Nghỉ việc riêng không được tính để xét nâng bậc lương

Bà Dương Thị Thu Hương đề nghị giải đáp trường hợp sau: Một giáo viên xin nghỉ việc riêng không hưởng lương từ tháng 3/2018 đến hết tháng 2/2019, được cơ quan chủ quản đồng ý. Tháng 6/2018, giáo viên này đủ thời gian tăng 1% phụ cấp thâm niên nghề, đến tháng 9/2018 đủ thời gian giữ bậc cũ để xét nâng bậc lương thường xuyên.

Bà Hương hỏi, sau khi giáo viên đi làm trở lại từ tháng 3/2019, thì thực hiện tăng phụ cấp thâm niên nghề và xét nâng bậc lương thường xuyên vào thời điểm nào?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Về phụ cấp thâm niên nhà giáo, theo quy đinh tại Khoản 1, Điểm c Khoản 3, Điều 2 và Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, thì nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên không tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Về nâng bậc lương thường xuyên, theo Điểm a và Điểm c Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thì đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương. Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên.

Trường hợp bà Dương Thu Hương phản ánh, một giáo viên của trường đến tháng 6/2018 sẽ được tăng phụ cấp thâm niên nghề và đến tháng 9/2018 sẽ được nâng bậc lương thường xuyên. Nhưng, từ tháng 3/2018 đến hết tháng 2/2019 giáo viên này xin nghỉ việc riêng không hưởng lương. Căn cứ các quy định nêu trên, việc tăng phụ cấp thâm niên nghề và nâng bậc lương giải quyết như sau:

Về phụ cấp thâm niên nhà giáo, trường hợp giáo viên tham gia giảng dạy liên tục thì đến tháng 6/2018 sẽ có đủ thời gian 12 tháng (một năm) để được tính thêm 1% phụ cấp thâm niên nhà giáo. Nhưng giáo viên này nghỉ việc riêng không hưởng lương từ tháng 3/2018, tính đến tháng 6/2018 còn thiếu 3 tháng nữa mới đủ 12 tháng (một năm) để được tính thêm một thâm niên.

Như vậy, sau khi đi làm trở lại từ tháng 3/2019 mà giáo viên này trực tiếp tham gia giảng dạy liên tục 3 tháng nữa thì đến tháng 6/2019 sẽ có đủ thời gian để được tính phụ cấp thâm niên thêm 1% so với mức phụ cấp cũ.

- Về nâng bậc lương thường xuyên, trường hợp giáo viên làm việc liên tục thì đến tháng 9/2018 sẽ có đủ thời gian 36 tháng (ba năm) giữ bậc, đủ điều kiện xét nâng bậc lương thường xuyên. Nhưng giáo viên này nghỉ việc riêng không hưởng lương từ tháng 3/2018, tính đến tháng 9/2018 còn thiếu 6 tháng nữa mới đủ thời gian 36 tháng (ba năm) giữ bậc để được xét nâng một bậc lương.

Như vậy, sau khi đi làm trở lại từ tháng 3/2019 mà giáo viên này làm việc liên tục cho đến tháng 9/2019 sẽ có đủ thời gian giữ bậc, đủ điều kiện xét nâng một bậc lương.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/nghi-viec-rieng-khong-duoc-tinh-de-xet-nang-bac-luong/340054.vgp