Nghĩ về chất liệu mặt lưng điện thoại: giờ chỉ còn kính và kim loại, nhớ polycarbonate

Mình thích điện thoại mặt lưng bằng kính, và mình nghĩ rằng nhiều anh em cũng thế, bắt đầu từ thời iPhone 4. Mặt lưng kính khi ấy rõ ràng sang trọng và đẹp hơn nhiều so với mặt lưng bằng nhựa (trừ lưng polycarbonate xuất sắc của Nokia, ngang với kính chứ không đùa), nó cũng bám tay hơn, long lanh hơn. Nhưng bên cạnh đó, mặt lưng kính lại dễ vỡ, thay cũng tốn tiền hơn. Và có vẻ như các hãng sản xuất đã từ bỏ mặt lưng kim loại quá sớm?

iPhone 4 là một tác phẩm nghệ thuật không thể chối cãi, nó đẹp xuất sắc và khác biệt hơn so với phần còn lại của thế giới điện thoại những năm 2009-2010. iPhone 4 cũng mở đầu cho xu hướng mặt lưng kính với khung kim loại. Thời ấy rờ vào mặt lưng này đã lắm, cảm giác khác lắm so với lúc sờ mặt lưng bằng nhựa của đa số điện thoại smartphone và điện thoại phổ thông thời bấy giờ, và cảm giác như bạn sẵn sàng bỏ thêm vài triệu nữa chỉ để sở hữu cảm giác ấy.

Nhưng chỉ 2 năm sau, Apple lại chơi vỏ kim loại nguyên khối cho iPhone 5, và xu hướng đó kéo dài đến tận iPhone 7 Plus năm 2016. Hiển nhiên nhiều công ty khác cũng bắt đầu làm theo, và thị trường điện thoại đi đâu cũng thấy smartphone lưng kim loại, từ những máy cao cấp do Sony, HTC, LG làm cho đến những mẫu điện thoại Trung Quốc tầm trung và giá rẻ. Duy chỉ có mỗi Samsung là vẫn trung thành với mặt lưng kính mà thôi.

Giữa kính và kim loại, thật khó để nói mình thích cái nào hơn. Mình thích cả hai. Kính đem tới cảm giác sang trọng, mịn, khá đầm, còn kim loại thì chắc chắn, lạnh lùng, ngầu. Các máy kim loại cũng nhẹ hơn so với máy dùng kính, kim loại cũng khó nứt vỡ hơn, nhưng cảm giác cầm thì kính thích hơn vì ít trơn tuột hơn.

Mà thực ra cũng có cách để pha trộn giữa 2 cái này lại với nhau, đó chính là chiếc iPhone 7 Jet Black. Cách Apple hoàn thiện vỏ Jet Black nhìn cứ như là kính, cảm giác cầm cũng y như kính, không trơn, ít lạnh, nhưng thực chất nó chính là kim loại đấy. Nhược điểm của kiểu hoàn thiện Jet Black là dễ trầy xước, và đến giờ Apple cũng không còn làm Jet Black nữa, hơi uổng.

Một nỗi lo rất lớn của anh em đang xài điện thoại lưng kính đó là nó rất dễ nứt vỡ. HTC U11 Plus, iPhone X, iPhone 8 Plus là những mẫu smartphone ra mắt gần đây và dễ bị nứt kính khi làm rơi. Tiền thay thế cũng là một con số không hề nhỏ. Ngoài chuyện dùng case, có lẽ không có cách nào khác để khắc phục nhược điểm này cả. Ngay cả những mẫu điện thoại dùng kính Gorilla Glass cũng còn có thể bị nứt cơ mà.

Nhưng vẫn còn một loại mặt lưng khác, tuy giờ đã "tuyệt chủng" nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu đậm với mình: vỏ polycarbonate. Đại diện của polycarbonate chính là những chiếc Nokia Lumia. Loại vỏ này không phải là vỏ nhựa được sơn lên, thay vào đó nó được đúc ra từ loại nhựa đã có sẵn màu nên khi vỏ bị trầy thì vẫn không bị xấu do màu bên dưới lộ ra, tiệp với phần bên trên. Vỏ polycarbonate cũng rất rất bền, không dễ vỡ như kính mà cũng không dễ bị cong như kim loại (mình đang nói về iPhone 6 đấy Apple).

Và không phải vì nhựa mà rẻ tiền. Cảm giác cầm những cái máy như Lumia 1020, Lumia 1520, Lumia 920 vẫn cực kì sang và đắt, cầm vào cực kì chắc chắn, không ọp ẹp, không có cảm giác bất an. Cách Nokia tạo ra lớp hoàn thiện mềm mịn cho các sản phẩm polycarbonate của mình có thể xem là một tuyệt tác trong chế tạo điện thoại mà ngày nay không còn mấy hãng có thể làm được. Tính ra thì polycarbonate giải quyết được hầu hết những điểm yếu của vỏ kính và kim loại rồi đấy.

Các dòng Nokia mới chạy Android hôm nay cũng phần nào bắt chước được cảm giác giống Lumia ngày xưa, nhưng mức độ hoàn thiện và cảm giác cầm thì chưa bằng. Mình đang xài Nokia 7 Plus, Nokia nói nó dùng vỏ kim loại phủ gốm và mình cũng thấy là nó gần giống với con 1520 của mình ngày xưa rồi đấy, nhưng nếu chấm mặt lưng (hay vỏ) của Lumia 1520 là 10 điểm thì Nokia 7 Plus chỉ mới đạt tới 8 điểm mà thôi. Hi vọng Nokia sẽ sớm làm gì đó để mang vỏ polycarbonate xịn trở lại.

Ngay cả vào năm 2018, mình vẫn sẵn lòng chi thêm tiền để được sở hữu một chiếc smartphone có thiết kế tốt và tận dụng được polycarbonate làm chất liệu hoàn thiện chính. Nhưng chuyện này có vẻ khó lắm...

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/nghi-ve-chat-lieu-mat-lung-dien-thoai-gio-chi-con-kinh-va-kim-loai-nho-polycarbonate.2802019/