Nghỉ việc, bán ô tô, người đàn ông một mình đi xe máy 'phượt' hơn 5.000 km với khao khát khám phá Việt Nam

Hành trang 'đắt giá nhất' trong suốt 60 ngày đi 'phượt' xuyên Việt của anh Nguyễn Công Khanh chính là khao khát khám phá Việt Nam, tình yêu thiên nhiên và niềm tin vào những điều thiện lành.

Công việc, trách nhiệm và những lo toan trong cuộc sống dường như khiến người ta quên mất rằng mình còn một tâm hồn để nuôi dưỡng, khám phá. Nhận ra điều này, anh Nguyễn Công Khanh (38 tuổi) đã ấp ủ trong mình một chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy để hòa mình vào thiên nhiên và dùng chính thiên nhiên để khai phá nội tâm, bản ngã của mình.

Ở tuổi 38, nhiều người chọn cho mình một cuộc sống ổn định với vòng lặp “công ty - gia đình” từ năm này sang tháng nọ, nhưng anh Nguyễn Công Khanh lại sẵn sàng nghỉ việc suốt 3 tháng trời để một mình đi dọc tổ quốc bằng xe máy. Một số người bảo rằng anh “hơi điên”, nhưng đằng sau hành động tưởng chừng như “hơi điên” ấy là vô vàn lý do khiến người ta phải suy nghĩ lại.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy anh lên đường chính là “ước mơ nội tâm” của bản thân. Cuộc sống hối hả khiến con người mãi chạy theo những trách nhiệm xã hội mà quên mất rằng, tâm hồn mình luôn có những phần chưa được khai phá. Anh thừa nhận rằng khi đến tuổi trung niên, anh luôn khát khao được sống một giai đoạn nào đó cho mình và chỉ riêng mình mà thôi. Một mình để khai phóng tâm hồn, một mình để nhận ra bản ngã, một mình để biết được sức mạnh nội tâm của bản thân to lớn đến nhường nào. Và khi ấy, anh biết mình cần thiên nhiên để khai phá tâm hồn.

Sâu thẳm trong nội tâm mình, tôi luôn muốn sống gần gũi với thiên nhiên, với không gian rộng mở để mở rộng tầm mắt, mở rộng tâm hồn mình. Tôi luôn khao khát được đi, được trải nghiệm, được khám phá đất nước Việt Nam” - anh Khanh chia sẻ.

Cũng chính vì xem “thiên nhiên là một phần trong con người”, nên khi Mã Pì Lèng mọc lên một tổ hợp nhà hàng, khách sạn, anh Nguyễn Công Khanh chợt giật mình và lập tức lên kế hoạch cho chuyến đi. “Điều đó thôi thúc tôi, nếu không đi nhanh ngay bây giờ, tôi sẽ không còn cơ hội để nhìn ngắm nét đẹp tự nhiên của Mã Pì Lèng nữa. Mặc dù tôi có thể xem những clip trên mạng nhưng nó lại chưa đủ thỏa mãn vì đó là góc nhìn của người khác, khung hình của người khác, suy nghĩ của người khác” - anh Khanh cho biết.

Nhiều người chờ đến thời điểm hoàn hảo mới bắt đầu chuyến đi của mình, nhưng anh Khanh cho rằng, như thế thì đợi đến bao giờ? Tiền bạc, sức khỏe, thời gian, bao nhiêu là đủ?

Tôi chắc rằng về mặt vật chất, điều kiện của tôi thấp hơn rất nhiều so với những người nói rằng họ muốn được đi giống tôi. Cái tôi giàu hơn họ chính là khao khát muốn khám phá nội tâm, muốn được trải nghiệm, muốn thoát khỏi vùng an toàn của mình. Tôi không chờ đến khi mình đủ đầy. Nếu không đi bây giờ, thì đến bao giờ?

Ở tuổi 38, tôi cũng như nhiều người khác, có một gia đình nhỏ, một công việc, một ngôi nhà, một chiếc xe ô tô. Nhưng rồi cuộc sống tại thành thị khiến tôi ngày càng cảm thấy ngột ngạt, bức bách. Mỗi ngày ngồi trên chiếc xe hơi, bò tới nơi làm việc, chấm vân tay là một ngày chiến đấu thực sự. Tôi tự nghĩ, ừ, cuộc đời của mình chẳng lẽ cứ mãi thế này sao? Thế là tôi đã quyết định bán chiếc xe hơi khi mua với giá gần 300 triệu với giá gần 200 triệu đồng để sẵn sàng cho một kế hoạch điên rồ nhất: đi phượt khắp Việt Nam bằng xe máy và phải đi một mình, trong khoảng 2 tháng”.

