Nghĩ về Văn hiến từ Hội chữ Xuân

Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 và Triển lãm thư pháp với chủ đề Văn hiến được tổ chức tại khu vực Hồ Văn trong Di tich Văn Miếu - Quốc tử Giám (Hà Nội). Xem chữ và nghĩ về chủ đề Văn hiến trong những ngày Tết đến Xuân về, chúng ta càng thêm tự hào và tự tin.

Trình diễn thư pháp chữ Văn hiến bằng Hán tự và chữ quốc ngữ.

“Đến hẹn lại lên”, cứ sau ngày Ông Công Ông Táo, cho đến trước rằm tháng Giêng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại xôn xao náo nhiệt Hội chữ Xuân và Triển lãm thư pháp chung quanh Hồ Văn. Chủ đề của Triển lãm thư pháp năm nay là “Văn hiến”. Đã qua bốn mùa Hội chữ với những chủ đề: Khuyến học, Uống nước nhớ nguồn, Tôn sư trọng đạo, Hiền tài, chủ đề mùa Hội chữ thứ năm trừu tượng hơn, khó hơn nhưng có lẽ vì thế mà thú vị hơn, gợi mở nhiều suy nghĩ.

Gần 600 năm trước (1428), Nguyễn Trãi đã viết những dòng trong áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo, đến nay đọc lại vẫn tràn đầy cảm xúc:

“… Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có…” (Ngô Tất Tố dịch).

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê (chủ biên), 2003, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học) giải nghĩa ngắn gọn: “Văn hiến: Truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp” (tr. 1100). Định nghĩa cô đọng đó bao quát một trường nghĩa rất rộng. Theo định nghĩa đó, có thể hiểu trong nền Văn hiến tích hợp bề dày của văn hóa - (theo nghĩa phổ biến nhất) là “Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử” (Từ điển Tiếng Việt, tr. 1100).

Trên dải đất Việt ngày nay từ rất sớm, cách đây hàng chục vạn năm, đã xuất hiện nhiều nhóm cư dân. Trải qua quá trình lâu dài thích ứng với các điều kiện thiên nhiên, các cộng đồng người trên đất Việt đã cần mẫn lao động để phát triển cuộc sống và sáng tạo văn hóa. Buộc phải chống chọi với thiên tai và các cuộc thôn tính, bản lĩnh kiên cường kết hợp cùng tinh thần đoàn kết đã xác lập nên một hình hài quốc gia dân tộc đầy bản lĩnh và bản sắc. Nền văn hiến Việt Nam đã dần dần dày lên cùng theo quá trình đó.

Nói đến Văn hiến tức là nói đến những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Nói đến Văn hiến Việt Nam là nói đến những nét đẹp văn hóa Việt Nam trường tồn và tỏa sáng, tích hợp và mở rộng, dung hợp và phát triển… từ xưa và cho tới hôm nay vẫn đang tiếp tục. Nói đến Văn hiến Việt Nam cũng là nói đến một quá trình lịch sử hào hùng khẳng định cương vực quốc gia, phong tục văn hóa và cả hệ thống thể chế quản lý đất nước qua nhiều đời - như Nguyễn Trãi đã “Xa gần bá cáo / Ai nấy đều hay”. Nền Văn hiến đó không vô nhân xưng mà được tạo ra bởi nhân dân đông đảo nhưng luôn có những “anh hùng hào kiệt”, những danh nhân văn hóa trong dòng chảy từ lịch sử xa xưa cho tới Thời đại Hồ Chí Minh ngày nay vẫn đang tiếp diễn.

Nền Văn hiến Việt Nam chứa đựng cả ý chí tự cường dân tộc và truyền thống nhân nghĩa, chứa đựng những nét tiêu biểu của nền văn minh lúa nước và tâm hồn của một dân tộc hiền hòa nhưng rất quý trọng tự do. Các thư pháp gia có tác phẩm gửi tới triển lãm đều cố gắng làm nổi bật những ý nghĩa lung linh của Văn hiến, truyền cảm hứng bay bổng tự hào mà cũng trầm lắng nghĩ suy qua “hồn” của từng nét chữ. Và cũng bởi sự thoáng đạt và gợi mở từ đề tài Văn hiến mà năm nay Ban giám khảo cũng gặp nhiều khó khăn khi chấm và tuyển chọn tác phẩm cho triển lãm thư pháp - như TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học), thành viên Ban khảo tuyển cho biết.

Chủ đề Văn hiến tại Hội chữ Xuân năm nay gợi lòng tự hào về truyền thống và gửi cả những hy vọng về tương lai. Giữa cuộc sống hiện đại cuốn trôi nhanh, ai cũng cần có giây lát tĩnh lặng mong chút bình an. Giữa những gai góc cuộc đời lại càng cần chữ Thuận, chữ Hòa… Mỗi người đến Hồ Văn, vào Hội chữ Xuân có lẽ ai cũng mang theo một tấm lòng thành và mong muốn ước nguyện tốt lành chứa đựng trong tờ tranh chữ mình mang về trong năm mới sẽ biến thành hiện thực. Với sự năng động của sức trẻ trong thời hiện đại được phát huy trên nền truyền thống, chúng ta có thể tự tin viết tiếp, làm dày thêm Văn hiến Việt Nam.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/39128702-nghi-ve-van-hien-tu-hoi-chu-xuan.html