Nghĩ về nghề báo - nghề làm đẹp cho xã hội

Báo chí là một nghề dù trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến thân phận con người...

Báo chí là một nghề dù trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến thân phận con người. (Nguồn: USC)

Trong một cuộc tọa đàm tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tiến sĩ – nhà báo Tạ Bích Loan đã hỏi tôi: Vì sao em chọn nghề báo?

Câu hỏi đó khiến tôi khá bất ngờ dù đó không phải một điều gì mới lạ khi người khác thắc mắc về việc chọn một công việc nào đó. Thú thực dù đã bắt đầu đặt bút viết những bài báo đầu tiên từ năm lớp 6 khi gia nhập Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Đài Tiếng nói Việt Nam, trong ngần ấy năm viết, tôi chưa bao giờ tự hỏi vì sao mình quyết định trở thành một người viết báo, dù trong vai trò một người làm báo chuyên nghiệp hay đến khi chọn thành một nhà báo công dân, một người viết tự do.

Tôi nhận ra nghề báo là nghề làm đẹp cho xã hội, nhưng cách làm đẹp đó không phải là sự tô vẽ đơn thuần. Nhà báo làm đẹp xã hội với tính đấu tranh cao trên tinh thần xây dựng cộng đồng và truyền cảm hứng về những nhân vật trong tác phẩm. Tôi làm công việc đó với tất cả sự yêu thích và khát khao một xã hội tốt đẹp hơn.

Nghề báo đến với tôi trong giai đoạn hình thành nhân cách và kỹ năng đầu đời, do đó tôi chịu nhiều ảnh hưởng của tư duy nói đúng sự thật, đi tìm sự thật mà các nhà báo tiền bối đã răn dạy. Đó cũng là lý do trong các lĩnh vực khác như học thuật, nghiên cứu… tôi cũng giữ đặc tính ấy – thường có xu hướng đi tìm nguyên nhân thật sự hoặc góc độ nhiều chiều của một sự việc, một dạng critical thinking (tư duy phản biện). Hành vi này xuất phát từ những động cơ trong sáng, mang tính xây dựng nhưng thường gây ra những quan điểm khác nhau. Và tôi cho rằng đó là động lực cho sự vận hành của xã hội.

Sau này khi có điều kiện giảng dạy cho sinh viên về Luật và Đạo đức Báo chí – Truyền thông, tôi cũng chú trọng nhiều đến việc chấp hành pháp luật, hành lang pháp lý để khuyến khích các em sinh viên trong tương lai có thể có những tác phẩm phản ánh đúng sự thật, được thực hiện bằng đạo đức và động cơ xây dựng nhất,

Báo chí là một nghề dù trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến thân phận con người. Nghề báo giúp tôi có những cuộc gặp gỡ vô cùng ý nghĩa với các nhân vật, có cả những người mà khi còn bé tôi vô cùng hâm mộ và không biết một ngày nào đó có thể được gặp họ hay không. Khi còn làm báo về đời sống xã hội, tôi được gặp nhiều người thuộc các giai tầng khác nhau. Có đôi khi tôi thấy nhân vật như một người thân và những vùng đất trên chặng đường tác nghiệp như quê hương của mình.

Đó là một cậu bé bị bố đánh đến đau đớn chỉ vì nhỡ bán đồng nát vỏ bao xi măng với giá 1.000 đồng tôi viết năm 2008 và được đăng trên “Tiếng nói tuổi thơ”. Đó là bài báo “Băng cướp là bạn tôi” đạt giải Khuyến khích cuộc thi Báo chí với trẻ em năm 2007 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Để viết được bài báo này, không chỉ nén nỗi đau về những người bạn của mình trong lúc thiếu nhận thức đã dính líu đến một vụ cướp của mà tôi còn phải đến dự từng phiên xét xử và không biết bao nhiêu lần rơi nước mắt khi tiếp xúc gia đình các bị báo và nghe họ bào chữa cho những đứa con của mình.

Những trải nghiệm đó đòi hỏi tôi khi viết, kể cả về chân dung đen, mặt xấu của cuộc sống cũng phải chú ý hết sức đến cách tiếp cận và ngôn ngữ báo chí để tác phẩm mang tính cảnh tỉnh cao, chứ không phải chỉ đơn giản là phản ánh về một sự việc tiêu cực.

Được đào tạo sớm về báo chí nhưng lại yêu thích ngoại giao, khi trở thành một phóng viên đối ngoại ở Báo Thế giới & Việt Nam, tôi được truyền cảm hứng tích cực từ những con người có liên quan đến ngành ngoại giao đang làm đẹp xã hội bằng nỗ lực rất lớn của họ trong công việc. Cuộc gặp với Đại sứ Vũ Đức Tâm, nguyên Đại sứ Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO khiến tôi nhìn thấy sức mạnh của quyết tâm trong công việc.

Năm 2003, nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” (11/2003), ông Tâm và cán bộ phái đoàn với “hai bàn tay trắng” đã thiết lập một hệ thống ê-kíp xuyên lục địa để thực hiện được mong muốn biến Việt Nam là nước đầu tiên có di sản được công nhận trong năm 2013 biểu diễn tại tổng hành dinh UNESCO…

Sau cái lắc đầu về kinh phí của nhiều cơ quan trong nước, ông Tâm đã tác động thẳng đến địa phương (Thừa Thiên - Huế) và cuối cùng đã đưa được một đoàn nghệ nhân Nhã nhạc sang Pháp. Đáp lại những nỗ lực đó là tiếng vỗ tay vang dội khi kết thúc buổi diễn. Ở UNESCO, thông thường giữa hoặc sau chương trình, người ta giải tán ngay nhưng lần này một cuộc giao lưu ngoài dự kiến diễn ra với sự gần gũi.

Hay như tâm sự tôi được nghe từ nhà báo lão thành Hà Đăng, người từng tham gia đoàn đàm phán Paris về cách viết sao cho đi vào lòng người và những khó khăn, thách thức khi làm công tác quan hệ báo chí với đối thủ lẫn phương Tây.

Ông cho rằng nghề báo và nghề ngoại giao có khá nhiều điểm giống nhau, một trong số đó là việc sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy là một bậc thầy về ngôn ngữ, quyết liệt trên bàn đàm phán, thận trọng khi quyết định. Trong đời thường, Bộ trưởng là người gần gũi, đôi khi hài hước thông qua những câu thơ đối đáp với anh em. Và có lẽ phẩm chất báo chí đó cũng xuất phát từ việc trong những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng, ông hăng sau đấu tranh trên mặt trận báo chí và sau này là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.

Trở lại với câu hỏi của nhà báo tiền bối vì sao lại chọn nghề báo. Tôi nghĩ thật ra nghề nào cũng góp phần làm đẹp xã hội theo chức năng của mình, nghề báo tham gia công việc ấy bởi sức lan tỏa lớn lao về những điều tốt đẹp, khả năng truyền cảm hứng từ những nhân vật trong tác phẩm và vai trò cảnh báo về mặt trái của xã hội. Như vậy, chức năng làm đẹp xã hội không có nghĩa là tô vẽ một chiều hay chỉ đấu tranh một chiều. Tôn trọng đúng sự thật và không ngừng rèn luyện năng lực ngôn ngữ báo chí khi hành nghề đã là một cách làm đẹp cho xã hội rồi.

Kim Nguyên Bảo

Kim Nguyên Bảo

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nghi-ve-nghe-bao-nghe-lam-dep-cho-xa-hoi-117862.html