Nghĩa cử cao đẹp của người đàn ông ở nghĩa trang Đồng Nhi

Gần 20 năm qua, ông Nguyễn Phước Phụng (48 tuổi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã lặng lẽ thu gom hài nhi bị bỏ rơi đem về khâm liệm, chôn cất. Không những vậy, ông còn cưu mang nhiều phụ nữ đang có bầu, nuôi dưỡng họ cho đến khi sinh con. Với ông, chỉ cần nghe tiếng con trẻ khóc chào đời là thấy cuộc đời thật ấm áp, hạnh phúc.

Gần 20 năm gom xác hài nhi

Chúng tôi đến nghĩa trang vào lúc chiều tà, phía đằng Đông từng đám mây đen kịt ùn ùn kéo đến khiến không gian nơi đây như trở nên u tịch, lạnh lẽo hơn. Thấy người lạ, ông Nguyễn Phước Phụng cất giọng: “Anh chị đến thắp nhang hay có việc gì không?”.

Giọng ông ấm áp, hiền hậu, xua tan đi bao lạnh lẽo nơi chứa chất đầy âm khí này. Đây là nghĩa trang được cha xứ Nguyễn Vân Đông (nhà thờ Thăng Thiên, TP Pleiku) thành lập năm 1992. Sau đó cha đã giao việc trông coi, chăm sóc cho ông Phụng và cụ Lê Thị Tâm (82 tuổi). Hơn chục năm qua, một già, một trẻ lặng lẽ, xây đắp “ngôi nhà chung”, mang lại sự ấm áp cho những đứa trẻ tại nghĩa trang mà không màng đến công cán.

Công việc hàng ngày của ông Nguyễn Phước Phụng.

Họ cùng nhau đi gom nhặt những thai nhi tội nghiệp, đem về chôn cất, rồi bỏ tiền túi mua quan quách, vật dụng tẩm liệm cho các cháu. Ông Phụng đưa mắt về phía khu nghĩa trang dành cho các hài nhi xấu số, nói với chúng tôi: “Tôi chỉ mong mình thất nghiệp để các cháu có thể cất tiếng khóc chào đời”.

Trời bắt đầu lắc rắc mưa, ông Phụng vội vàng choàng tạm tấm áo mưa để hoàn thành nốt công việc đưa một hài nhi mới về với ngôi nhà chung. Ông bảo, gần 20 năm qua, ông đã bế trên tay khoảng 13.000 hài nhi xấu số, trung bình mỗi ngày ông đưa từ 3 đến 5 bé, ngày nhiều có tới 20 bé, có bé đã thành hình hài.

Trước đây, nghề của ông Phụng là làm vườn thuê cho các chủ nông trại. Vì cuộc sống quá khó khăn, ông về nghĩa trang Pleiku làm thuê. Ai thuê gì ông làm nấy, khi thì lau chùi mộ, lúc lại xây mộ. “Cuộc sống của tôi chưa khi nào khá giả cả, làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình. Để có thêm thu nhập, tôi đã xin vào nghĩa trang này để làm thuê. Không nhiều nhặn gì nhưng cũng gọi là khá hơn là việc đi làm ở ngoài” – ông Phụng kể lại.

Công việc gom hài nhi đến với ông thật vô tình, chính trong những lúc làm việc tại đây, ông thường xuyên bắt gặp những thai nhi bị vứt bỏ. Ông còn nhớ như in lần đầu thấy hài nhi bị vứt trong bụi cỏ ở nghĩa trang, không khỏi rùng mình hoảng sợ, định bụng bỏ đi, nhưng lương tâm cứ níu chân ông lại… ông quyết định nhặt lấy và đem chôn cất tử tế. Kể từ đó, mỗi lần đi làm, ông đều quan sát thật kỹ xem có hài nhi nào bị bỏ rơi hay không, rồi mang về chôn cất tại nghĩa trang Đồng Nhi này.

Việc làm của ông Phụng được nhiều người ghi nhận.

Tiền công người ta trả có lẽ chỉ đủ lo cho gia đình nhỏ, ông không đủ điều kiện lo hòm quách cho những đứa trẻ xấu số. Ông Phụng đành ngậm ngùi chôn cất hài nhi trong bát nhang, vỏ lon sữa, hoặc trong các chậu hoa, hộp gỗ. Rồi ông lại một mình cặm cụi xây dựng cho các bé những ngôi mộ nhỏ, trên bia cho ghi chữ “vô danh”.

