Nghĩ thêm về tăng trưởng GDP 2018 cao nhất 10 năm

Chuyên gia đánh giá những điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 và chỉ ra cơ hội, thách thức của Việt Nam trong năm 2019.

PV: - Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2018. Theo đó, GDP năm 2018 tăng 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6% vào tăng trưởng; dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung.

Ông có bình luận gì về con số tăng trưởng GDP năm 2018 cũng như những động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2018?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại): - Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 đã có nhiều cải thiện và ổn định hơn. Điều đó thể hiện trước hết ở các con số được làm chuẩn hơn. Để đánh giá tăng trưởng thì con số đầu vào phải chính xác và phản ánh đúng thực tế. Trước đây có hiện tượng các con số tổng kết cuối năm giữa Tổng cục Thống kê, các bộ ngành và các địa phương cứ lệch nhau. Có quá nhiều con số khác nhau và số liệu đầu vào không chuẩn. Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam đã củng cố hệ thống thu thập số liệu, mời chuyên gia thống kê quốc tế đến làm nên con số thống kê trên cả nước đã chuẩn hơn nhiều.

Sự cải thiện thứ hai về chất lượng tăng trưởng có thể nhận thấy, đó là tăng trưởng của nền kinh tế đã đều hơn ở các khu vực (nông-lâm nghiệp-thủy sản; công nghiệp-xây dựng và dịch vụ). Nhìn vào những con số thống kê có thể thấy nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vì đó là cơ sở, nền tảng của đời sống xã hội, nhưng đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 là khu vực công nghiệp, xây dựng, mà ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng, và khu vực dịch vụ.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương)

PV: - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong khu vực công nghiệp, xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Dù vậy, không thể phủ nhận công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn phát triển chủ yếu nhờ thu hút FDI và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), trong năm 2018 vẫn chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu. Những con số ấy cho thấy điều gì và hiệu quả đến đâu, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Những con số trên đã nói lên mặt yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Tôi xin làm một so sánh thế này: Việt Nam và Trung Quốc mở cửa gần như đồng thời, nhưng khi Trung Quốc mở cửa, họ thu hút FDI rất mạnh mà không làm triệt tiêu công nghiệp nội địa, trái lại họ sử dụng FDI để kích thích công nghiệp nội địa tăng trưởng, đổi mới theo. Và đến nay Trung Quốc có những sản phẩm hoàn toàn do nội địa sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, như những sản phẩm viễn thông của Huawei, ZTE, cạnh tranh được với các sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Đây là điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta mở cửa và trải thảm mời nước ngoài vào đầu tư nhưng lại bỏ rơi công nghiệp nội địa, để cho nó tan rã, sa sút. Thành thực mà nói, công nghiệp nội địa của Việt Nam trước đây không hề kém cỏi. Chúng ta từng có tới 500 nhà máy cơ khí, có những nhà máy đình đám như nhà máy trung quy mô, nhà máy Trần Hưng Đạo, Diesel sông Công, cơ khí Cẩm Phả... Nhưng sau 30 năm đổi mới, những nhà máy ấy không còn ai nhắc đến nữa.

Việc bỏ rơi công nghiệp nội địa có liên quan đến chuyện công nghiệp nội địa trước đây của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Khi đổi mới, đáng lý ra phải cơ cấu lại DNNN theo hướng đa dạng, cổ phần hóa, chuyển sang doanh nghiệp tư nhân... Đằng này chúng ta cứ để DNNN mà như vậy thì không cạnh tranh được, cuối cùng doanh nghiệp phá sản hàng loạt hoặc tự chúng ta giải tán hết. Đến bây giờ, Việt Nam mới có một vài tập đoàn tư nhân làm cơ khí như Vinfast, Thaco...

Một thiếu sót khác của Việt Nam trong thu hút FDI trước đây là trong khi trải thảm mời nhà đầu tư nước ngoài - những người có tiền, có kinh nghiệm vào, thì lại “bỏ quên” công nhân. Lực lượng công nhân trẻ thừa nhiều và nhà đầu tư ngoại thuê họ, trả lương bao nhiêu, chế độ chính sách thế nào... cũng không được quan tâm. Một vài năm sau, hàng loạt vấn đề đã phát sinh khi công nhân xây dựng gia đình cần nhà ở, bệnh viện, trường học... mà không có. Những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu điều chỉnh chính sách, lo xây nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trường học, bệnh viện... cho gia đình họ. Việc làm đó, âu cũng là chậm.

Thiếu sót thứ ba, chúng ta mở cửa, mời nhà đầu tư nước ngoài vào mà không có luật lệ, kiểm soát môi trường đến nơi đến chốn, cuối cùng tài nguyên thì mất đi, môi trường bị ô nhiễm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam nhiều năm qua tăng trưởng là nhờ công của FDI. FDI vào Việt Nam, thấy lao động Việt Nam đông, giá rẻ cũng chỉ thuê làm những công đoạn dễ nhất, thường là lắp ráp, gia công. Như dệt may chẳng hạn, nguyên liệu, mẫu mã, thiết kế, máy móc là của bên ngoài, doanh nghiệp Việt chỉ gia công, trong khi thương hiệu vẫn là của nước ngoài.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nghi-them-ve-tang-truong-gdp-2018-cao-nhat-10-nam-3372490/