Từ số tiền bán chiếc xe hơi nho nhỏ tôi trích ra một khoảng tiền 20 - 30 triệu để làm kinh phí cho chuyến đi xuyên Việt dự kiến trong 2 tháng của mình. Đời người được mấy lần sống cho mình, thôi thì hãy thử một lần sống khác đi”, anh tự nhủ

Những người thân trong gia đình, từ ba mẹ đến vợ con ban đầu đều nghĩ quyết định của anh là điên rồ. Nhưng sau khi được tôi thuyết phục họ đã quay sang ủng hộ quyết định này. Trước chuyến đi, anh dành thời gian để thu xếp công việc và hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Ngoài việc đảm bảo mọi người sẽ ổn nếu không có anh, bản thân anh còn phải đảm bảo với mọi người rằng mình cũng sẽ luôn cẩn trọng và an toàn trong suốt chuyến đi bằng cách luôn mặc đồ bảo hộ, bật định vị và cập nhật hành trình cho bạn bè, người thân.

Khi bắt đầu chuyến đi, anh không lên kế hoạch rằng mình sẽ đi bao lâu, đến những địa điểm nào, mọi thứ gần như là ngẫu nhiên, ngoài một vài địa điểm nổi tiếng mà anh buộc mình phải ghé thăm. Tuy nhiên, chính sự ngẫu nhiên ấy lại khiến hành trình của anh trở nên thú vị hơn bởi những bất ngờ.

3 tháng hành trình của anh Nguyễn Công Khanh được chia làm hai chặng. Chặng thứ nhất, từ Hà Nội, anh ngược lên các tỉnh Tây và Đông Bắc để đến những địa điểm như Mèo vạc, Mã Pì Lèng, Lũng Cú, thác Bản Giốc,… và sau đó trở lại Hà Nội một tuần mới tiếp tục chặng hai. Ở chặng tiếp theo, từ Hà Nội, anh đi dọc theo phần còn lại của Tổ quốc và tập trung nhất vào các tỉnh Tây Nguyên, bởi lẽ, nơi này vẫn còn nhiều điều bí ẩn thu hút anh. Trên đường đi, anh nghỉ ngơi ở nhà dân hoặc nhà nghỉ ven đường, không cần sang trọng, tiện nghi, miễn là thoải mái và an toàn.

Trong suốt hành trình, không chỉ tận hưởng thiên nhiên băng mắt, anh dùng tất cả các giác quan của mình để cảm nhận. “Tôi không chỉ nhìn, tôi còn cảm nhận độ lạnh bằng da, tôi uống thử nước ở sông nếu nó đủ trong và sạch, rồi tắm suối, tắm thác,… tôi muốn tất cả giác quan của mình đều được “chạm” vào tự nhiên, không được bỏ sót một thứ gì” - anh Khanh chia sẻ.

Có lẽ vì dùng cả tâm hồn mình để cảm nhận thiên nhiên nên điều khó khăn nhất với anh Nguyễn Công Khanh chính là lưu luyến cảnh vật không muốn rời. “Với tôi, khó khăn lớn nhất chính là khi bắt gặp một cảnh thanh bình, xinh đẹp, tôi chẳng muốn rời đi, như khi ở Mèo Vạc hay Tây Nguyên. Có lần tôi đến một hồ nước tại Tây Nguyên, bản thân dự định chỉ ngồi nghỉ 30 phút nhưng cuối cùng lại ngồi đến 3 tiếng ở đó. Ở những nơi này, tất cả khung cảnh diễn ra như một thước phim, vừa chân thật lại vừa thơ mộng khiến tôi không thể rời mắt”.

Không chỉ đi để cảm nhận, anh Nguyễn Công Khanh còn đi bằng lòng biết ơn. Biết ơn những người đã xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biết ơn cả từng chặng đường mình đi. Trong hành trình của mình, anh không quên ghé lại viếng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Quảng Nam, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), thăm khu tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (Quảng Nghãi) hay nghiêng mình tỏ lòng biết ơn với những dân công đã hy sinh khi xây con đường Hạnh Phúc ở Mã Pì Lèng (Hà Giang), thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải…

Một trong những kỷ niệm khó quên đối với anh Khanh trong hành trình xuyên Việt lần này là anh đã tham gia hiến máu nhân đạo lần thứ 4 trong năm 2019 tại phố cổ Hội An. Đây cũng là lần hiến máu nhân đạo lần thứ 29 của anh. Anh cho biết, hiến máu nhân đạo là hoạt động chính nằm trong hành trình “cho đi là còn mãi” mà anh đã bắt đầu từ năm 2001.

