Nghi vấn tiếp tay xâm lấn di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Di tích cấp quốc gia đặc biệt này bị người dân ngang nhiên xâm lấn, chiếm dụng để xây dựng nhà ở và kinh doanh.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là 1 trong 45 điểm di tích thành phần của Di tích Quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Đây là di tích Quốc gia đặc biệt, được bảo vệ nghiêm ngặt theo các quy định của Chính phủ và Luật Di sản văn hóa, bất kể tác động nào thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích khi chưa được sự đồng thuận của các cấp có thẩm quyền đều bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại di tích cấp quốc gia đặc biệt này đã xảy ra tình trạng bị người dân ngang nhiên xâm lấn, chiếm dụng để xây dựng nhà ở và kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, không phù hợp với không gian văn hóa của di tích và đặc biệt việc làm này chưa được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Hệ thống 11 công trình nhà ở, lán, chòi câu cá của gia đình ông Cầm Văn Hặc xây dựng lấn chiến di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dù đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2009, tuy nhiên hiện nay công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, vấn đề khoanh vùng, cắm mốc địa giới thực của 45 điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến thực trạng có nhiều hộ dân cư sinh sống xung quanh làm thay đổi môi trường, cảnh quan, thậm chí là xâm lấn di tích diễn ra ngày càng nhiều.

Qua phản ánh của người dân, chính quyền xã Mường Phăng, huyện Điện Biên về tình trạng xâm lấn di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, 1 trong 7 di tích thành phần quan trọng của cụm Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ đang được tỉnh Điện Biên tập trung khai thác, phát huy giá trị, phóng viên VOV đã tiến hành kiểm chứng thực địa nội dung này.

Theo đó, tại khu vực đất phía Đông Bắc, sát với điểm cuối con suối chạy dọc di tích, gần với khu vực lán làm việc của đồng chí Lê Liêm (Chủ nhiệm chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954), xuất hiện một cụm 11 công trình lán, nhà ở, chòi câu cá với mục đích kinh doanh, có trưng dụng biển quảng cáo nhận đặt làm các món ăn dân tộc phục vụ khách tham quan, du lịch. Qua tìm hiểu của phóng viên được biết đây là hệ thống công trình của gia đình ông Cầm Văn Hặc, người dân bản Phăng I, mới được cất dựng trong thời gian đầu năm nay.

Ông Cầm Văn Hặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dựng các lán, nhà ở tại khu vực này với mục đích lưu trú, kinh doanh ăn uống nhưng không thông qua chính quyền địa phương.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: gia đình ông Cầm Văn Hặc đã ở đây từ lâu. Trước thời điểm quy hoạch di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thì ông Hặc đã có một lán nương, một cái ao nằm trong vùng bảo vệ của di tích, vốn là đất do ông bà, bố mẹ đẻ để lại cho gia đình canh tác.

Thời gian gần đây do lán ở cũ bị hư hỏng nên gia đình ông Cầm Văn Hặc đã dựng lại lán mới trên nền đất cũ và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dựng các lán, nhà ở tại khu vực này với mục đích lưu trú, kinh doanh ăn uống nhưng không thông qua chính quyền địa phương và sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, làm phá vỡ cảnh quan vốn có của khu di tích. Điều này đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khu vực bảo vệ II của di tích đặc biệt cấp Quốc gia Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc xây dựng các công trình, nhà ở trong khu vực bảo vệ này chưa hề có sự đồng ý cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nói: “Trong thời gian vào ngày 3/4/2018, tổ di tích báo cáo về chính quyền xã là có hộ dân đang dựng cái lán ở đấy với mục đích là để kinh doanh. Chúng tôi cũng xuống kiểm tra lại hiện trạng, phát hiện là ông Hặc có dựng ở đấy một cái lán vào vùng I của di tích đặc biệt, chúng tôi cũng đã yêu cầu là phải dỡ ngay cái nhà đó để trả lại mặt bằng của khu di tích. Nhưng còn một số mái nhà nằm trong khu vực II, làm việc giữa Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với xã, chúng tôi kiên quyết là đình chỉ không cho làm, nếu muốn làm phải xin phép ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch”.

