Nghi vấn chiếm dụng đất Dự án hồ Yên Sở: Nuôi ngựa, dê và trồng… 'cần cẩu'?

Mặc dù khẳng định toàn bộ phần diện tích PV phản ánh được thuê lại để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, phía sau những bức 'mành tôn' lại là một hiện trạng hoàn toàn khác(?).

PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc thực địa cùng các phòng, ban liên quan và đại diện lãnh đạo, cán bộ phường Yên Sở trên diện tích đất lưu không thuộc Dự án khu B hồ Yên Sở

PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc thực địa cùng các phòng, ban liên quan và đại diện lãnh đạo, cán bộ phường Yên Sở trên diện tích đất lưu không thuộc Dự án khu B hồ Yên Sở

Tiếp tục thông tin về nghi vấn chiếm dụng đất Dự án hồ Yên Sở, sau chỉ đạo của UBND quận Hoàng Mai, ngày 06/3/2020, PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc thực địa cùng các phòng, ban liên quan và đại diện lãnh đạo, cán bộ phường Yên Sở trên diện tích đất lưu không thuộc Dự án khu B hồ Yên Sở. Không chỉ dừng lại ở vi phạm quây tôn che chắn trái phép, phía trong phần đất nêu trên còn tồn tại nhiều công trình khác.

Nơi đây đang tồn tại một mô hình mới – Nuôi ngựa, dê và trồng… “cần cẩu”?

Khẳng định với PV tại buổi làm việc ngày 03/3/2020 tại UBND quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Quốc Quyết, chủ tịch UBND phường Yên Sở cho hay: Phần diện tích đất lưu không do Công ty CP Dịch vụ Thương mại Phương Trị (Công ty Phương Trị - PV) đang hoạt động, quản lý chỉ có vi phạm quây tôn trái phép(?) và diện tích 1,9ha được thuê của người dân thôn Yên Duyên phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp(?). Tuy nhiên, quá trình ghi nhận thực tế PV nhận thấy, ngoài những nội dung đã được lãnh đạo UBND phường khẳng định thì tại nơi đây còn tồn tại một mô hình mới – Nuôi ngựa, dê và trồng… “cần cẩu”.

Phải chăng, đây là mô hình hữu hiệu trong phát triển kinh tế tư nhân nên các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương đang có phần ưu ái? Ngay phía cổng vào phần diện tích Công ty Phương Trị quản lý ngoài căn nhà sàn làm trụ sở văn phòng thì phía trong còn tồn tại hàng loạt những công trình phụ trợ khác như: Một xưởng sửa chữa xe Jeep, một dãy ngang cấp 4 được xây dựng bằng tôn một phần là quán nước, một phần là kho chứa; trước mặt dãy nhà là một sân rộng với hai chiếc xe tải lớn đang dừng đỗ; sau lưng xưởng xe Jeep là một khu nhà cấp 4 được xây bằng gạch;... Ngoài những công trình trên còn có 3 nhà xưởng được dựng bằng tôn đã được đưa vào sử dụng, trong đó nhà xưởng phía ngoài tiếp giáp ao cá được cho là chuồng nuôi ngựa, dê(?).

Không chỉ dừng lại ở đó, bên cạnh những công trình đã nêu thì phần diện tích Công ty Phương Trị hoạt động còn có nhiều thùng Container để rải rác quanh khu vực, nhiều đống ống nhựa lớn được tập kết gọn gàng và nổi bật nhất trong mô hình đặc thù của nơi đây là ngổn ngang cần cẩu tháp cùng một dãy dài thùng Container làm nhà xưởng vẫn đang thản nhiên hoạt động.

Hiện trạng khu vực Công ty Phương Trị đang quản lý và hoạt động đã được nâng cấp nhiều công trình khác

Vậy, trách nhiệm quản lý hành chính Nhà nước của địa phương ở đâu? Trong khi đó, tại buổi làm việc ngày 03/3/2020, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai – ông Đỗ Thanh Tùng đã có những chỉ đạo rất rõ ràng: “Mọi thông tin đến báo chí phải được công khai, minh bạch, sai phạm đến đâu sẽ phải xử lý đến đó. Đặc biệt, nếu phát sinh những sai phạm mới trong thời gian thông tin như cơ quan báo chí đã đề cập, phải xử lý nghiêm”. Vậy, những tồn tại trong cuộc thị sát PV đã nêu có phải là sai phạm? Nếu sai, xử lý ai - ai xử lý?

Trong khi đó, mọi thông tin thể hiện tại biên bản kiểm tra các bãi trông giữ xe ngày đêm trên địa bàn, kèm theo sơ đồ đã vẽ các đơn vị của UBND phường Yên Sở thực hiện ngày 10/11/2015 thì hiện trạng khu vực Công ty Phương Trị đang quản lý và hoạt động đã được nâng cấp nhiều công trình khác. Vậy bây giờ, đổ lỗi cho lịch sử liệu có còn hữu dụng?

Chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý? Sự tôn nghiêm của pháp luật có đang được thực thi tại địa phương này?

Cũng tại buổi ghi nhận của PV, ngoài những công trình trên mặt bằng Công ty Phương Trị đang quản lý, sử dụng, liền kề xung quanh cũng xuất hiện thêm một số nhà cấp 4 cách nhau chỉ một con mương, thế nhưng khi PV thắc mắc thì được cán bộ phường Yên Sở cho rằng: Đó là những tồn tại từ trước của người dân địa phương, không thuộc khu vực của Công ty Phương Trị(?).

Xin được nhắc lại, toàn bộ khu vực do Công ty Phương Trị quản lý và hoạt động kinh doanh trên địa bàn phường Yên Sở đều thuộc phần diện tích thu hồi theo Quyết định số 4166/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 17/8/2009. Vậy, trước hiện trạng trên, chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý? Và sự tôn nghiêm của pháp luật có đang được thực thi?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm PV Pháp luật

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nghi-van-chiem-dung-dat-du-an-ho-yen-so-nuoi-ngua-de-va-trong-can-cau-168102.html