Nghĩ thêm về cây cầu Bạch Đằng

Dạo Bạch Đằng khởi công và cả thời gian dài sau đó, công nhân công trường và dân hai bờ chỉ gọi thọn lỏn...

Thợ trẻ thuộc đơn vị chủ công lắp đặt dây văng cầu Bạch Đằng - Ảnh: Xuân Ba

Thợ trẻ thuộc đơn vị chủ công lắp đặt dây văng cầu Bạch Đằng - Ảnh: Xuân Ba

Kỳ 1: Tại sao Bạch Đằng

Ngày khánh thành cây cầu Bạch Đằng, ông bạn cho ngồi chung xe với nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. Cao tốc thoáng, xe ngon nên câu chuyện cứ dài và nhẩn nha về những thế hệ làm giao thông từ cụ thân sinh ông Trường từng là Giám đốc ngành Giao thông Nghệ Tĩnh. Chú em là Trường Kỳ hiện là Giám đốc Sở GTVT Nghệ An... Rồi chuyện trở lại với cây cầu Bạch Đằng là cái đích đang tới.

Chất giọng ông Trường có chút gì như hể hả, chỉ thiếu mỗi động thái xoa tay nữa của một người vừa làm xong một việc trọng. Cởi mở, hể hả như thông tin trên các phương tiện truyền thông, đại loại: Cầu Bạch Đằng khởi công ngày 25/1/2015, đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn hơn 7.000 tỉ đồng. Cầu chính dài 700m, được bố trí 3 trụ tháp, thiết kế theo hình 3 chữ “H” mang ý nghĩa kết nối giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.

Rồi nữa.

Điểm đầu là phường Đông Hải 2, quận Hải An (Hải Phòng), điểm cuối là xã Liên Vị, TX Quảng Yên (Quảng Ninh). Cầu dài 5,4km gồm cả đường dẫn. 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất Việt Nam. Quãng đường TP Hạ Long - Hà Nội 180km như hiện nay rút ngắn còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm từ 75km xuống còn 25km…

Thứ trưởng Hồng Trường nghỉ hưu khi cây cầu Bạch Đằng đã nhích được ba phần tư việc. Hể hả? Tất nhiên. Và có chút gì thoáng qua như sự thông thống trong chất giọng ông Hồng Trường? Tạm dừng chữ thông thống đồng nghĩa với cởi mở không ngập ngừng đắn đo. Mà có chi phải cân nhắc với giấu giếm? Ông Hồng Trường đang tuồn tuột về những cú quyết, cú hích của thời điểm quyết cây cầu Bạch Đằng bằng phương thức BOT hơn 7.000 tỷ đồng so với những nhiêu khê phiền phức theo cái cách ODA hơn 13.000 tỷ đồng. Những yếu nhân của ngành Giao thông, trong đó có ông đã phải đôn đáo tất tả ra sao để BOT thành hiện thực, để huy động được nguồn vốn, để thời gian làm cầu sao cho nhanh. Thú vị câu chuyện 7 ông đầu tư chủ chốt cho Bạch Đằng mỗi ông phải giơ, phải trưng cái giỏ có thóc của mình ra trước bàn dân thiên hạ, mèng mỗi ông ban đầu góp vốn tròm trèm cả trăm tỷ đồng. Rồi sau đó tính tiếp như thế nào...

Đồng tiền liền khúc ruột theo phương thức BOT tiêu chí đầu tiên là tiết kiệm, hợp lý tối đa! Không phải là Bạch Đằng mọc lên từ địa lợi (tạm coi thiên thời, nhân hòa đã thuận). Chi dùng tính toán ra sao để cây cầu Bạch Đằng không ngáng trở phiền lụy đến cả… mây trời Đông Bắc. Và nữa, dưới cầu kia là hệ thống thủy của Bạch Đạch giang.

Đầu tiên là đường không. Chẳng xa Bạch Đằng là sân bay Cát Bi. Yếu tố tĩnh không đã khống chế chiều cao của cầu. Giọng ông Trường tiếc hùi hụi khi bật mí rằng, Bạch Đằng còn hoành tráng và không kém phần duyên dáng khi ba trụ tháp hình chữ H được vươn hết tầm lực lưỡng vốn có. Do tĩnh không khống chế phải hạ chiều cao trụ gần 30m. Tưởng cắt thì giảm tiền? Chả phải! Mà phải lao tâm khổ tứ cho hệ thống kết cấu, hệ thống chịu lực phải tải, phải gánh. Phải tinh mắt mới nhận ra cái sự khập khiễng nọ trên cây cầu Bạch Đằng?

