Nghĩ từ vụ cô gái bị cướp tử vong ở Sài Gòn

Cuối tuần qua, một vụ cướp giật trên cầu Thủ Thiêm khiến một cô gái tử vong tại chỗ, một cô gái khác chấn thương nặng.

Nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: Google Maps.

Đêm 25/10, chị Nguyễn Hồng Trúc Vy (25 tuổi) ngồi sau xe máy cô bạn đi trên cầu Thủ Thiêm, hướng từ quận 2 về quận Bình Thạnh. Lúc này, hai tên cướp đi xe máy áp sát giật chiếc túi xách của Vy khiến xe máy loạng choạng, hai cô gái ngã xuống đường bất tỉnh.

Vy may mắn hơn khi giữ được mạng sống, cô bị vỡ xương hàm, trật khớp tay còn cô bạn tử vong do chấn thương sọ não, tim đã ngừng đập trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Qua xác minh, tài sản trong túi xách gồm điện thoại di động Samsung Note 8, 500.000 đồng, giấy tờ cá nhân...

Chỉ là một vụ cướp giật bình thường trong hàng ngàn vụ cướp giật trên đường phố Sài Gòn mỗi tháng, nhưng một cô gái đã mãi mãi không trở về nhà, một cô gái khác sẽ phải gánh chịu thương tật suốt đời. Hôm qua 28/10, Công an quận Bình Thạnh đã tạm giữ Trần Thanh Tín (15 tuổi) và Ngô Hoàng Anh (18 tuổi) vì nghi liên quan đến vụ cướp giật khiến một cô gái tử vong.

Thực sự, đọc tin tức về vụ cướp giật này, hàng ngàn người đã không thể giấu nổi sự bất bình. Nạn cướp giật đã trở thành “đặc sản” của thành phố này rồi hay sao? Để du khách đến với TP.HCM nhưng được khuyến cáo “không nên đeo túi xách hay nghe điện thoại” khi đi ngoài phố, những cán bộ của thành phố này có thấy buồn long?

Đảm bảo trật tự an toàn cho người dân trong cuộc sống hàng ngày, khi lưu thông trên đường là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan công quyền. Người dân phải được sống một cuộc sống bình an, không ai gặp phải những vụ cướp giật trên đường phố, đến mức phải trả giá bằng tính mạng của mình, điều đó có gì sai?

Tệ nạn cướp giật trên đường phố ở TP.HCM, tại sao nhiều năm nay không cải thiện, không suy suyển, dù trải qua rất nhiều đời lãnh đạo? Người dân có quyền yêu cầu các cán bộ lãnh đạo của thành phố, yêu cầu CA TP. HCM phải có những biện pháp cụ thể để đảm bảo nhu cầu được sinh sống bình yên của họ, không phải là sự thờ ơ hay những lời hứa chung chung.

Thay vì những hành động mang tính tuyên truyền cổ động như “dọn rác thải”, “dọn bèo tây”, “sơn lốp ô tô cũ để cải tạo thành bồn hoa”… hay xây dựng đề án “bảo vệ bảo vệ cán bộ lãnh đạo trên không gian mạng” thì những vị cán bộ lãnh đạo của thành phố hãy tập trung tìm cách làm sao để dẹp được tệ nạn cướp giật trên đường phố. Giá như làm được điều đó, người dân sẽ biết ơn các cán bộ lãnh đạo nhiều lắm.

Việc đó có khó hay không?

Nhiều người đã đề xuất, thành lập lại các đội săn bắt cướp tinh nhuệ theo kiểu đội SBC, hay lập những đội 141 giống như ở thủ đô Hà Nội, đó là những lực lượng chuyên ngành, ngay lập tức trấn áp tội phạm, chắc chắn tình hình cướp giật sẽ được cải thiện ngay.

Ngày lại ngày, khi mở những trang báo ra đọc, đập vào mắt người đọc là rất nhiều những tin cướp giật trên đường phố Sài Gòn, rất nhiều người đã vĩnh viễn không trở về nhà, chỉ vì trong lúc bị bọn cướp tấn công, họ đã ngã xuống đường, chết vì TNGT.

Hai kẻ cướp giật khiến cho cô gái tử vong trên cầu Thủ Thiêm vào ngày 25/10 vừa qua, có lẽ chúng cũng không ngờ rằng nếu phi vụ đó thành công, chúng chỉ cướp được một số tài sản không đáng là bao, nhưng vì dã tâm của chúng mà một mạng người đã mất, một người thì phải mang thương tật suốt đời.

Luật pháp cần xét xử không nương tay với những kẻ cướp giật này, đó là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, người dân cần hơn là những thay đổi mạnh mẽ và lòng quyết tâm mang lại một cuộc sống bình yên cho cộng đồng từ những cán bộ lãnh đạo của TP.HCM. Một khi đã có sự quyết tâm với tinh thần trách nhiệm và lương tâm con người, không có việc gì là không thể.

Vậy tại sao không làm ngay và luôn?

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/nghi-tu-vu-co-gai-bi-cuop-tu-vong-o-sai-gon-3368121/