Nghi Tik Tok can thiệp bầu cử, đích ngắm thật của Mỹ?

Ứng dụng Tik Tok của Trung Quốc được cho là sẽ tác động lên cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, đẩy nguy cơ khiến Tik Tok có số phận tương tự Huawei.

Một nhóm Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa vừa đề nghị chính quyền của Tổng thống Donald Trump đánh giá nguy cơ ứng dụng chia sẻ video Tik Tok của Trung Quốc có thể tác động lên cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.

Mỹ nghi ứng dụng Tik Tok của Trung Quốc có thể can thiệp bầu cử Mỹ 2020.

Mỹ nghi ứng dụng Tik Tok của Trung Quốc có thể can thiệp bầu cử Mỹ 2020.

Theo bức thư do các Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, Tom Cotton cùng ký tên, ứng dụng Tik Tok cần bị kiểm duyệt nội dung nhạy cảm cũng như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm định hướng những cuộc thảo luận về chính trị trên các ứng dụng xã hội.

“Chúng tôi rất quan ngại rằng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) có thể dùng quyền kiểm soát của họ đối với Tik Tok để xuyên tạc hoặc thao túng những bàn luận về chính trị nhằm gieo rắc bất hòa trong lòng người Mỹ và nhằm đạt được kết quả chính trị mà họ muốn” - các nghị sĩ viết trong bức thư gửi đến Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia (ODNI), quyền Bộ trưởng An ninh nội địa (DHS) và giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI).

Nhóm nghị sĩ đề nghị chính quyền xác nhận xem Bắc Kinh có thể khuếch trương các quan điểm chính trị và triển khai các chiến dịch gây ảnh hưởng thông qua ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance Bắc Kinh hay không.

“Nếu có bằng chứng cho thấy Trung Quốc can thiệp bầu cử thông qua Tik Tok, liệu ByteDance có đủ điều kiện để bị trừng phạt theo sắc lệnh về tác động bầu cử từ bên ngoài không?” - các nghị sĩ nêu vấn đề.

Ứng dụng này trở thành tâm điểm chú ý của chính quyền Trump khi quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng. Trong tháng này, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói rằng sắp có biện pháp được triển khai để giải quyết những rủi ro an ninh quốc gia mà Tik Tok gây ra.

Không chỉ gây áp lực lên Tik Tok mà Mỹ còn muốn các đồng minh của mình, mới đây nhất là Nhật Bản, tham gia vào việc tẩy chay các hãng công nghệ Trung Quốc như Tik Tok, với lý do những ứng dụng dạng này có thể chuyển dữ liệu cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cũng cho biết quyết định cuối cùng vẫn thuộc về phía Tokyo và Washington sẽ tôn trọng lập trường của đồng minh châu Á.

Một đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Úc cũng đã xem xét về khả năng ban hành lệnh cấm với ứng dụng Tik Tok. Đầu tháng 7, chính quyền Úc đã tuyên bố nước này đang xem xét việc ứng dụng Tik Tok có khả năng mang can thiệp từ nước ngoài và rủi ro dữ liệu. Việc này xảy ra sau khi công ty mẹ của TikTok là Bytedance mở văn phòng tại Úc, nơi ước tính có tới 1,6 triệu người dùng ứng dụng video này.

Tương tự, Ấn Độ cuối tháng trước đã ra lệnh cấm 59 ứng dụng Trung Quốc bao gồm cả Tik Tok. Lệnh cấm được ban hành ngay sau khi cuộc đụng độ tại biện giới Trung Quốc và Ấn Độ. Hôm 27/7, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm thêm 47 ứng dụng của Trung Quốc, vốn là các biến thể và bản sao của 59 ứng dụng bị cấm trước đó.

Tik Tok đổi chủ vẫn không thoát số phận Huawei?

Tik Tok thuộc sở hữu của ByteDance, công ty công nghệ Trung Quốc đang vận hành một số ứng dụng mạng xã hội phổ biến. Có thể ví ByteDance với Facebook của nước Mỹ. Cả hai đều có hàng tỷ người dùng mỗi ngày.

CEO ByteDance là Zhang Yi Ming, người thành lập công ty năm 2012. CEO 35 tuổi này theo học kỹ thuật phần mềm. Sau 8 năm thành lập, ByteDance hiện có giá trị 75 tỷ USD, là công ty tư nhân giá trị nhất thế giới.