Thế rồi công việc ấy cứ ngấm vào ông từ khi nào chẳng hay, ông tự coi đó là công việc hàng ngày, như cái nghiệp vậy. Chỉ cần nghĩ đến những sinh linh bị vứt bỏ là lòng ông chẳng yên, có lẽ vì thế ông trầm hơn, sống lặng lẽ hơn. Ông cùng cha nuôi của mình xuống tất cả các bệnh viện, trung tâm nạo phá thai… ghi lại số điện thoại của mình để xin những hài nhi bị bỏ rơi đem về nghĩa trang chôn cất.

Từ đó đến nay, số lượng thai nhi được ông đưa về nghĩa trang dần tăng lên, đã có hơn 2.000 ngôi mộ lớn nhỏ tại nghĩa trang này. Ông cẩn trọng lấy chiếc ví rằn ri đã ngả màu cho chúng tôi xem. Ông bảo, đó là vật bất ly thân, nó là nơi lưu giữ những tấm hình của các hài nhi xấu số mà mình đã từng bế trên tay.

Trong ví còn có cuốn sổ nhỏ dùng để ghi ngày, tháng, năm đưa các bé về nghĩa trang, địa điểm và ngày giờ tìm thấy các bé. “Có những trường hợp cha mẹ bỏ con nhưng sau này đã đến xin cho tìm lại trong số những ngôi mộ đã được chôn cất. Vẫn biết họ lầm lỡ, sai trái, nhưng có thể tôi vẫn tìm lại cho họ để các bé được an ủi phần nào” – ông Phụng chia sẻ.

Đồng hành cùng ông Phụng là cụ Lê Thị Tâm, phụ trách việc quản lý, chăm sóc mồ mả, hương khói cho các bé. Nhiều năm nay, cụ đã coi “ngôi nhà chung” tại nghĩa trang Đồng Nhi như ngôi nhà thứ hai của mình. Bất kể trời nắng hay mưa, sáng sớm cụ đã đi bộ đến khu thờ chung của các hài nhi để dọn dẹp sạch sẽ và đón khách đến thắp nhang cho các bé. Tối đến, khi không còn ai, cụ lại lặng lẽ dọn dẹp, thắp cho các bé nén nhang vòng rồi mới trở về nhà.

“Tôi ra đây chăm sóc phần mộ cho các bé thấy lòng mình thanh thản lắm. Những câu chuyện éo le, ngang trái “thu gom” được tôi sẽ đem kể với các cháu, kể với những người trẻ để khuyên răn, ngăn chặn kịp thời những trường hợp đáng tiếc” – cụ Tâm chia sẻ.

Cưu mang nhiều thai phụ

Công việc thu gom hài nhi của ông Phụng một thời bị người đời xì xèo, cho rằng ông rỗi việc, lo chuyện thiên hạ. Thế nhưng, nghĩa cử nhận nuôi các cô gái có ý định phá thai đến ngày họ sinh nở còn khiến người ta thêu dệt nhiều chuyện hơn. Đã có nhiều đàm tiếu, có người ác miệng nói với vợ ông phải xem lại tư cách đạo đức của chồng, có thể vì đó là con rơi nên mới dang tay cứu giúp.

Cụ Lê Thị Tâm, người đồng hành với ông Phụng.

Thế rồi cả chục phụ nữ, cả chục bé được sinh ra thì người ta mới công nhận đó là nghĩa cử cao đẹp của ông Phụng. Đã rất nhiều bé được cứu sống từ trong bụng mẹ, bé thì được gửi tại chùa, bé thì được người hiếm muộn nhận làm con.

Đặc biệt hơn là có những bà mẹ đã thôi ý định bỏ con và các bé tiếp tục được sống trong vòng tay mẹ. “Tôi rất vui mừng vì đã cứu được nhiều em bé từ trong bụng mẹ. Các bé luôn coi tôi như một người cha, chúng vẫn thường xuyên về thăm tôi” – Ông Phụng tâm sự.

