Nghi Triều Tiên che giấu căn cứ có thể phóng tên lửa tới Mỹ

Triều Tiên được cho là đang duy trì ít nhất 13 cơ sở có khả năng phóng tên lửa hạt nhân tới Mỹ, ngay cả khi bị liên quân Mỹ-Hàn không kích.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 12-11 dẫn một trong hai báo cáo của chương trình Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết những hình ảnh vệ tinh chụp khu vực nằm cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) khoảng 135 km về phía Tây Bắc cho thấy lối vào bảy cơ sở tên lửa và bệ phóng tên lửa bị che giấu bằng những tấm bạt ngụy trang.

Báo cáo của CSIS nói họ đã xác định được ít nhất 13 trong tổng số khoảng 20 cơ sở vận hành tên lửa không được công bố tại Triều Tiên.

CSIS tiết lộ Triều Tiên hiện có khoảng 15-20 cơ sở tên lửa đang hoạt động nhưng không khai báo. Ảnh: CSIS

Các địa điểm được xác định trong báo cáo của CSIS nằm rải rác ở các vùng núi hẻo lánh trên khắp Triều Tiên. Những nơi này có thể được sử dụng để chứa tên lửa đạn đạo thuộc nhiều tầm bắn khác nhau, trong đó tên lửa có tầm bắn xa nhất có thể vươn đến lục địa Mỹ.

Hình ảnh vệ tinh về căn cứ tên lửa Sakkanmol "tiếp tục cho thấy những thay đổi nhỏ ở các cơ sở hạ tầng phù hợp với những gì thường được nhìn thấy ở các căn cứ quân sự của Triều Tiên. Tính đến tháng 11-2018, cơ sở đang hoạt động và được duy trì tốt theo các tiêu chuẩn của Triều Tiên" - báo cáo cho hay.

Chương trình Beyond Parallel do Victor Cha, người từng là ứng viên đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, dẫn đầu.

"Sau khi nghiên cứu sâu rộng, bao gồm các cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu và chính phủ Triều Tiên, các quan chức quốc phòng và tình báo trên khắp thế giới, nhiều vấn đề đã được giải quyết và dường như quân đội Triều Tiên hiện có khoảng 15-20 cơ sở tên lửa đang hoạt động" - báo cáo thứ hai của CSIS nêu.

Beyond Parallel phân loại những căn cứ tên lửa Triều Tiên hoạt động thành các khu vực. Đầu tiên là những căn cứ nằm cách khu phi quân sự (DMZ) khoảng 50-90 km, đủ gần để tên lửa đưa 2/3 lãnh thổ phía Bắc Hàn Quốc vào tầm ngắm nhưng cũng đủ xa để khiến các cơ sở này nằm ngoài tầm bắn của pháo binh tầm xa Hàn Quốc và Mỹ.

Khu vực thứ hai gồm những căn cứ nằm cách DMZ khoảng 150 km và có thể sẽ được trang bị các tên lửa Hwasong, có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

"Từ lâu chúng tôi đã biết Triều Tiên đang bắt đầu triển khai và thậm chí thử nghiệm tên lửa ở cấp đơn vị. Và tất nhiên không ai thực sự tin rằng Triều Tiên đã mất khả năng tên lửa căn bản. Đó là điều không tưởng. Điều duy nhất chúng tôi có vào lúc này là đóng băng thử nghiệm, song tất nhiên điều đó có thể bị đảo ngược một cách dễ dàng" - Stephan Haggard, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên -Thái Bình Dương tại ĐH California ở San Diego, nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6. Ảnh: SCMP

Hồi tháng 6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore nhưng tuyên bố chung không nêu cụ thể và quá trình đàm phán đến nay không có nhiều tiến triển.

Không lâu sau hội nghị, ông Trump viết trên Twitter rằng "Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên".

Triều Tiên từng tuyên bố năng lực hạt nhân của họ đã "hoàn thiện" và dừng các vụ thử nghiệm hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ và Hàn Quốc vẫn chưa thể buộc Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố cụ thể về quy mô và phạm vi của chương trình vũ khí, cũng như cam kết ngừng triển khai kho vũ khí hiện có.

Triều Tiên cho biết nước này đã đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa Sohae. Bình Nhưỡng cũng đưa ra khả năng đóng cửa thêm nhiều địa điểm nữa cũng như cho phép thanh sát viên quốc tế giám sát quá trình. Tuy nhiên, Triều Tiên cảnh báo có thể khôi phục chính sách phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ nếu Mỹ không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp vào nước mình.

THÁI LAI

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/nghi-trieu-tien-che-giau-can-cu-co-the-phong-ten-lua-toi-my-802523.html