Nghi vấn bất ngờ sau việc tiêm kích Israel tấn công Syria và cú lừa ngoạn mục

Tiêm kích F-15I của Israel có thể đã tiếp cận gần mục tiêu mà không bị phát hiện là bởi đã sử dụng mã nhận dạng của máy bay Mỹ F-15E để đánh lừa hệ thống phòng không Syria khi không kích ở nước này, một giả thuyết cho hay.

Theo The Drive, nhiều ngày sau khi diễn ra đợt không kích nhằm vào quân đội Iran ở Syria, có nhiều luồng thông tin về hoạt động của Israel được đưa ra dù chi tiết của vụ việc vẫn chưa được làm rõ.

Hiện mạng xã hội đang lan truyền lời đồn thổi rằng sở dĩ tiêm kích đa nhiệm F-15I của Israel có thể đã tiếp cận gần mục tiêu mà không bị phát hiện là bởi đã sử dụng mã nhận dạng của máy bay Mỹ F-15E với lộ trình qua Jordan và Iraq để đánh lừa hệ thống phòng không Syria khi không kích ở nước này.

Tiêm kích F-15I của Israel có thể đã tiếp cận gần mục tiêu ở Syria mà không bị phát hiện là bởi đã sử dụng mã nhận dạng của máy bay Mỹ.

Theo NBC, cả 3 quan chức Mỹ đều khẳng định, F-15I của Israel đã tham gia vào cuộc không kích hôm 29/4 ở Syria. Các tiêm kích này đã tấn công vào nhiều mục tiêu khác nhau ở Tây Bắc Syria nhưng trọng tâm hướng đến chính là lực lượng người Iran và lực lượng do Iran hậu thuẫn trong căn cứ của Lữ đoàn 47 của quân đội Ả Rập Syria gần Hama.

Trận không kích này đã phá hủy hàng trăm tên lửa cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Theo một nguồn tin, hàng chục người ở căn cứ đã bị thiệt mạng và một số người bị thương.

Tuy nhiên, Tel Aviv phủ nhận việc tấn công căn cứ Lữ đoàn 47.

Tiêm kích Israel dường như đã sử dụng bom thông minh cỡ nhỏ (SDB) GBU-39B, bên cạnh những tên lửa hành trình tầm xa Delilah trong đợt tấn công.

Loại vũ khí này chỉ có tầm tối đa 100 km khi ném từ độ cao lớn. Điều đó buộc những chiếc F-15I phải xâm nhập sâu vào không phận Syria và nhiều khả năng xuất hiện liên tục trên hệ thống radar cảnh giới của nước này.

Cách các phi công Israel sử dụng để áp sát mục tiêu mà không gặp sự phản ứng từ hệ thống phòng không của Nga và Syria hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trong vụ không kích lần này, Damascus không tuyên bố bắn hạ tên lửa của Tel Aviv, cũng như không có video tên lửa Syria đánh chặn mục tiêu trong đêm.

Một số giả thuyết cho rằng tiêm kích của Israel đã sử dụng tín hiệu nhận diện địch-ta (IFF) tương tự như của phi cơ F-15E của Mỹ, cũng như đặt hô hiệu tương tự không quân Mỹ để qua mặt hệ thống phòng không Nga và Syria.

Sau đó, đội tiêm kích Israel này bay qua Jordan và Iraq để thực hiện đòn đánh nhanh gọn vào căn cứ của Lữ đoàn 47 ở Tây bắc Syria.

Đội tiêm kích Israel được cho là bay qua Jordan và Iraq để thực hiện đòn đánh nhanh gọn vào căn cứ của Lữ đoàn 47 ở Tây bắc Syria.

Tuy nhiên, một số người lại đặt nghi vấn về giả thuyết này. Nếu phi cơ F-15I giả dạng tiêm kích F-15E, Israel sẽ cần sự cho phép và hỗ trợ từ Mỹ, Iraq và Jordan nhằm tránh gây nhầm lẫn.

Điều này đặc biệt quan trọng khi binh sĩ Mỹ luôn được cảnh giác, liên tục nhận thông tin từ các hệ thống cảnh báo sớm và tác chiến điện tử ở Đông Syria.

Thêm nữa, việc Mỹ thuyết phục được hai quốc gia Iraq và Jordan chấp nhận hoạt động của phi đội F-15I "giả" cũng là điều khó có thể xảy ra.

Iraq đang duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự với Nga, Iran và Syria, khiến nước này càng khó đồng ý với kế hoạch không kích của Israel. Baghdad hoàn toàn có thể gửi thông tin về chiến dịch cho Damascus, cho phép nước này chuẩn bị lực lượng đánh chặn tiêm kích Israel.

Một trường hợp có thể nghĩ đến khác đó là việc Tel Aviv có thể tấn công mục tiêu từ biên giới Lebanon-Syria. Tel Aviv cũng có thể băng qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian ngắn để thực hiện vụ không kích.

Và việc tiêm kích F-15I “giả” máy bay Mỹ vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nghi-van-bat-ngo-sau-viec-tiem-kich-israel-tan-cong-syria--a369492.html