bị lấy đi có lẽ là một điều viển vông.

Vậy chúng ta đành ngồi im, chịu nạncướp giật vẫn hoành hành, những chiến sỹ công an, hiệp sỹ đường phố và dân thường tiếp tục ngã xuống ư. Thử đặt thêm một vài câu hỏi.

Tại sao ô tô giá trị lớn hơn xe máy rất nhiều mà chúng ta lại không thấy ô tô bị cướp bao giờ? Từ trước đến nay chỉ có duy nhất có vụ một diễn viên nghiệp dư có vấn đề về thần kinh, cướp ô tô để đi “giải cứu thế giới” xảy ra. Đơn giản, vì ô tô là thứ không tiêu thụ được. Ở Việt Nam gần như không thể bán một chiếc ô tô ăn cắp, kể cả việc rã ra để bán máy móc phụ tùng, nếu là khả thi với bọn tội phạm thì giá trị của những phụ tùng đó cũng không đáng so với công sức bỏ ra. Hay nói cách khác, ô tô - nó có giá trị với chủ sở hữu nhưng lại không hề có giá trị gì với tội phạm cả.

Nhưng xe máy hay phụ tùng ô tô thì khác, việc bán một chiếc xe máy cũ ở những chợ xe cũ, bán một cặp gương ở chợ trời là quá dễ dàng. Hay chọn cách khác, “cắm” một chiếc xe máy ở một cửa hàng cầm đồ lại càng dễ dàng hơn, bởi không hề có một thông tin nào của người bán được lưu lại, cũng không ai thường xuyên quản lý nguồn hàng, đơn giản chỉ là chốt giá và nhận tiền, hoàn toàn sạch sẽ.

Ở phương Tây điều này sẽ khác, một lần tôi bán 1 chiếc máy ảnh cũ ở London, tại một dịch vụ có thể hiểu tương tự như cầm đồ ở Việt Nam. Tuy nhiên, để bán được tài sản, tôi phải khai một bảng dài về thông tin cá nhân và tài khoản, kèm một bản photo thẻ cư trú, chụp một bức ảnh tại chỗ tay cầm thẻ cư trú đưa ngang mặt. Và tiền sẽ về tài khoản sau đó từ 7-15 ngày (sau khi xác minh thông tin cá nhân và nguồn gốc hàng hóa) chứ không được cầm luôn. Như vậy, cách thức quản lý thị trường mua bán tài sản và một xã hội không dùng tiền mặt như ở phương Tây về logic là có thể hạn chế việc tiêu thụ tài sản bất minh, để từ đó hạn chế nạn trộm cắp đi rất nhiều.

Vậy rõ ràng, khi chúng ta vẫn để cho một hệ thống tiêu thụ đồ ăn cắp ngang nhiên hoạt động thì trộm cắp vẫn sẽ mãi tồn tại với thị trường tiêu thụ đồ ăn cắp đó mà không có cách gì xóa bỏ được. Hay nói cách khác, trả lời câu hỏi ở đầu bài đặt ra, không phải nghĩa khí, cũng không phải pháp quyền viển vông, mơ hồ - trộm cắp, hay cũng như nhiều loại tội phạm về tài sản khác, xuất phát và có thể bị triệt tiêu hay không là từ cách chúng ta quản lý thị trường lưu thông tài sản, quản lý xã hội như thế nào.

Bùi Phú Châu

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/nghia-khi-hay-phap-quyen-neu-toi-hom-ay-khong-co-hiep-si-xuat-hien-451115.html