Nghĩ về đạo đức người làm báo*

Hội nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều về đạo đức người làm báo và vấn đề này đã được thảo luận nhiều, có thể nói những người làm báo đều tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng. Tuy vậy, với tính chất muôn hình muôn vẻ của cuộc sống, thì nhận thức là một mặt, còn hành động, lại có thể có nhiều mặt khác nhau.

Trong phạm vi cuộc Hội thảo này, tôi chỉ xin trình bày một số suy nghĩ của mình về đạo đức người làm báo trên một số biểu hiện cụ thể mà chúng tôi thực hành trong quá trình làm báo của mình.

Một điều hiển nhiên mà những người làm báo đều thấm nhuần, đó là phải tôn trọng sự thật. Người làm báo phải đi tìm sự thật, nói lên sự thật. Nhưng, để tìm ra sự thật, là điều khó khăn. Bởi vậy, có khi ta mắc phải lỗi về sự thật. Khi ấy, phải nghiêm túc nhận lỗi và cải chính. Không phải tới bây giờ, mà từ lâu rồi, tôi vẫn tâm niệm điều này. Cách đây khoảng gần 5 chục năm rồi, khi làm biên tập viên của Thông tấn xã Giải phóng khu V, tôi đã gặp trường hợp vô tình đưa tin sai sự thật. Khi ấy, là chiến tranh, phóng viên đưa tin từ Quảng Ngãi về, trong đó có chi tiết quân giặc chôn sống 7 em thiếu nhi để tra tấn. Khi đăng tin, Biên tập viên đã bỏ mất hai chữ ”để tra tấn”, cho nên thành tin về lũ giặc chôn sống 7 thiếu nhi, gây chấn động cả trong nước và thế giới. Đọc lại bản thảo, tôi biết có sự sai sót. Tôi liền yêu cầu phóng viên viết kỹ hơn về sự việc này. Từ đó, có bài báo đi sâu về hành động tàn ác của quân địch, chôn 7 thiếu nhi tới cổ để tra tấn. Đó là một cách cải chính để đảm bảo sự thật được tôn trọng. Gần 50 năm sau, vào giai đoạn này, tôi lại gặp một tình huống viết sai sự thật. Cả bài viết thì đúng, nhưng câu trích dẫn lời nói của một vị Chủ tịch xã thì sai. Hóa ra, phóng viên có đoạn ghi âm nhưng không nghe, mà chỉ nghe dân kể lại lời nói đó. Khi địa phương phản ứng, tôi yêu cầu phóng viên gỡ băng nghe lại, thấy rằng lời của vị Chủ tịch xã đã bị bóp méo. Tôi cử một phó Tổng Biên tập cùng phóng viên đó về tận địa phương, tim hiểu lại sự việc, xin lỗi vị Chủ tịch xã và đăng nội dung buổi làm việc với Chính quyền địa phương cùng lời cải chính, xin lỗi. Qua việc này, không những cơ quan báo chí không bị “mất thế”, mà còn lấy lại được niềm tin, tạo mối quan hệ tốt, hợp tác lâu dài với địa phương.

