Nghi vấn Bitexco 'nấu cháo rìu' ôm dự án chờ vốn hay 'sang tay'?

Sau 3 năm mỏi mòn, người dân Thanh Đa (TP.HCM) đã quá khốn khổ rồi lại còn tiếp tục thất vọng khi đối tác của Bitexco là Emaar Properties PJSC (UAE) đã chính thức rút lui khỏi dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Cuộc 'tháo chạy' này một lần nữa khiến dư luận đặt dấu hỏi về năng lực tài chính của Bitexco khi chỉ trông chờ vào 'vốn ngoại?! Và không chỉ ở TP.HCM, hiện ở Huế Bitexco cũng đang vướng 'tai tiếng' với những khu đất vàng. Vì sao lại ưu ái chọn Bitexco để người dân phải khốn khổ một thời gian dài không lối thoát?

Thanh Đa sau 26 năm trở về vạch xuất phát

Dự án Bình Quới - Thanh Đa làm người dân khốn khổ

Năm 1992, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Năm 2010, UBND TP.HCM đã thu hồi quyết định trên.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Bao nhiêu viễn cảnh được vẽ lên và hàng loạt mỹ từ được gắn cho dự án này. Thậm chí thông tin hai cây cầu nối từ Q.2 sang Thanh Đa còn được lan truyền khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng thời điểm, giá nhà đất ở khu vực Thanh Đa - Bình Quới đã tăng vọt vì mộng ước một khu đô thị hơn hẳn Phú Mỹ Hưng sắp mọc lên ở đây. Nhưng bây giờ thì mọi thứ tan biến như bọt xà bông, tất cả không lại trở về điểm xuất phát sau 26 năm mỏi mòn. Tệ hơn nữa là nhiều năm qua, nhà, đất của hàng ngàn hộ dân không được sang nhượng, đền bù và cả sửa chữa.

Đối tác ngoại rút lui đồng nghĩa với việc Bitexco lại “ôm” dự án tiếp tục chờ chưa biết đến bao giờ trong thời buổi kinh tế toàn cầu khó khăn này. Tưởng rằng với tập đoàn được quảng bá lớn mạnh, tiền bạc nhiều như Bitexco thì vốn sẽ dễ gọi nhưng thực tế thì họ đang lực bất tòng tâm, không đủ cả tiền lẫn năng lực để “ôm” dự án này. Thay vì tìm nhà đầu tư khác, Bitexco lại tiếp tục được “xí phần” ở đây tìm đối tác khác!? Còn đến bao giờ tìm được và bên hợp tác có đủ thực lực không, hay lại bỏ chạy, hoặc tiếng nhiều tiền chẳng có bao nhiêu như Bitexco?

Một góc Thanh Đa

Những “tai tiếng” ở Huế

Nhìn dự án Bình Quới - Thanh Đa mà Bitexco đang ôm, người ta không khỏi liên tưởng đến hàng loạt khu đất vàng ở Huế mà tập đoàn này được “ưu ái” bán rẻ không qua đấu giá. Tưởng rằng họ sẽ biến những nơi này đẹp hơn, sang trọng và thu hút nhiều du khách hơn cho Huế nhưng chỉ ít lâu sau khi mua xong họ bán ngay cho nước ngoài kiếm lời!?

Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang nguyên là Công ty Du lịch Hương Giang - doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế về du lịch. Công ty này nắm giữ hầu hết các khách sạn lớn nằm ở các khu "đất vàng" đắc địa nhất tại TP. Huế và biển Lăng Cô.

Đáng kể nhất là khách sạn 4 sao Saigon Morin (liên doanh với Saigontourist với tỷ lệ góp vốn 50%), khách sạn 5 sao La Residence (liên doanh với Công ty Khách sạn Kinh Thành, góp vốn 49%) và Lăng Cô Beach Resort (góp vốn 40%).

Hương Giang, Saigon Morin và La Residence là 3 khách sạn lớn nằm ngay mặt tiền sông Hương được đánh giá thuộc khách sạn hàng đầu ở Việt Nam.

Hai công ty con của Công ty Du lịch Hương Giang cũng nắm giữ nhiều khu "đất vàng" ở TP.Huế. Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang nắm giữ khu đất ở 11 Lê Lợi (Trung tâm dịch vụ Festival) cùng nhà hàng Bình Minh ở đường Hùng Vương.

Công ty Cổ phần Du lịch Mỹ An với diện tích 2,2 ha và hệ thống mỏ nước khoáng nóng. Công ty Du lịch Hương Giang còn được tỉnh giao khu đất 85 Nguyễn Chí Diểu (nằm cạnh Đại nội Huế) với diện tích khoảng 6.300 m2 để làm vốn liên doanh xây dựng khu khách sạn cao cấp.

Khách sạn SaiGon Morin (Huế)

Ngoài ra, công ty này còn có khách sạn Morin Bạch Mã và biệt thự Nguyễn Văn Lễ trên núi Bạch Mã hiện đang bỏ hoang.

Tháng 7/2007, Công ty Du lịch Hương Giang cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. Trong đó, phần vốn của Nhà nước nắm giữ là 62,8%.

Đến tháng 3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước và bán toàn bộ cổ phần trong Công ty du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco. Tổng số cổ phần là 12.572.200 được bán với giá 158 tỷ đồng.

Sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70,4% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang.

Nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 24/10, Bitexco đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) là Công ty TNHH Kei Sei (nay có tên là Công ty TNHH Crystal Treasure), giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,7%.

Công ty Kei Sei tiếp tục mua thêm của các cổ đông khác và nâng tỉ lệ cổ phần từ 12,9% lên 45,2%, vượt qua Bitexco để trở thành cổ đông lớn nhất trong Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. Tháng 10/2017, ông Johnny Cheung Ching Fu được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc công ty này theo đề cử của cổ đông Crystal Treasure.

Như vậy, Bitexco đã chuyển phần lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang có hàng loạt khu đất rất đẹp và đắc địa cho doanh nghiệp Hồng Kông trên. Dư luận đang đặt nghi vấn về việc tài sản công bị bán rẻ và nhất là chuyện Bitexco từng tuyên bố đủ năng lực để biến các bất động sản này thành điểm đáng đến của Huế nhưng lại vội vàng bán ngay cho nước ngoài? Trong kinh doanh, họ có quyền làm điều đó vì lợi nhuận nhưng có phải họ chỉ là “trung gian” mua bán kiếm lời ngay vì tài chính không cho phép, thiếu tiền để phát triển dự án hay do lý do nào khác?

Dù vì bất cứ lý do gì đi nữa thì việc Bitexco ôm dự án Thanh Đa nhưng không đủ tiền làm khiến dự án kéo dài làm biết bao gia đình khổ sở vì quy hoạch treo và bán vội cổ phần Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang ở Huế khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về nguồn lực tài chính thật sự của họ? Nếu dồi dào và nhiều như quảng bá, cực kỳ khó để Bitexco làm như vậy. Còn chỉ “ôm” để chờ “sang tay” thì có lẽ phải xem lại cách Huế bán cổ phần cho Bitexco và TP.HCM giao dự án cho tập đoàn này.

Hà Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nghi-van-bitexco-nau-chao-riu-om-du-an-cho-von-hay-sang-tay-d46561.html