Trái hẳn với suy nghĩ của nhiều người, chính vợ ông Phụng mới là cánh tay đắc lực giúp đỡ ông chăm sóc các sản phụ. Bà Huỳnh Thị Thạnh (47 tuổi, vợ ông Phụng) cười nói: “Mình luôn ủng hộ những việc làm tốt của chồng. Chỉ cần nghĩ đến những sinh linh vô tội có nơi an nghỉ, không còn phải bơ vơ là tôi thấy ấm lòng lắm rồi. Nhiều khi nửa đêm, ông nhà tôi có điện thoại liền đi ngay, tôi không khỏi lo lắng vì lo ông ấy gặp nguy hiểm. Chỉ khi ông ấy về đến nhà, tôi mới an tâm để tiếp tục ngủ”.

Suốt gần 20 năm làm việc thu gom hài nhi, đã có rất nhiều lần ông Phụng lặng người, không cầm được nước mắt. Ông kể, đó là bé Noel… đêm Giáng sinh năm 2004, trời lạnh căm căm như cắt da thịt. Ông vừa đón một bé về nghĩa trang với cái tên “Võ Minh Giáng Sinh” thì có một cô gái người dân tộc Jarai bước vào, cõng theo sau lưng chiếc gùi.

Cô gái này nói với giọng hết sức lạnh lùng: “Tôi nghe nói ở đây nhận con, tôi mang con đến đây. Nó ở trong cái gùi này”. Vừa dứt lời, cô gái nghiêng chiếc gùi, đổ ra một bọc nilon màu đen, đựng thai nhi đã hình thành. Đó là kết quả của tình yêu giữa cô gái trẻ và một chàng trai trong bản nhưng vì những luật nghiêm khắc, không chấp nhận mang thai trước khi cưới nên cô gái này buộc phải phá bỏ.

Rồi còn bé Trung Thu cũng khiến ông nhớ mãi. Đó là vào đêm Trung thu năm 2004, khi những đứa trẻ đang quây quần bên mâm cỗ, với bánh kẹo với đèn lồng, trống lân rộn ràng. Ông lại tìm thấy một bé trai trên đồi thông, khi ấy bé đã bị kiến ăn hết một phần thi thể. Đưa bé về nghĩa trang lau rửa để chuẩn bị khâm liệm, những ngón tay nhỏ bé vô tình níu chặt lấy tay ông.

Một nữ tu đã kịp dùng điện thoại chụp ảnh lại khoảnh khắc ấy. Kể từ đó, hình ảnh bé Trung thu được lấy làm hình ảnh đặt ở trang thờ chung cùng với dòng chữ thơ khiến người xem không khỏi động lòng trắc ẩn: “Con nằm đây, hai tay chắp, khẩn cầu… lạy Mẹ Cha trăm ngàn lạy nữa. Hãy để con - Cho con được sinh ra”.

Đôi mắt ông Phụng rưng rưng nói: “Số phận các bé đến nơi đây có lẽ kể cả ngày này qua ngày khác cũng không hết. Đó là những câu chuyện ngang trái, những hài nhi vô tội. Ở đây có rất nhiều nhà hảo tâm đến xây dựng nghĩa trang, thắp nhang, trong đó không ít những người là cha mẹ các cháu. Họ đến đây trong sự ăn năn, hối lỗi và cầu mong con cái mình tha thứ để thanh thản sống tiếp”.

Ông Phụng trong nghĩa trang Đồng Nhi.

Trên ban thờ chung, phía lư hương có ghi dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ”, khiến tất cả những người đến đây đều lặng người. Đây là dòng chữ do những nhà hảo tâm lập nên nghĩa trang đề lên với mong muốn các em được yên lòng khi về với thế giới bên kia thật thanh thản, không oán thán, trách móc.

Còn với người ở lại có thể nhìn vào mà phần nào vơi bớt nỗi đau, nỗi day dứt về những lỗi lầm mình gây ra. Chia tay ông Phụng khi trời đã tối, ông nhắc lại câu nói: “Tôi chỉ ước mình thất nghiệp, ngày đó sẽ chẳng có hài nghi vô tội nào bị cha mẹ bỏ rơi, chúng sẽ được cất tiếng khóc chào đời, được yêu thương như những đứa trẻ khác”.

Phong Anh – Dung Dung

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/nghia-cu-cao-dep-cua-nguoi-dan-ong-o-nghia-trang-dong-nhi-486553/