Nghĩa Đô cần lắm những tấm lòng hảo tâm

Sau cơn lũ quét qua, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) tan hoang, cở sở hạ tầng sạt lở nham nhở... hơn 300 ha đất nông lâm nghiệp bị thiệt hại. Đặc biệt, hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, nhiều hộ bị cuốn trôi nhà và toàn bộ tài sản.

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Khánh, Hoàng Thị Tơ trong căn lán dựng tạm bên bờ suối

Theo chân đoàn thiện nguyện, chúng tôi về với đồng bào xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai). Đã gần một tháng kể từ khi cơn lũ quét qua đây, nhưng người dân vùng lũ vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Người già kể rằng, đã nhiều năm nay ở con suối hiền hòa này chưa từng xảy ra cơn lũ nào khủng khiếp như vậy. Lũ đã làm sập hoàn toàn và vùi lấp nhiều công trình thủy lợi bản Khương, Nà Đình, Nà Mường, bản Hón, bản Rịa... sạt lở nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và làm sập hai cây cầu.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Ngọc Khánh, chị Hoàng Thị Tơ thôn Bản Lằng. Trong căn lán dựng tạm bằng bạt mỏng bên đường cách nơi ở cũ một quãng không xa, còn có gia đình người em là anh Nguyễn Văn Khôi, chị Nguyễn Thị Dần. 6-7 con người chen chúc trong căn lán chật hẹp kiêm cả bếp và phòng tắm. “Nhiều hộ mất nhà còn đến ở nhờ nhà anh em, chứ hai anh em tôi dựng nhà cạnh nhau để tiện đùm bọc, bảo ban nhau làm ăn kinh tế. Nào ngờ, thiên tai ập đến mất hết tài sản giờ không giúp đỡ gì được cho nhau, khó khăn lại chồng chất khó khăn” – anh Khánh chia sẻ.

Căn lán tạm này liệu có chống chọi được với những cơn gió mùa đông bắc và cái lạnh thấu xương miền sơn cước đang kéo về.

Chị Tơ chỉ về phía bãi cát trắng xóa ngẹn ngào cho biết đó là nền cũ của ngôi nhà gỗ ấm cúng, 3 sào lúa đang chín rộ với một ao cá đầy trắm, chép mà anh chị dự tính đánh bắt mẻ cá bán cuối năm để có tiền mua sắm tiện nghi và ăn tết. Giờ thì, hàng ngày thay nhau trông ngóng vào những chuyến hàng thiện nguyện sống qua ngày. Chị bảo: “Vừa rồi, hai gia đình chúng tôi nhận được gạo, mắm, muối, chăn, màn... đủ dùng cho một thời gian. Ngoài ra tiền hỗ trợ từ các Tổ chức trong tỉnh, huyện tôi cũng đã nhận được 60 triệu đồng, em tôi 40 triệu đồng dành để dựng nhà trên nền đất vườn của bố mẹ. Nhưng đất trên đồi cần phải san gạt, tiền mua nguyên vật liệu, công cán cho thợ... tính ra phải gấp đôi số tiền tôi đang có, chúng tôi cũng chưa biết phải xoay sở thế nào”.

Chị Hoàng Thị Tơ buồn bã nhìn về cánh đồng lúa chưa kịp thu hoạch và toàn bộ tài sản chỉ còn là bãi cát trắng

Có một nguồn động viên an ủi rất lớn là cho đến nay, người dân xã Nghĩa Đô vẫn liên tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, các nhà hảo tâm mọi miền. Gần đây nhất là công ty THHH MTV Bảo Tín Minh châu đã trao 110 suốt quà mỗi suất 1 triệu đồng bằng tiền mặt cho các hộ dân bị ảnh hưởng, riêng 12 hộ thiệt hại nặng được ủng hộ gần 2 triệu đồng tiền mặt. Công ty này chọn hình thức ủng hộ thiết thực nhất vì đến thời điểm này vật dụng thiết yếu người dân cũng đã nhận nhiều. Mua thêm hàng hóa chở lên sẽ mất thêm chi phí vận chuyển, vì vậy, công ty trao tận tay các hộ số tiền mặt này để người dân có thể tích tiểu thành đại tập trung nguồn lực dựng lại mái nhà.

Nơi tiếp nhận tấm lòng của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm đến với người dân Nghĩa Đô

Ông Lương Văn Quân, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, cho biết: “Trên thực tế, ngoài 12 hộ bị cuốn trôi hoàn toàn đã nhận được hỗ trợ trước mắt (trung bình 40 triệu đồng/hộ) còn khoảng 90 hộ gia đình nữa cũng bị lũ cuốn trôi hết tài sản và hỏng nhà cửa ở mức độ thiệt hại từ 30-70%.

Chúng tôi đang tiến hành rà soát, phân loại mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ một phần. Những hộ gia đình này thuộc diện hỗ trợ ít nhưng những thiệt hại về tài sản là không hề nhỏ. Nhiều hộ như gia đình ông Hoàng Văn Phúc (thôn Bản Lằng), ông Lương Văn Thoại, bà Ma Thị Kiệu (Bản Nà Đình)... thiệt hại về hàng hóa như: vật liệu xây dựng, hàng tạp hóa lên tới 300 – 400 triệu đồng, nhiều căn nhà xiêu vẹo sắp đổ, sập tại chỗ nhưng theo qui định thì cũng không được hỗ trợ nhiều như những nhà bị cuốn trôi hoàn toàn”.

Sau trận lũ tổng số diện tích lúa bị xói lở, vùi lấp lên đến 80ha, diện tích ngô, hoa màu gần 50 ha. Có chỗ, cát phủ sâu đến 1m cần có một nguồn chi phí nạo vét cát, rác nên chưa thể khắc phục được ngay. Tuy nhiên, để bà con tập trung canh tác khôi phục sản xuất, xã Nghĩa Đô đã vận động bà con tự xử lý cát, rác trên những diện tích bị ảnh hưởng ít cùng sự chung tay của lực lượng Đoàn thanh niên, cán bộ xã, hội phụ nữ và anh em, bạn bè nội tộc các gia đình...

Bên cạnh đó, xã cũng đề nghị các hộ dân có diện tích liền khu, liền khoảnh nhưng vẫn canh tác được cho các hộ bị nặng mượn canh tác, tổng diện tích được gần 15ha. Để nâng cao năng suất, giá trị, Huyện Bảo Yên cũng chỉ đạo đưa cây khoai tây vào vụ đông. Hiện, Công ty An Việt (Hà Nội) liên kết cung ứng giống khoai tây hỗ trợ 50% giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giống đã được cung ứng đến từng hộ gia đình để đảm bảo đúng tiến độ thời vụ.

Cho đến thời điểm này, mặc dù tỉnh Lào cai, huyện Bảo Yên đã khẩn trương, nỗ lực để ổn định đời sống cho bà con nhưng người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn khi hạ tầng cơ sở bị hư hỏng. Cầu ngầm Nghĩa Đô bị cuốn trôi khiến con đường đến trường của các em học sinh khó khăn hơn khi đạp xe vòng qua đường quốc lộ, tỉnh lộ rất nguy hiểm. Đặc biệt, cầu Bản Lằng sập khiến thôn Bản Đáp bị cô lập như một ốc đảo, bố mẹ phải cõng con vượt suối đến trường.

Nguyên Hoa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nghia-do-can-lam-nhung-tam-long-hao-tam-post23707.html