Nghi thức táng gió trên đảo Lý Sơn

Nghi lễ chiêu hồn và an táng bằng mộ rỗng (mộ gió) có mặt ở hầu hết các vùng dân cư nước ta bên cạnh nhiều hình thức táng theo phong tục, tập quán truyền thống. Tuy nhiên, kỷ lục nhiều nhất về hòn đảo tồn tại hơn một ngàn ngôi mộ chiêu hồn giả cốt thuộc về Lý Sơn (Quảng Ngãi), do đặc điểm cư trú và truyền thống lâu đời có nghề đánh cá trên ngư trường Hoàng Sa của người dân trên đảo.

Âm linh tự ở giữa khu mộ gió, nơi thờ Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Thụy Văn

Âm linh tự ở giữa khu mộ gió, nơi thờ Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Thụy Văn

Trong Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có một phần trang trọng nhất dành để tưởng niệm những người anh hùng đã ra biển mà không trở về vào thời Chúa Nguyễn (thế kỷ XVII). Khi đó, họ vâng mệnh triều đình xung vào đội quân khai thác quần đảo Hoàng Sa và kiêm quản luôn các đảo phía Nam Hoàng Sa (chính là Trường Sa ngày nay). Sử sách ghi lại, đội Hoàng Sa lúc đầu tiên thành lập có 70 suất đội, lấy toàn người An Vĩnh của cù lao Ré (đảo Lý Sơn ngày nay). Mỗi năm, cứ tháng 2 thì đội quân này ra khơi, mang theo lương thực đủ ăn 6 tháng, đi 3 ngày đêm thì đến Hoàng Sa. Hành trình ấy bản chất là cuộc tuần tiễu bằng thuyền, tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển, dải cát vàng giữa biển ngoài khơi (quần đảo Hoàng Sa) của triều đình nhà Nguyễn.

Sau đó, đội quân này có nhiệm vụ lượm lặt các loại hải sản quý (ốc vân, hải sâm) mang về nộp triều đình. Và khởi sinh từ những hành trình lênh đênh đầy bất trắc trên biển lớn ròng rã nhiều tháng trời ấy, nghi lễ tưởng niệm tôn vinh hoành tráng dành cho người đi biển quả cảm ra đời bên cạnh những ngôi mộ không có cốt.

Phần trưng bày ngay sau tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của đội quân lênh đênh trên biển này. Mô hình thuyền câu nhỏ, có buồm, trên thuyền có nhiều xơ đay để bện dây và sửa chữa tàu thuyền khi hỏng, lu trữ nước ngọt, đồ dùng sinh hoạt... được phục dựng lại. Đặc biệt là mỗi người lính đội theo thuyền đều có thẻ tre ghi danh, dây mây mang theo và chiếu cói... Câu ca miêu tả đội hùng binh Hoàng Sa có đoạn: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” để chỉ chuyến đi biển gian truân, nhiều hiểm nguy, thất thoát người nhiều lý do không thể tránh khỏi trong đội quân này. Khi tử nạn, xác họ được bó trong chiếu và cột bằng dây mây để thả trôi về đất liền. Tuy nhiên, trải qua nhiều đời, người dân Lý Sơn chưa bao giờ thấy xác người trôi vào đảo do dòng hải lưu luôn hướng ra biển. Người nào không về được chỉ có thể tưởng niệm bằng ngôi mộ rỗng, không có hài cốt.