Cũng theo chính quyền xã Mường Phăng, ngoài vi phạm xâm lấn đất di tích, cất dựng nhà ở mới không thông qua các cấp có thẩm quyền cho phép trong khu vực bảo vệ II của di tích này đối với gia đình ông Cầm Văn Hặc, tại khu vực đất nằm sát khu vực bảo vệ I của di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có 2 căn nhà của 2 hộ dân trong xã mới dựng lên từ năm 2017. Các phần đất này trước đây là khu đất sản xuất của người dân, có sẵn lán nương ở đấy. Nhưng sau đó người dân tự ý nâng cấp lên thành nhà sàn ở kiên cố và có tổ chức buôn bán, kinh doanh hàng hóa cho du khách. Trong quá trình người dân dựng nhà ở, chính quyền xã cũng đã nhiều lần tuyên truyền vận động ngăn không cho làm, tuy nhiên người dân vẫn cố tình cất dựng và đến nay cũng đã làm xong nhà.

Trước những câu hỏi về trách nhiệm của xã khi để xảy ra tình trạng xâm lấn nghiêm trọng di tích cấp quốc gia đặc biệt này, chính quyền xã Mường Phăng cho biết cũng đã nhiều lần tuyên truyền vận động các hộ dân này di dời khỏi đất di tích song người dân không đồng thuận. Bởi các hộ dân này cho rằng đây là đất của cha ông để lại, do vậy muốn di dời thì phải có phương án đền bù hỗ trợ. Về nội dung này chính quyền xã cho rằng rất khó khăn, không làm được.

Để xây dựng hệ thống công trình này phải mất thời gian dài, nhưng đến khi hoàn thiện các cơ quan có liên quan của tỉnh mới phát hiện.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: sau khi nhận được thông tin từ ban quản lý di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 4/4/2018, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện Điện Biên, chính quyền xã thành lập đoàn kiểm tra đối với các vi phạm trên đất di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với gia đình ông Cầm Văn Hặc. Tại buổi kiểm tra này, đoàn công tác tiến hành lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Hặc tháo dỡ căn lán nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích, giữ nguyên hiện trạng ao cá đã sửa chữa, đồng thời tuyệt đối không được xây dựng bất kỳ công trình nào thuộc khu vực bảo vệ II của di tích khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là trái ngược với những thông tin bức xúc từ phía chính quyền xã Mường Phăng cung cấp cho phóng viên, ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lại cho rằng đây không phải hiện tượng xâm lấn di tích và toàn bộ 11 công trình nhà ở, lán, chòi câu mới xây dựng của gia đình ông Cầm Văn Hặc đều nằm ở ngoài phía khu vực bảo vệ II của khu di tích này. Duy nhất chỉ có chiếc lán dựng trên nền đất cũ và một phần ao mới cải tạo là nằm trong khu vực bảo vệ II. Tuy nhiên, sở đã vận động gia đình di dời chiếc lán này và giữ nguyên hiện trạng của ao cá chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Chì cũng khẳng định hiện tại cái lán này đã di rời ra khỏi khu vực bảo vệ II của di tích và như vậy không có hiện tượng xâm lấn. Đối với các lán, nhà ở mới dựng được cho rằng nằm ngoài khu vực bảo vệ II, sở cũng đã yêu cầu gia đình không được tiếp tục san ủi, không được tiếp tục xây dựng nhưng khuyến khích trồng thêm cây ăn quả, luống hoa để tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tham quan di tích tại đây.

Cũng theo chính quyền xã Mường Phăng tại khu vực đất nằm sát khu vực bảo vệ I của di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có 2 căn nhà của 2 hộ dân trong xã mới dựng lên từ năm 2017.

