Nghĩ về hạnh phúc

Tôi, và có lẽ nhiều người khác cũng thế, khi nghĩ đến đô thị, đến cuộc sống văn minh, hình dung đầu tiên là về những cao ốc chọc trời, những trung tâm thương mại sầm uất, đường sá to rộng, khang trang, đến xe hơi, metro, thanh toán điện tử… hay những thứ đại loại như thế.

Nhưng mới đây, trong Hội nghị Bất động sản quốc tế 2018 - IREC 2018, chia sẻ của một diễn giả đến từ Dubai (UAE) lại khiến người viết nghĩ ngợi mãi về hai từ hạnh phúc.

Ông Mahmound Al Bruai, Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE kể lại câu chuyện của mình khi kiếm tìm khái niệm về thành phố thông minh, thành phố hạnh phúc như sau:

"Để tìm câu hỏi cho riêng mình về đặc điểm của một thành phố hạnh phúc, tôi đã đến 2 quốc gia được đánh giá hạnh phúc nhất là Đan Mạch và Phần Lan và tôi đã rất ngạc nhiên khi đường phố ở đây rất vắng vẻ.

Điều này khác nhiều so với hình dung của tôi. Tôi đã tự hỏi: Tại sao lại thế? Tôi tưởng là thành phố hạnh phúc thì phải rất đông vui nhộn nhịp chứ?".

Nét thanh bình. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hỏi và cũng tự trả lời, Mahmound Al Bruai cho rằng, chúng ta nói nhiều về đô thị thông minh, nhưng lại chưa thực sự chú ý đến vai trò của cư dân đô thị. Câu chuyện củaĐan Mạch và Phần Lan đã chứng minh rằng, đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc. Và khi người dân muốn đô thị của mình như thế nào, thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế. Người dân muốn đô thị thông minh, hạnh phúc thì người dân phải thông minh, hạnh phúc. Chúng ta xây dựng đô thị cho người dân, chứ không phải cho xe hơi, hay những thứ khác.

“Chúng ta không thể quên vai trò của người dân”, Mahmound Al Bruai nhấn mạnh.

Vậy, phải chăng đô thị thông minh không cần những sản phẩm công nghệ?

Câu chuyện của 2 quốc gia hạnh phúc bậc nhất thế giới đã cho thấy, người dân của họ hạnh phúc khi đi xe đạp. Thậm chí, các số liệu nghiên cứu còn chỉ ra, người đi xe đạp hạnh phúc hơn cả người đi xe hơi.

Mahmound Al Bruai kể tiếp: "Những phương tiện giao thông cũng tác động đến hạnh phúc của con người. Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi, mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng. Nếu xây dựng các đô thị cho các phương tiện giao thông, thì các thành phố trên thế giới sẽ chỉ ngày càng có nhiều ô tô hơn. Còn nếu tập trung xây dựng đô thị cho con người thì con người sẽ có nhiều hơn cơ hội được giao tiếp với nhau, kết nối với nhau".

Có lẽ, chính từ nhận thức được vai trò của cảm giác hạnh phúc với mỗi người dân, mà Dubai là quốc gia đầu tiên trên thế giới có một vị Bộ trưởng Hạnh phúc. Ở đó, các bộ, ngành được yêu cầu phải đảm bảo mang lại sự hài lòng và hạnh phúc cho những người mà các bộ, ngành đó phục vụ.

Người dân thậm chí còn được đánh giá các dịch vụ bằng các biểu tượng cảm xúc và chính phủ có thể biết được là người dân hài lòng ở đâu và không hài lòng ở chỗ nào.

Các chi tiết trong câu chuyện của Mahmound Al Bruai không phải quá mới mẻ. Thậm chí, đôi nét nghĩ của vị diễn giả này, có thể bạn, tôi đã gặp đâu đó, hoặc thảng có khi nghĩ đến. Nhưng quả thật, khi được xâu chuỗi lại, đúc kết ra, nó vẫn mang đến ít nhiều cảm giác thú vị. ít ra với người viết.

Cách đây đúng 10 năm, tôi có hai chuyến đi xa, một là Thượng Hải (Trung Quốc), hai là Verona (Italia). Với Thượng Hải, từ thời đó người ta đã gọi đó là châu Âu trong lòng châu Á, bởi thành phố này mang nhiều bóng dáng của một đô thị hiện đại với rất nhiều tòa nhà cao tầng, tàu điện ngầm xuyên thành phố...

Đô thị chật như nêm và chen chúc nhà và nhà, cao ốc và cao ốc. Dĩ nhiên, cư dân cũng đông thật là đông.

Nhịp sống chậm rãi ở Verona. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngược lại, ở Verona, một thành phố mang nhiều lắm nét cổ kính, lịch sử của một “đô thị” La Mã, dù cũng có những tòa cao ốc, nhưng không nhiều, chủ yếu là các ngôi nhà cao dưới 10 tầng. Đường sá nội đô không rộng nhưng thoáng.

Ngoại trừ dịp cuối tuần và ở các khu vực công cộng như quảng trường, đấu trường La Mã cổ Roman Arena, một số địa danh nổi tiếng như Ban công tình yêu Romeo và Juliet, bảo tàng thành phố là đông người, còn lại cũng vắng vẻ như thường. Điều đặc biệt, ở đây người ta đi bộ, đi xe đạp thật nhiều.

Cảm giác của tôi lúc đó khá bất ngờ. Thượng Hải thì tôi còn hình dung ra trong trí trưởng tượng, chứ Verona, một thành phố của lục địa già thì khác. Nhưng quả thật, đến giờ nghĩ lại, tôi thấy quả có vẻ người Verona hạnh phúc hơn. Mọi thứ cứ nhẹ nhàng, chậm rãi, cảm như họ đang sống, tận hưởng chứ không phải chạy đua.

Tôi từng nghe một kiến trúc sư nói rằng, đỉnh cao của văn minh, hạnh phúc là nhà ở thấp tầng chứ không phải cao ốc. Có thể hơi cực đoan, nhưng cá nhân tôi, giờ thấy đúng.

Lâu nay, trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về xây dựng đô thị văn minh, điều người ta nói nhiều là về hạ tầng, dự án, chứ cư dân đô thị và cảm xúc sống ít được đề cập.

Một chia sẻ của một diễn giả đến từ vùng đất xa xôi, nơi có hẳn một Bộ Hạnh phúc có lẽ giờ cũng đáng để chúng ta, nhất là các nhà làm chính sách suy nghĩ. Suy nghĩ nhiều hơn để không chỉ có các đô thị thông minh trong tương lai, mà quan trọng hơn, đó phải là các đô thị hạnh phúc. Vì suy cho cùng, tất cả các mục tiêu cũng chỉ để phục vụ nhu cầu sống của con người.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/trai-nghiem-song/nghi-ve-hanh-phuc-195087.html