Nghị viện châu Âu kêu gọi các thành viên EU ngừng bán vũ khí cho Ả Rập Saudi

Chính phủ Anh và Tây Ban Nha đang phải chịu nhiều áp lực sau khi Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết kêu gọi các nước thành viên ngừng bán vũ khí cho Ả Rập Saudi.

Đức đã quyết định ngừng chuyển giao tàu tuần tra cho Ả Rập Saudi - Ảnh: Internet

Quyết định khuyến nghị không có tính ràng buộc của Nghị viện châu Âu được đưa ra trong bối cảnh Ả Rập Saudi đã thực hiện vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi và phạm hàng loạt tội ác chiến tranh tại Yemen, khiến 1/2 dân số nước này có nguy cơ chết đói.

Đức đã đi đầu trong việc ngừng bán vũ khí cho Ả Rập Saudi và Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi các đồng minh của mình phải hành động giống Đức để lên án những gì bà đã mô tả như một vụ giết người “quái dị” trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul.

Trong khi đó, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết không ràng buộc kêu gọi 28 nước thành viên của khối "áp đặt lệnh cấm vận vũ trang toàn EU lên Ả Rập Saudi".

Tuy nhiên, nghị quyết này vấp phải sự phản đối của Anh và Tây Ban Nha, hai nước hiện đang xuất khẩu nhiều vũ khí cho Ả Rập Saudi. Thủ tướng Anh Theresa May bảo vệ quyết định vẫn xuất khẩu vũ khí cho Ả Rập Saudi, nói rằng chính phủ Anh đã có những quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu vũ khí.

Điều rõ ràng là, mặc cho những tội ác mà Ả Rập Saudi đang gây ra, thì Cục Thương mại Quốc tế Anh cho biết nước này trong năm ngoái vẫn đã xuất sang Riyadh số vũ khí trị giá hơn 1 tỷ bảng Anh. Chưa hết, tính từ khi cuộc chiến tại Yemen diễn ra hồi năm 2015 đến nay, Anh đã bán sang Ả Rập Saudi số vũ khí trị giá tới 4,6 tỷ bảng.

"Brexit không phải là một cái cớ để Anh từ bỏ trách nhiệm đạo đức của mình. Theresa May phải chứng minh rằng bà sẵn sàng đứng lên để phản đối hành vi giết Khashoggi và ngừng bán vũ khí cho Ả Rập Saudi ngay lập tức", Nghị sĩ châu Âu Philippe Lamberts tuyên bố.

Ngay khi Nghị viện châu Âu đưa ra nghị quyết của mình, Ả Rập Saudi cho biết vụ giết Jamal Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước, trái với những tuyên bố trước đó của nước này cho rằng vụ giết người này chỉ là một tai nạn.

Ngoài Đức, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã dọa hủy bỏ một hợp đồng quốc phòng trị giá hàng triệu USD với Ả Rập Saudi để trừng phạt nước này vì vụ giết ông Khashoggi. Thụy Điển, Na Uy, Bỉ và Phần Lan cũng đã có chính sách không bán vũ khí cho Ả Rập Saudi.

Trong khi đó, Tây Ban Nha vừa mới gửi cho Riyadh 400 quả bom laser hồi tháng trước, bất chấp những lo ngại của cộng đồng quốc tế về việc Ả Rập Saudi sẽ dùng số bom này tại Yemen, nước đang có một nạn đói hoành hành.

Còn Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho Ả Rập Saudi, đã rõ ràng rằng họ sẽ trừng phạt Riyadh nhưng không ảnh hưởng đến các thỏa thuận mua bán vũ khí. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump nếu Mỹ ngừng bán số vũ khí trị giá hơn 100 tỉ USD cho Riyadh thì đồng nghĩa với việc Mỹ đang "tự trừng phạt mình".

Thiên Hà (theo The Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nghi-vien-chau-au-keu-goi-cac-thanh-vien-eu-ngung-ban-vu-khi-cho-a-rap-saudi-99612.html