“Khi có hiện tượng đó chúng tôi lập tức thành lập đoàn kiểm tra, nếu như để ảnh hưởng xâm lấn nghiêm trọng đến di tích thì đương nhiên người chịu trách nhiệm đầu tiên là cơ quan quản lý di tích là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên. Nhưng tôi khẳng định cái việc xây dựng này nó không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, không phá vỡ cảnh quan của khu di tích, chính vì như vậy nên về mặt cơ quan chuyên môn chúng tôi chưa có ý kiến để báo cáo Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch về việc này. Hiện tại chúng tôi đang có ý tưởng nếu gia đình ông Cầm Văn Hặc này có ý định phát triển du lịch cộng đồng, nếu như gia đình ông còn đất, chúng tôi muốn là gia đình có thể dựng một số ngôi nhà tre để ở dưới dạng HomeStay”.

Hiện nay, công tác quản lý, phát huy giá trị di tích của tỉnh Điện Biên còn nhiều bất cập do các di tích nằm rải rác, chưa được khoanh vùng, cắm mốc bằng tọa độ, chưa được giấy cấp quyền sử dụng đất cho đơn vị quản lý. Do đó các điểm di tích nằm xen kẽ các khu dân cư vẫn xảy ra tình trạng xâm lấn ảnh hưởng đến di tích. Gần đây nhất là vào đầu tháng 7/2018, tại khu vực phía sau Tượng đài kéo pháo bằng tay (di tích thành phần của Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ) thuộc địa phận bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên cũng xảy ra trường hợp 2 hộ dân dựng nhà sàn và các công trình phụ trợ cách di tích cấp quốc gia đặc biệt này khoảng 60 mét làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên khu di tích. Điều đáng nói là để xảy ra sự việc này, ngoài sự thiếu hiểu biết của người dân còn có sự thờ ơ của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý di tích.

Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay việc quy hoạch sử dụng đất đối với các khu vực giáp ranh di tích đã bộc lộ nhiều bất cập. Qua rà soát còn nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của nhân dân nằm trong quy hoạch khu di tích dẫn đến tình trạng xâm lấn xảy ra. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa bố trí được việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ di chuyển cho người dân ra khỏi vùng quy hoạch.

Ông Bình nói: “Quy hoạch sử dụng đất trong đồ án quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn của huyện đã được phê duyệt, công bố công khai. Theo quy hoạch, nhiều diện tích đất ở, đất nông nghiệp của nhân dân nằm trong quy hoạch khu di tích. Trong khi đó nguồn kinh phí còn hạn chế chưa bố trí được kinh phí để thu hồi, bồi thường, hỗ trợ di chuyển nhân dân ra khỏi quy hoạch. Riêng đối với trường hợp ông Cầm Văn Hặc chúng tôi đã giao cho chuyên môn vào kiểm tra, nếu đã phạm vào đất di tích chúng tôi cương quyết yêu cầu tháo dỡ ra khỏi vùng ảnh hưởng, trả lại mặt bằng cho đất di tích”.

Yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, tuyệt đối không được xây dựng bất kỳ công trình nào khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và kiên quyết yêu cầu tháo dỡ là những khẳng định của ngành văn hóa tỉnh Điện Biên và chính quyền huyện Điện Biên. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại các công trình lán, nhà ở, chòi câu của gia đình ông Cầm Văn Hặc vẫn hiện hữu tại đây. Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, sau buổi kiểm tra, lập biên bản của đoàn công tác Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phối hợp với các phòng ban của huyện Điện Biên ngày 4/4/2018, gia đình ông Cầm Văn Hặc vẫn tiếp tục tiến hành cất dựng thêm một lán thờ trong khu vực này.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có hay không sai phạm và sự tiếp tay trong việc xâm lấn di tích cấp Quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ? trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên khi sự việc san ủi, xây dựng hệ thống công trình này thời gian dài, nhưng phải đến khi hoàn thiện mới phát hiện.

Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo./.

Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nghi-van-tiep-tay-xam-lan-di-tich-so-chi-huy-chien-dich-dien-bien-phu-804644.vov