Nghi vấn hệ thống mỹ phẩm chính hãng bán hàng không rõ nguồn gốc

Phần lớn các mặt hàng trưng bày tại cửa hàng mỹ phẩm có xuất xứ từ nước ngoài nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt để thể hiện các thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng… khiến người tiêu dùng nghi ngờ về nguồn gốc thực sự cũng như chất lượng sản phẩm.

Mỹ phẩm ngoại nhập không còn xa lạ với phần đông cánh phụ nữ yêu thích làm đẹp. Chỉ cần gắn mác nước ngoài, bất kể là hàng Hàn Quốc, Nhật hay từ châu Âu, chị em đều sẵn sàng bỏ tiền để mua sắm mà không cần biết chất lượng có đúng với giá cả và nguồn gốc thực sự của chúng xuất phát từ đâu.

Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của phái đẹp, vô số các thương hiệu, cửa hàng mỹ phẩm mọc lên như nấm với những hoa từ mỹ miều “hệ thống mỹ phẩm cao cấp”, “mỹ phẩm xách tay cao cấp” hay “mỹ phẩm chính hãng” để thu hút khách hàng. Đi sâu tìm hiểu cụ thể thông tin, PV báo Người tiêu dùng đã mục sở thị một số hệ thống cửa hàng mỹ phẩm tại nội đô TP Hà Nội để mang đến cho bạn đọc những cái nhìn chính xác về vấn đề này.

Nhiều sản phẩm nhập khẩu nhưng không hề có nhãn phụ tiếng Việt.

Tại phố Chùa Bộc thuộc địa phận quận Đống Đa, Hà Nội được coi là “thiên đường” của mỹ phẩm. Cả dãy phố nhộn nhịp, đâu đâu cũng thấy các cửa hàng mỹ phẩm mọc lên san sát.

Như đã tìm hiểu qua mạng xã hội, chúng tôi tìm đến một số địa chỉ cửa hàng mỹ phẩm tại phố Chùa Bộc nơi được khá nhiều khách hàng quan tâm, bởi nơi đây được xem là hệ thống chuyên cung cấp mỹ phẩm chính hãng.

Tìm hiểu cụ thể một số điểm cửa hàng tại phố Chùa Bộc, nhiều vấn đề nghi vấn liên quan đến thông tin sản phẩm khiến khách hàng không khỏi nghi ngờ. Mục sở thị thực tế, PV nhận thấy tại cửa hàng trưng bày rất nhiều mỹ phẩm đủ các thể loại từ dưỡng da đến trang điểm của nhiều thương hiệu nổi tiếng như 3CE, Simple, NYX… và nhiều dòng sản phẩm từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây, mặc dù hầu hết các sản phẩm là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, trên bao bì, vỏ sản phẩm đều là chữ nước ngoài nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Từ đó, việc tìm hiểu thông tin của khách hàng hết sức mập mờ khi không biết nơi sản xuất ở đâu, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thông tin khách liên quan đến sản phẩm.

Sản phẩm đa dạng từ mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng ngoại nhập được bày bán.

Chưa nói, giá thành sản phẩm cũng vô cùng đa dạng, có thể từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Khi không có thông tin sản phẩm bằng tiếng Việt, liệu với giá thành được định, chất lượng sản phẩm có tương xứng với giá trị thực của nó hay không? Ngoài ra, chưa kể đến việc không có thông tin sản phẩm cụ thể, người tiêu dùng sẽ đặt ra nghi vấn về nguồn gốc xuất sứ của sản phẩm tại cửa hàng này.

Nhãn phụ bằng tiếng Việt được xem là quy định bắt buộc của sản phẩm lưu thông tại Việt Nam. Nhãn phụ được dán trên bao bì, hộp, sản phẩm để thể hiện các thông tin đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng.

Các sản phẩm được quảng cáo đều là hàng chính hãng

Căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định: "Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Khi cố tình vi phạm các quy định này, tổ chức, cá nhận chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu có thể phải chịu mức phạt đến 80 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm theo quy định tại Điều 26 Nghị định Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.

Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Dương Nhung

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nghi-van-he-thong-my-pham-chinh-hang-beauty-garden-ban-hang-khong-ro-nguon-goc-d70092.html