Nghi vấn vaccine không phép làm bùng phát virus tả lợn châu Phi tại Trung Quốc

Chủng virus tả lợn châu Phi mới tại các trang trại ở Trung Quốc nhiều khả năng bắt nguồn từ việc sử dụng vaccine không phép.

Dịch tả lợn châu Phi cách đây 2 năm đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Dịch tả lợn châu Phi cách đây 2 năm đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin hai chủng mới virus tả lợn châu Phi đã lây lan tại một số trang trại thuộc công ty New Hope Liuhe (Trung Quốc).

Đại diện của New Hope Liuhe, ông Yan Zhichun cho biết chủng mới này không có hai gien then chốt MGF360 và CD2v nên chưa làm lợn chết hàng loạt như giai đoạn 2018-2019. Tuy nhiên, chủng mới này lại tác động đến lợn con khỏe mạnh. New Hope Liuhe và nhiều doanh nghiệp khác đều lựa chọn biện pháp tiêu hủy lợn nhiễm virus.

Đã có tới một nửa trong số 400 triệu con lợn tại Trung Quốc chết trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành cách đây 2 năm. Hiện nay giá thịt lợn ở Trung Quốc vẫn khá cao do nước này chịu áp lực đảm bảo an ninh lương thực trong thời kỳ dịch COVID-19.

Theo Reuters, ở thời điểm này, chưa có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi nào được thông qua nhưng nhiều nông dân Trung Quốc vì muốn bảo vệ gia súc đã tìm đến các sản phẩm chưa được cấp phép. Do vậy, các chuyên gia cho rằng loại vaccine không đảm bảo chất lượng đã vô tình làm chủng virus tả lợn châu Phi mới bùng phát. Còn có nguy cơ chủng virus tả lợn châu Phi mới lây lan sang quốc gia khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc chưa phản hồi về diễn biến này. Tuy nhiên, trước đây bộ này đã ban hành cảnh báo rằng những vaccine tả lợn châu Phi không được cấp phép có thể gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng. Theo đó, nhà sản xuất và người sử dụng vaccine không phép này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tháng 8/20202, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc tuyên bố sẽ điều tra toàn quốc về sử dụng vaccine trái phép, trong đó bao gồm việc xét nghiệm lợn để tìm ra chủng virus mới.

Sau nhiều thập niên nghiên cứu về virus dịch tả lợn châu Phi, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã tập trung vào loại vaccine sống giảm độc lực. Nhưng loại vaccine này có rủi ro cao bởi ngay cả sau khi bị làm yếu đi thì virus đôi khi lại phục hồi được độc lực. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, một loại vaccine tương tự được sử dụng tại Tây Ban Nha nhưng lại gây ra bệnh mãn tính về đường hô hấp, sưng khớp và tổn thương da ở lợn được tiêm. Kể từ đó đến nay, chưa có quốc gia nào thông qua vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.

Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đang thử nghiệm loại vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi với virus sống giảm độc lực thiếu hai gien MGF360 và CD2v.

Bác sĩ thú y Wayne Johnson tại Bắc Kinh chia sẻ với Reuters rằng đến nay chính phủ Trung Quốc vẫn không công bố thực trạng quy mô sử dụng vaccine chưa cấp phép cũng như đơn vị điều chế, sản xuất sản phẩm này. Bắc Kinh vốn kiểm soát chặt chẽ những đơn vị được nghiên cứu virus. Theo đó, chỉ có những phòng thí nghiệm với thiết kế đảm bảo an ninh sinh học cao được cấp phép.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nghi-van-vaccine-khong-phep-lam-bung-phat-virus-ta-lon-chau-phi-tai-trung-quoc-20210122104352348.htm