Một điều tôi tâm niệm nữa, là tác động của những dòng chữ của mình tới đối tượng được phản ánh. Người làm báo có lương tâm, cần chú ý rằng, sau mỗi bài viết của mình về tập thể, hoặc cá nhân nào đó, là sự tác động tới cuộc sống của họ với hệ lụy không nhỏ. Viết bốc lên, ca ngợi quá trớn, có thể sẽ dẫn đối tượng tới những phiền lụy khó lường. Bởi vì, những người xung quanh nhân vật ấy hiểu rõ họ, đọc bài báo, sẽ chê bai họ, cho rằng họ tự tô vẽ bản thân mình. Vậy là, “yêu nhau như thế bằng mười hại nhau”. Còn, viết bôi xấu ai đó, càng đem đến kết quả tệ hại. Có thể, sau bài báo bôi xấu đó, là một con người bị mất sự nghiệp, một doanh nghiệp bị lụn bại. Cách đây mấy năm, một nhà xuất bản đã bị điêu đứng về một sai sót của mình nhưng bị báo chí thổi phồng lên. Ấy là vì khi in một cuốn sách mua bản quyền của Trung Quốc, trong đó có tranh minh họa vẽ ngôi trường ở Trung Quốc, có lá cờ Trung quốc trên cột cờ ở trong trường. Nhưng, có bài báo đã nống lên rằng in sách có cờ Trung quốc treo ở cổng trường Việt Nam, tạo nên một làn sóng công phẫn trong dư luận, tới mức quy kết Giám đốc NXB đó là tay sai của TQ. Hệ lụy là, hầu như toàn bộ số sách mầm non mà nhà xuất bản đó in ra, mặc dù tốt, vẫn bị tẩy chay. Nhà xuất bản bị điêu đứng, nhưng nhờ nội bộ đoàn kết, kiên trì khôi phục thị trường, nên đã vượt qua được sóng gió, tiếp tục hoạt động. Còn rất nhiều ví dụ để chứng minh rằng, người làm báo thiếu lương tâm, cố tình bôi xấu đối tượng, sẽ gây hại lớn vô cùng. Tuy nhiên, trên đời có luật nhân quả, khi gây xấu cho đối tượng, nhiều khi ta lại chuốc lấy phiền toái, thậm chí là tai họa cho mình, mà biểu hiện cụ thể lạ bị đối tượng kiện lại, bị kiểm tra, bị xử phạt, và rồi làm cho cả tòa báo mất uy tín.

Để giữ gìn đạo đức người làm báo, chúng tôi luôn luôn nhắc nhở nhau chú ý những việc sau:

- Bám sát tôn chỉ mục đích của cơ quan để tác nghiệp, không lấn sang các lĩnh vực khác, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như nhà – đất, tài chính… Khi phóng viên cố tình đi tìm hiểu những vấn đề tiêu cực không thuộc phạm vi tôn chỉ mục đích của cơ quan, đã là có ý định làm điều phi đạo đức, phải bị ngăn chặn. Gần đây nhất, chúng tôi đã cho nghỉ việc một phóng viên tới tra hỏi một doanh nghiệp về việc cho thuê nhà xưởng, yêu cầu họ xuất trình hợp đồng, biên lai, vì việc làm này hoàn toàn không phù hợp với tôn chỉ mục đích của một cơ quan tạp chí, cơ quan không phân công đi làm, biểu hiện của một ý đồ xấu.

- Chúng tôi quy định phóng viên không được rình mò, ghi hình cảnh sát giao thông làm việc, vì điều này không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tạp chí. Chỉ cần bị phát hiện là làm việc đó, mặc dù chưa sử dụng hình ảnh làm điều gì sai trái, đã bị coi là vi phạm và bị xử lý kỷ luật. Chúng ta biết rằng, nhiều phóng viên hoặc giả danh phóng viên đã ghi hình cảnh sát giao thông có hành động tiêu cực rồi liên hệ để tống tiền. Với cơ quan chúng tôi là một tạp chí, khác với các cơ quan báo, không có nhiệm vụ làm phóng sự, ghi hình, cho nên chúng tôi ra văn bản nghiêm cấm hành vi này.

- Thái độ của nhà báo khi hoạt động nghề nghiệp cũng thể hiện đạo đức của người làm báo. Tôi đã chứng kiến không ít phóng viên luôn luôn tỏ ra mình là người quan trọng, khệnh khạng, hống hách, khi lấy tài liệu thì tra hỏi như cảnh sát điều tra. Điều đó hoàn toàn xa lạ với người làm báo chân chính. Chúng tôi luôn luôn nhắc nhau phải tôn trọng người đối thoại, có điều kiện thì kết thân, giúp nhau bằng nghề nghiệp của mình, tạo thêm bạn, tránh tạo nên sự căm ghét, bất hợp tác.

Trên đây chỉ là mấy suy nghĩ về đạo đức người làm báo qua thực tế hoạt động báo chí của bản thân. Chung quy lại, làm báo là phải tôn trọng sự thật, phải có trách nhiệm với từng dòng chữ mà mình viết đăng báo để tránh gây hại cho cuộc sống, góp phần thúc đẩy cuộc sống phát triển tốt đẹp.

----------------------

* Tham luận tại Diễn đàn khoa học "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay" ngày 28/8/2019 do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức..

Phạm Việt Long |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nghi-ve-dao-duc-nguoi-lam-bao-71961