- “Đi một mình anh không sợ cướp giật, lừa gạt sao?”

- “Không. Tôi tin vào tính thiện của con người. Tôi cũng tin rằng khi tôi đi bằng cái tâm thiện lành nhất, tôi sẽ được tự nhiên và con người đáp trả bằng những gì thiện lành nhất và minh chứng là tôi vẫn ngồi đây vẹn nguyên sau 3 tháng. Chúng ta có quá nhiều lo sợ với thế giới ngoài kia và đã tự thu mình lại trong vùng an toàn. Nhưng bạn hãy thử một lần và sẽ thấy thế giới không đáng sợ như những gì ta được nghe. Hãy cảm nhận thế giới bằng chính bản thân mình, bạn sẽ thấy nó thực sự đáng yêu” - anh Khanh chia sẻ.

Những câu chuyện của anh luôn khiến người ta cảm thấy dễ chịu, bởi lẽ dù trong những hoàn cảnh tưởng chừng như khó khăn nhất, anh vẫn kể nó bằng chất giọng điềm nhiên, vì dường như sâu thẳm trong anh, đúng như những gì anh đã nói, anh tin vào điều thiện lành.

Anh kể rằng, khi chạy xe máy lên đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang), vì đường khá dốc nên xe anh đã bị tuột dốc, xe bị trôi dù đã cố sức giữ lại. Tình thế cực kỳ nguy hiểm, anh chỉ còn cách nhảy khỏi xe, bám vào vách đá và chấp nhận để xe rơi xuống vực. Tuy nhiên, ngay lúc ấy, một hướng dẫn viên du lịch đã nhìn thấy và giúp anh kịp thời nên đã cứu được cả người lẫn xe.

Một lần khác, khi đi qua đèo Violak (Quảng Ngãi - Kon Tum), anh đã bị nhỡ đường do gặp phải sương mù dày đặc và không thể tiếp tục hành trình. Trên đường quay lại, anh xin ngủ nhờ ở trại của những công nhân xây dựng ven đường. Đêm đó, anh được họ tiếp đón nhiệt tình, được ăn uống, hát hò với nhau. Và sáng hôm sau, anh đã tỏ lòng biết ơn bằng cách chở một người công nhân về thăm vợ, tặng chị chủ thầu đồ sạc đa năng khi sạc pin của chị bị hỏng,… “Khi mình mở lòng, nở một nụ cười chân ái thì mọi người đều mở lòng và cười lại với mình” - anh nói.

Những cuộc gặp gỡ giữa anh những con người xa lạ dường như được sắp đặt trước bởi định mệnh. Ngay lúc anh tưởng rằng mình sẽ dừng lại, luôn có người xuất hiện để khiến anh tiếp tục hành trình. Ở Gia Lai, khi đi thăm núi lửa, trong lúc đang lo lắng vì chỉ có một mình giữa núi rừng hoang vu, anh lại gặp được hai nhân viên khảo sát du lịch. Họ chia sẻ những câu chuyện và giúp anh chụp ảnh. Hay khi đi thăm thác nước, anh lại vô tình gặp ba bố con dân địa phương đi bắt cá, thế là anh đi theo họ để khám phá dù vài giây trước đã dự định ra về vì cảm thấy nguy hiểm.

Tất cả những điều đó khiến anh thêm tin vào sự lương thiện của con người. “Chỉ cần mình cho họ thấy rằng mình an toàn với họ, họ sẽ cởi mở với mình. Hơn nữa, hãy biến mình trở thành một người không có gì để lợi dụng, không đeo trang sức, không đem theo vật đắt tiền, lúc ấy, mình sẽ được an toàn” - anh chia sẻ.

Sau chuyến đi lần này, anh Khanh cho biết mình sẽ quay trở lại với công việc bằng một tâm thế mới: kỷ luật hơn, nhiệt huyết hơn và chuyên nghiệp hơn.

Anh cũng nói về những dự định tương lai, về khao khát được chinh phục 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam (khi đã leo đỉnh Fasipan vào năm 2013), khám phá hang động kỳ vĩ Sơn Đoòng (Quảng Bình) vào năm 2020 và mong ước được đặt chân đến Everest trong kế hoạch 5 năm. Và sau cùng là kể cho con gái nghe về những trải nghiệm của mình để khơi dậy tình yêu thiên nhiên, hiểu biết những nền văn hóa của loài người trong con.

“Ai cũng một lần được sống. Hãy sống theo cách của bạn”.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/nghi-viec-ban-o-to-nguoi-dan-ong-di-xe-may-hon-5-000-km-khap-vn-6896229.html