Ông Võ Văn Nhành, người duy nhất trong dòng họ nhiều đời nắm được bí thuật chiêu hồn nhập cốt để làm mộ ở trên đảo Lý Sơn cho hay, phần lớn mộ lính Hoàng Sa trước đây cũng đều là mộ gió (mộ rỗng, không có cốt). Thực tế phát sinh mộ giả cốt, chiêu hồn cũng vì những người còn sống thương nhớ khôn nguôi người đã khuất, tâm không an, hồn người chẳng yên. Mà những ngôi mộ rỗng của người thân không đủ để an lòng họ thì mới buộc phải làm mộ giả cốt. Bí thuật lấy cành cây, đất sét cũ lọc rửa kỹ trên đỉnh núi Thới Lới về đắp hình người, đặt vào trong mộ rồi cử hành nghi lễ táng như thật bây giờ chỉ có ông Võ Văn Nhành làm. Dòng họ Võ có nhiều đời truyền lại bí thuật tâm linh cầu an, cúng tế mà dân đi biển rất sùng tín, ông Võ Văn Nhành có thể coi là thầy cúng cao tay nhất hiện cư trú trên đảo Lý Sơn. Mặc dù, giờ đây mỗi năm, thỉnh thoảng có vụ tai nạn trên biển, người nhà người bị nạn cầu viện, ông mới phải dùng đến nghề này.

Việc làm mộ giả cốt cũng phải chọn ngày, chọn mùa thích hợp. Công đoạn lấy đất sét và cành cây dâu trên núi về gọt đẽo nhào và đắp lên hình nhân để đặt vào huyệt đều do thầy cúng làm. Khi bắt tay vào việc, gia đình người đã khuất và thầy cúng đều phải chay tịnh, tuyệt đối tin tưởng rằng, vong linh người bị nạn sẽ biết đường tìm về đảo, theo chỉ dẫn của thầy cúng mà nhập vào hình nhân giả cốt, được chôn cất tử tế đúng nghi lễ và độ trì cho người còn sống. Trong quá trình đó, vong linh người chết được coi là được thánh thần triệu về đất liền, được gặp mặt con cháu, người thân lần cuối nên nghi lễ này rất thiêng liêng, đủ lệ bộ từ mặc trang phục, nhập quan, liệm, tế...

Nhiều năm trời làm nghề này và đối diện với gia đình có người đi biển thiệt mạng, ông Võ Văn Nhành rất thấu hiểu tâm tư, tình cảm của họ, ông đồng cảm với gia đình người ta, không khi nào làm khó hay đòi tiền công lớn. Người ở đảo quần tụ nhiều năm, nương tựa với nhau giữa sóng gió đại dương cũng gắn bó mật thiết hơn cả ruột thịt, dựa vào tình nghĩa và niềm tin tín ngưỡng để có thể đạp lên sóng gió, chinh phục biển khơi.

Xen kẽ giữa các khu dân cư đông đúc trên đảo Lý Sơn hiện nay vẫn tồn tại nhiều ngôi mộ gió. Có ngôi mộ đắp bằng cát, be lại bằng những viên đá đen nham thạch núi lửa rất độc đáo và được truyền lại nhiều đời. Trung tâm đảo có Âm linh tự và khu mộ gió lính Hoàng Sa, trong đó, đội quân lừng danh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thờ tự và nhang khói quanh năm. Có thể nói, hòn đảo với cả ngàn ngôi mộ gió tồn tại nhiều đời giờ đây đã trở nên ấm áp hơn, thăng bằng hơn trong lòng người nhờ nghi lễ chiêu hồn giả cốt nhập mộ. Đời sống của người dân Lý Sơn giờ đây đã khá giả hơn nhờ làm du lịch cộng đồng và được đầu tư xây dựng với cấp độ ưu tiên là một hòn đảo tiền tiêu. Nhưng dân đi biển rất ít bỏ nghề khơi, đặc biệt là không rời bỏ ngư trường Hoàng Sa và nghề mò lặn ốc và hải sâm truyền thống có từ thời nhà Nguyễn. Trên đảo, hệ thống những khu mộ của dòng họ, đình, miếu đĩnh đạc đặt ở các vị trí trung tâm, những khu đất đẹp nhất để tiện chăm sóc, cúng tế.

Đời sống tâm linh trù phú của người dân đảo giúp cho họ có sức mạnh và niềm tin đối diện với cuộc sống khắc nghiệt. Đó là Lý Sơn.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghi-thuc-tang-gio-tren-dao-ly-son-post432986.html