Nghĩ về chiếc mũ bảo hiểm

Barbara và chồng là Mattia đang dạy về du lịch tại một trường đại học ở Áo. Hai người bạn này của tôi sang Việt Nam dạy ngắn hạn tại TPHCM, rồi bay ra Hà Nội tham quan, du lịch. Trên đường đưa bạn ra sân bay Nội Bài về nước, Mattia đã thốt lên với tôi khi đi qua mấy con phố, và cũng là điều mà bạn giữ trong lòng trong lần đầu tiên tới Việt Nam: 'Tại sao những chiếc mũ bảo hiểm kia chỉ làm bằng nhựa và không đạt chuẩn mà mọi người vẫn cứ đội?'.

Ký ức sau cùng của hai người bạn tôi về Việt Nam khi họ trên đường ra sân bay để trở về Áo là vụ tai nạn tầm khoảng gần 10 giờ trên cầu Nhật Tân đêm đó. Hình ảnh đọng lại là những mảnh vỡ của xe máy, người đắp chiếu và những tiếng khóc bên cạnh. Với tôi, sau khi đưa bạn ra sân bay, quãng đường lái xe trở về nhà mình đêm đó dài hơn mọi lần.

Chúng ta có từng nghĩ ngợi về những vụ tai nạn xe máy mà chúng ta đi qua và bắt gặp trên đường, nhìn thấy những chiếc mũ bảo hiểm vỡ nát mà không bảo vệ nổi người tham gia hay giảm thiểu chấn thương đầu?

Bình quân một ngày trong năm 2017 ở Việt Nam xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông làm 23 người chết, 15 người bị thương và 32 người bị thương nhẹ. Tính cả năm 2017, Việt Nam có 20.080 vụ tai nạn giao thông và hơn 8.000 người tử vong, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Hãng tin Bloomberg nhận định, tình trạng an toàn giao thông tại các quốc gia đang phát triển là một trong những vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều trước khi quyết định đầu tư.

Tôi vào diễn đàn Expat dành cho du khách Tây ba lô tới Việt Nam để xem họ thảo luận như thế nào về việc đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ nói rằng mũ đi xe đạp của họ tự mang theo an toàn hơn mũ bán trên đường phố ở Việt Nam. Một số khác thảo luận sôi nổi và miêu tả nhiều người Việt Nam đội mũ bảo hiểm xe máy như mũ “đồ chơi”. Tôi trích một câu nguyên văn trên diễn dàn expat được tạm dịch (1): “Tôi mang theo chiếc mũ bảo hiểm Caberg châu Âu của mình. Theo tôi, một chiếc mũ bảo hiểm bán 300.000 đồng bạn mua ở Việt Nam sẽ không an toàn cho cuộc sống của bạn, chỉ có tiết kiệm cho ví tiền của bạn mà thôi!”.

Đáng nói hơn, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi chở trẻ trên xe máy cũng ít được quan tâm, theo một nghiên cứu của các tác giả từ Viện Nghiên cứu chấn thương quốc tế Johns Hopkins Hoa Kỳ phối hợp với Tổ chức WHO tại Việt Nam và trường Y tế cộng đồng tại Hà Nội. Ngay từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34 quy định về việc trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy. Tuy nhiên, tính đến tháng 12-2014, nhóm nghiên cứu khi khảo sát ở tỉnh Hà Nam và Ninh Bình cho thấy tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm trên trẻ em chỉ khoảng 35-36%. Trong khi đó, trẻ em dưới 6 tuổi lại thường xuyên được chở trên xe máy, chúng có nguy cơ cao hơn đối với thương tích hoặc tử vong do tai nạn.

Mũ bảo hiểm đạt chuẩn quốc tế thường được sản xuất bằng sợi thủy tinh, sợi kevlar và sợi carbon, bảo vệ toàn bộ phần đầu. Ở Việt Nam, một nước nhiệt đới với khí hậu nóng, ẩm, loại mũ bảo hiểm phổ biến chỉ che ba phần tư phần đầu. Tờ New York Times và tờ Washington Post từng viết về Grieg Kraft thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Phòng chống thương vong châu Á (AIPF) đã phát triển một thiết kế thông gió tốt cho mũ bảo hiểm xe máy và chúng được sản xuất ngay tại Việt Nam.

Chúng ta cần ý thức hơn khi tham gia giao thông và đồng thời nên có những biện pháp giảm thiểu chấn thương cho mình. Điều đó có thể bắt đầu từ một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Hãy vì tính mạng của mình và của gia đình mình bởi thay đổi văn hóa giao thông phải bắt đầu từ chính mình. Hãy đội lên đầu chiếc mũ bảo hiểm mà bạn có thể tự tin. Bạn nên cân nhắc giữa sự an toàn và ví tiền.

(1) http://www.expat.com/forum/viewtopic.php?id=510697

Phạm Hải Chung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274067/ngh%C4%A9-ve-chiec-mu-bao-hiem.html