Nghĩa cau trầu

Hôm định phá dây trầu không, mẹ cứ nhứ nhứ con dao vào gốc cây rồi lại thả dao xuống: 'Gốc trầu xanh như thế này hay mẹ để lại cho bà Mão?'.

 Ảnh minh họa, nguồn: YouTube.

Ảnh minh họa, nguồn: YouTube.

Cả xóm tôi chắc chỉ còn bà Mão ăn trầu. Bà nghiện trầu từ thuở còn con gái. Cau thì nhà bà đã có hai cây cao chót vót, đầy trái. Mẹ kể, ngoài Bắc, ông Mão - con ông giáo là người cùng làng với mẹ. Ông giáo được cả làng kính nể vì lối sống nền nếp, thương người. Còn bà Mão mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông bà giáo đem về cưu mang từ nhỏ, phụ giúp việc chăn trâu cắt cỏ.

Thời thanh niên, ông Mão cưới vợ cùng làng, sinh được 4 người con. Khi đứa nhỏ nhất chưa lên 3 thì vợ ông mất. Bà Mão hồi ấy vừa độ tuổi trăng tròn, thương cậu chủ cảnh gà trống nuôi con nên cứ mải mê bế bồng, chăm bẵm từng đứa. Đêm nào cũng “ru hởi ru hời”. Đến khi đứa lớn nhất thi đậu Tú tài, bà mới thấy mình đã quá lứa lỡ thì.

Có đợt, ông Mão tìm được mối tốt ở làng bên, tính gả bà cho người đàn ông đó. Bà Mão “vâng” chấp thuận mà tự nhiên lòng ông nặng nề, day dứt.

Bữa sau, ông lại hỏi bà “có lấy tôi không?”, cũng một tiếng “vâng” tương tự mà lòng ông nhẹ bẫng, hân hoan. Mẹ bảo, đó là cuộc tái giá hiếm hoi ở thời ấy mà người làng thật tâm chúc phúc.

Bà Mão sinh cho ông được thêm 3 người con nữa. Khi con của người vợ trước ai cũng thành đạt, nức tiếng trong làng, ông lại quyết định đưa bà Mão và 3 con nhỏ vào Nam lập nghiệp. Ở quê, đất chật người đông, miếng đất nhỏ xíu làm sao đủ lo cho 7 đứa.

Một tay ông lại khai phá mảnh đất mới. Việc đầu tiên ông làm là ươm ngay 2 cây cau trồng bên hiên nhà để sau này bà khỏi phải tìm mua trái ăn trầu. Rồi ông trồng một đồi chè xanh ngay hàng thẳng lối. Hồi đó cả xóm ai thấy ông trồng cái cây “vô bổ” ấy cũng cười. Vài năm sau, người ta bắt đầu nể ông, đến vườn ông xin hạt về ươm vì chè có giá. Nhờ đồi chè mà 3 đứa con của ông ăn học tới nơi tới chốn. Nhưng ai cũng phải lập nghiệp ở xa, hiếm khi nào về thăm thầy u.

Sau hôm thôn tổ chức lễ chúc thọ ông Mão 85, bà Mão 70 thì bà đổ bệnh. Trong xóm, người mang sữa, người mang đường tới thăm. Nhưng bà chẳng thiết thứ gì, than thở bâng quơ: “Ối dào, mồm miệng cứ nhạt thếch”. Ông hiểu ý, hái xuống một nhánh cau rồi chống gậy qua nhà tôi xin vài lá trầu. Mẹ mừng rỡ quáng quàng chạy đi hái lá: “May mà chưa chặt”.

Hôm sau, mẹ rủ tôi qua thăm bà Mão, sẵn tiện nhờ ông xem giúp ngày xây nhà cho anh cả. Nhưng cuối cùng mẹ không hỏi nữa. Vì thấy ông Mão miệng tiếp chuyện hai mẹ con, kể chuyện hồi xưa ở quê ra sao, các anh thành đạt thế nào. Nhưng đôi bàn tay đầy đồi mồi của ông không rời chiếc chìa ngoáy, ngoáy trầu cho bà như một quán tính. Dù cơi trầu đã xếp đầy những miếng cau gói lá, tẩm vôi để sẵn.

Bước ra thềm, tôi vẫn nghe tiếng ngoáy trầu trong nhà nghèn nghẹt, dồn dập và gấp gáp. Như thể ngày mai, ai đó sẽ không còn cơ hội làm việc ấy nữa.

KHƯƠNG QUỲNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/nghia-cau-trau-634361.ldo