Nghi vấn Con Cưng mập mờ nhãn mác: Nhà cung cấp Thái Lan nhận sai, sao không kiện?

Cty CP Con Cưng (Con Cưng) vừa bất ngờ công bố chứng lý từ TiTiOne và đặc biệt từ phía đối tác bên Thái Lan nhận sai sót, để khẳng định hàng hóa mình không gian lận.

QLTT kiểm tra sản phẩm Con Cưng. Ảnh: PV

Tuy nhiên tất cả chứng lý đến thời điểm này, chỉ mới bước đầu “thanh minh” được 2 trong số hàng nghìn mặt hàng mà quản lý thị trường (QLTT) nghi vấn thu giữ. Điều lạ, phía Cty Thái Lan nhận sai, nhưng Con Cưng lại vẫn tỏ ý chịu thiệt.

Chỉ mới “thanh minh” được 2 sản phẩm

Con Cưng vừa có thông báo chính thức về buổi làm việc mới nhất với đại diện Chi cục QLTT TPHCM (ngày 26.7.2018), cũng như tung ra chứng lý để bảo vệ mình. Cụ thể, với sản phẩm kem massage bụng thương hiệu TiTiOne có 2 nhãn dán chồng lên nhau, khi bóc ra phát hiện 2 Cty khác tên cùng sản xuất một sản phẩm đầy nghi vấn.

QLTT đã thu giữ 4 sản phẩm này để làm rõ. Tại thông báo mới nhất, Con Cưng tung ra văn bản của Cty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne (TiTiOne) cho hay, từ ngày 24.1.2018, Cty TNHH G&C đã đổi tên thành TiTiOne. Việc dán nhãn sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung cấp, bao gồm cả trường hợp dán nhãn theo tên của pháp nhân mới (TiTiOne) chèn lên nhãn theo tên của pháp nhân cũ (Cty TNHH G&C).

Với sản phẩm mã CF G127011 (ông Trương Đình Công Vĩnh, ngụ phường 14, quận Tân Bình, TPHCM khiếu nại), trước đây, tại thông cáo báo chí ngày 22.7, Con Cưng chỉ trưng được thư bảo lãnh của Cty International Incorporated (viết tắt WWW - Thái Lan) khẳng định hàng sản xuất tại Cty này bên Thái, cung cấp độc quyền cho Con Cưng dưới thương hiệu CF.

Lần này, Con Cưng tung tiếp thư xác nhận mới nhất ngày 23.7.2018 của WWW với xác nhận của nhà cung cấp: “Trong quá trình sản xuất, có một số nhãn hàng hóa không đáp ứng theo yêu cầu của Con Cưng, vì vậy nhà sản xuất đã phải điều chỉnh”.

Như vậy toàn bộ chứng lý của Con Cưng tới thời điểm này mới “thanh minh” được 2 sản phẩm trong tổng số hơn 5.000 sản phẩm với giá trị gần 500 triệu đồng QLTT thu giữ làm rõ vì nghi vấn có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ chỉ sau khi kiểm tra 3 trong hơn 100 điểm kinh doanh.

Con Cưng cần kiện

Khi mới xảy ra “lùm xùm”, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐTV Cty quản lý quỹ SSI, cổ đông lớn của hệ thống siêu thị Con Cưng - cho rằng Con Cưng cần kiện nhà cung cấp nếu xác định được lỗi của họ.

Khi Con Cưng công bố thư xác nhận trách nhiệm của WWW, cùng dịch thuật hồ sơ với chúng tôi, một luật sư phân tích: Con Cưng có chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O Mẫu D số D2017-0356082 do Sở Ngoại thương Thái Lan cấp; tờ khai hàng hóa nhập khẩu; vận đơn; thư xác nhận cũng như thư nhận lỗi của nhà cung cấp về đơn đặt hàng theo thương hiệu CF Con Cưng.

Hồ sơ thể hiện đúng mã sản phẩm bị khiếu nại, số lượng lên tới gần 10.000 sản phẩm. Chỉ riêng tổng tiền thuế theo tờ khai hải quan của Con Cưng cho lô hàng trên 100 triệu đồng, chưa tính tiền hàng. Về thiệt hại, theo thông báo thì Con Cưng tiến hành thu hồi gần 6.000 sản phẩm. Nhưng thiệt hại lớn hơn là thương hiệu cũng như sự sụt giảm hàng hóa suốt thời gian qua và hiện chưa dừng lại.

Theo luật sư, với các yếu tố đó, rõ là Con Cưng vừa có thể kiện thắng nhà sản xuất gây thiệt hại cho mình, lại có thể “rửa” được nghi vấn của dư luận cũng như hàng nghìn khách hàng “nhạy cảm” là các ông bố bà mẹ trên khắp cả nước.

Tuy nhiên khó hiểu là trong cả thông báo mới nhất, Con Cưng cũng không đặt vấn đề này. Trước đó, trong nhiều thông báo, Con Cưng lại chỉ thể hiện ý chí “trả hàng nhà sản xuất” và chấp nhận tiếp thiệt hại khác “gửi tin nhắn đến 3.942 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới”.

NGÔ NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/nghi-van-con-cung-map-mo-nhan-mac-nha-cung-cap-thai-lan-nhan-sai-sao-khong-kien-621598.ldo