Nghi vấn nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc tại thực phẩm sạch Miền Xanh?

Được giới thiệu là cửa hàng nằm trong đề án của UBND TP Hà Nội về thực phẩm an toàn có kiểm soát nhưng một số hàng hóa bày bán tại cửa hàng thực phẩm sạch Miền Xanh lại không có tem nhãn, gây nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Theo tìm hiểu, cửa hàng thực phẩm sạch Miền Xanh có địa chỉ tại số 174 Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội thuộc Công ty CP thực phẩm sạch Tâm An.

Khảo sát tại cửa hàng, tại thời điểm PV có mặt, nhiều sản phẩm hoa quả nội địa và nhập khẩu không có tem nhãn trên bao bì. Theo quan sát, các loại hoa quả như quýt đường, cam canh được bọc bằng khay và túi bọc thực phẩm để trên kệ. Trên các khay này không có thông tin về tên sản phẩm, xuất xứ, giá cả, ngày đóng gói…

Khay cam không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn trên bao bì.

Tương tự các loại hoa quả nhập khẩu khác như việt quất, nho xanh, nho tím, táo, lê… được cho là nhập khẩu nhưng không có thông tin về nguồn gốc trên các khay, hộp bọc. Thay thế vào đó, tại mỗi khu vực để hàng, cửa hàng có để một tờ giấy tờ ghi tên sản phẩm và giá, thông tin về xuất xứ cũng “lặn tăm”.

Ngoài ra, tại cửa hàng thực phẩm này có bày bán một số loại mỹ phẩm thiên nhiên, tương tự, một trong số loại hàng này là thanh lăn dưỡng môi được nhân viên giới thiệu nhập khẩu nhưng lại không hề có bất thông tin gì về giá cả, hạn sử dụng, thành phần hay nguồn gốc xuất xứ.

Hộp việt quất được nhập khẩu không có tem phụ.

Trước các thực trạng này, PV báo Người tiêu dùng đã làm việc với bà Đỗ Thu Trang, đồng sáng lập Công ty CP thực phẩm sạch Tâm An để có các thông tin khách quan.

Theo bà Trang, các mặt hàng tại công ty đều có nguồn gốc xuất xứ, có hoa đơn chứng từ đầy đủ và rõ ràng. Tại buổi làm việc, bà Trang cũng xuất trình các giấy tờ đầy đủ như tờ khai hải quan, chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu….

Giải thích tại sao một số sản phẩm không có tem nhãn, bà Trang cho biết: “Các mặt hàng hoa quả ở đây bất kể nhập khẩu hay nội địa đều được lấy từ các công ty có tiếng về nhập khẩu. Về phần tem phụ, rất nhiều nhà vườn trong miền Tây, nếu sản xuất trên phương diện lớn thì người ta có tem nhãn rõ ràng. Nhưng có một số vùng người ta hỗ trợ làm Vietgap, đầu ra không bán được, để các nhà vườn hỗ trợ người dân chỉ trồng vài hecta theo hướng hữu, nếu làm bộ tem truy xuất nguồn gốc thì gặp rất nhiều khó khăn.

Với các hoa quả nhập khẩu, ví dụ như nho, chúng tôi nhập theo thùng sau đó chia ra khay nên không thể có tem cho từng chùm nho một”.

Nhiều loại hoa quả nhập khẩu khác cũng trong tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, khi PV thắc mắc về các loại hoa quả nhập khẩu có sẵn hộp như việt quất và táo…, bà Trang cũng trả lời tương tự như trên và cho biết, khi mở thùng, bán từng hộp hoa quả thì ngoài thung đã có tem to rồi, để có tem cho từng khay thì không thể, trừ khi đó là tem của công ty.

Theo đại diện công ty, hoa quả theo mùa, theo ngày nên các thông tin trên tờ giấy chung đặt phía dưới mỗi kệ đựng hoa quả không ghi nguồn gốc xuất xứ, đây là sai sót của nhân viên chưa kịp thay thế.

Như vậy, từ những thông tin trên, có thể thấy đại diện phía cửa hàng đang cho rằng, việc tem nhãn phụ bằng tiếng Việt với các mặt hàng nhập khẩu chỉ được dán theo thùng và khi bán rời từng hộp có sẵn và các khay xốp tự làm thì việc có tem là khó.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của pháp luật thì đây có phải là cách hiểu đúng hay là hành vi vi phạm!? Đối chiếu với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, chúng ta cần hiểu một số điều.

Thứ nhất, tại khoản 5 Điều 3 nghị định này nêu rõ: 5. Bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa; bao bì thương phẩm của hàng hóa gồm hai loại: Bao bì trực tiếp và bao bì ngoài:

a) Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa;

b) Bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.

Thứ hai, nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Thanh lăn dưỡng môi không rõ nguồn gốc.

Thứ ba, các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và ác nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa theo quy định liên quan.

Như vậy, mặc dù thực phẩm Miền Xanh đã xuất trình được nguồn gốc hàng hóa rõ ràng nhưng những thiếu xót về vấn đề tem nhãn là điều không thể phủ nhận. Tại thời điểm PV có mặt tại cửa hàng,thực phẩm Miền Xanh còn bán thêm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đại diện công ty cho biết sẽ dẹp bỏ và không đưa ra được thông tin sản phẩm.

Trước sự việc này, PV sẽ tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng để tìm ra hướng xử lý kịp thời. Báo Người tiêu dùng sẽ thông tin đến bạn đọc trong bài viết sau.

Dương Nhung

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nghi-van-nhieu-hang-hoa-khong-ro-nguon-goc-tai-thuc-pham-sach-mien-xanh-d72589.html