Tháng 9/2016, ByteDance giới thiệu tại Trung Quốc ứng dụng video dạng ngắn Douyin. Chỉ trong vòng 1 năm, Douyin đã có 100 triệu người dùng và 1 tỷ lượt xem video mỗi ngày.

1 năm sau, Douyin mở rộng thị trường ra ngoài Trung Quốc dưới tên Tik Tok. Nền tảng này nhanh chóng “leo hạng” trên các kho ứng dụng tại Thái Lan, Nhật Bản và các nước châu Á khác. Tuy nhiên, khi Tik Tok bắt đầu thu hút sự chú ý trên toàn cầu, một ứng dụng video ngắn khác lại nổi lên tại Mỹ là Musical.ly có tính năng tương tự, là sản phẩm của Alex Zhu và Louis Yang, ra đời năm 2014. Ứng dụng giành vị trí số 1 trên App Store tại Mỹ mùa hè một năm sau đó.

Tik Tok làm mưa làm gió trên toàn cầu sau khi sáp nhập cả ứng dụng của Mỹ Musical.ly

Tháng 11/2017, ByteDance mua lại Musical.ly với giá 1 tỷ USD và vận hành cùng lúc 2 ứng dụng: Musical.ly tại Mỹ và Tik Tok tại thị trường khác. Tháng 8/2018, ByteDance thông báo đóng cửa Musical.ly, nhập vào Tik Tok. Tất cả tài khoản Musical.ly được chuyển sang nền tảng Tik Tok. Thời điểm đó, đồng sáng lập Zhu cho biết mục tiêu của họ là tạo ra một cộng đồng nơi ai cũng có thể làm nhà sáng tạo nội dung.

Thành công của Tik Tok không chỉ có tại Mỹ mà còn trên toàn cầu. Tháng 11/2019, Tik Tok chạm mốc 1,5 tỷ lượt tải trên cả iOS và Android. Ứng dụng nhanh chóng lấn sân của Instagram và Snapchat.

Dù vậy, thành công cũng đi kèm phiền toái. Tại Mỹ, Tik Tok trở thành mục tiêu giám sát của nhà lập pháp, những người cảm thấy quan ngại vì quan hệ giữa ByteDance và chính phủ Trung Quốc.

Mỹ mở cuộc điều tra Tik Tok vào tháng 11/2019. Quan chức đặt câu hỏi về cách Tik Tok xử lý và lưu trữ dữ liệu, dẫn tới một số tổ chức như quân đội cấm ứng dụng này trên các thiết bị do nhà nước cấp. Nền tảng người dùng trẻ cũng là một vấn đề khác.

Năm ngoái, công ty này phải nộp phạt 5,7 triệu USD vì cáo buộc thu thập thông tin bất hợp pháp từ người dùng dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh, vi phạm Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA). Trong một vụ kiện khác liên quan tới COPPA, Tik Tok phải dàn xếp bằng số tiền 1,1 triệu USD.

Trước sự giám sát ngày một tăng từ Mỹ, ByteDance làm nhiều cách để vạch ranh giới với chính phủ Trung Quốc. Ứng dụng hiện do ông Kevin Mayer, một người Mỹ, điều hành.

Alex Zhu chuyển sang làm Phó chủ tịch sản phẩm và chiến lược của ByteDance.

Trong các vấn đề nhạy cảm chính trị của cuộc đối đầu Mỹ-Trung, Tik Tok cố gắng đứng ngoài. Đơn cử như khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông vừa qua, Tik Tok tuyên bố sẽ rời khỏi thị trường Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo một nguồn thạo tin của Reuters, Hồng Kônglà thị trường nhỏ và thường xuyên chịu lỗ của công ty. Tik Tok đưa ra quyết định trên vì không thể chắc chắn liệu Hồng Kông có hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bắc Kinh hay không. Ứng dụng này cũng được thiết kế để không thể truy cập tại Trung Quốc đại lục. Đây là một phần chiến lược của hãng nhằm thu hút người dùng toàn cầu. Phiên bản tương tự của Tik Tok do ByteDance xây dựng cho thị trường Trung Quốc là Douyin.

Bất chấp những nỗ lực "đổi chủ", "thoát Trung" này, Tik Tok vẫn đang bị tấn công tại nhiều thị trường, đặc biệt là Mỹ.

Giới quan sát cho rằng, những gì đang diễn ra với Tik Tok cho thấy khả năng họ có nguy cơ trở thành một "nạn nhân" của cuộc đối đầu Mỹ-Trung giống như Huawei.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nghi-tik-tok-can-thiep-bau-cu-dich-ngam-that-cua-my-3415336/