Còn đường thủy? Lại cũng phải tính toán sao cho bụng cầu Bạch Đằng trườn qua sông có khoảng cách an toàn cho tàu bè nườm nượp ngày đêm trên Bạch Đằng giang. Lại phải mất thêm một khoản tiền lớn cho các loại vật liệu thích hợp với độ lợ, độ mặn của vùng cửa bể này. Vẫn chưa hết. Vì là cầu dài không thể thườn thượt một khúc, một phát qua sông nên bắt buộc phải theo kiểu treo, dây văng nhiều nhịp. Mà dây văng phải bằng bê tông mới chịu, mới hợp được địa hình thung thổ xứ này. Nghe ông cựu Thứ trưởng mới chỉ sơ qua về những thông số của những nhịp dây văng bê tông mà ù cả tai nên khỏi chép lại ra đây! Chỉ biết chúng khác với kiểu nuột nà đơn giản kiểu dây văng thép sáng loáng của Cần Thơ, Nhật Tân… mà khâu chế tạo lẫn thi công khá là nhiêu khê, rắc rối. Bạch Đằng, cây cầu dây văng lớn thứ 7 ở Việt Nam độc đáo và đáng kể không chỉ về quy mô mà là những vấn đề kỹ thuật phải xử trí lần đầu từ khâu thiết kế đến thi công.

Như có chút chi bùi ngùi khi ông Trường nhắc lại những cú hích quyết định trong những thời khắc khó khăn. Về vị thủ trưởng tiền nhiệm thuở ấy đã tự tin quyết đoán ra sao để hoài thai một Bạch Đằng theo phương thức BOT.

Chợt nhớ ngày hợp long cầu (tháng 4/2018) lang thang trên công trường, tôi nghe được cả chuyện trảm tướng? Hỏi ra mới hay, tư duy rốt ráo quyết liệt vì tiến độ, vì lợi ích quốc gia của những yếu nhân tiền nhiệm dường như đã thấm, đã ngấm làm bừng tỉnh cách nghĩ lối làm của cả hệ thống ngành Giao thông? Với chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh mà cụ thể là Sở GTVT đã dứt khoát cắt phăng cái gói thầu XL06 cỡ trên ngàn tỷ của Công ty Cường Thịnh nào đó vì chậm tiến độ để chuyển cho nhà thầu khác. Hình như cũng là giơ cao đánh khẽ bởi nghe đâu ngay sau đó công ty ấy đã ăn năn hối cải bằng hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh.

Câu chuyện trên xe tạm ngưng vì Bạch Đằng đang ở trước mặt. Ấn tượng và bồi hồi thêm viễn cảnh mà ông cựu Thứ trưởng phác họa nay mai cho sông Hồng - Hà Nội sẽ có thêm vài cái cầu duyên dáng cỡ như Nhật Tân, như Bạch Đằng. Tại sao không khi nhu cầu về dân sinh, về kinh tế hai bờ của Hà Nội ngày một xôm tụ phong phú? Một Seuol đoạn sông Hàn của Hàn Quốc hiện có tới 48 cây cầu cơ mà?

Cầu dây văng Cần Thơ đã bắt mắt với dáng chữ Y úp ngược khỏe khoắn rất ấn tượng trên nền sông nước mây trời Đồng bằng sông Cửu Long. Nay thêm cây cầu Bạch Đằng in hình ấn tượng ba chữ H của ba trụ đỡ nhịp cầu chính trên trời mây Đông Bắc. Dạo Bạch Đằng khởi công và cả thời gian dài sau đó, công nhân công trường và dân hai bờ chỉ gọi thọn lỏn là cầu Bạch Đằng hoặc cầu sông Rừng. Cùng với tiến độ ba trụ nhô nhỉnh và vượt cao thì họ kêu bằng cầu ba chữ H. Thì đã đành, ba chữ H ấy mang ý nghĩa chính trị rõ rồi. Nhưng cái tên cầu ba chữ H là do dân đặt. Cứ lo lo, ngộ nhỡ cái đà thuận mồm xuôi miệng ấy cái tên Bạch Đằng dẫu hoành tráng ấn tượng có cơ lãng mất? Còn nhớ, tôi từng đã cố công lân la với dò hỏi tìm đến mấy nhà chức việc người Việt trẻ trung tài năng có trọng trách lo việc thiết kế cây cầu chữ H này. Rằng, có phải họ được quán triệt với thấm nhuần ý nghĩa sâu xa sự thông thương gắn kết kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long? Gạn xong thấy họ cười phá lên vui vẻ… Hóa ra cũng chỉ tình cờ. Cũng tình cờ như 5 trụ tháp hình thoi của cầu Nhật Tân suy rộng ra là 5 cửa ô Hà Nội. Là 5 cánh của hoa đào Nhật Tân? Cũng may mà có sự gặp gỡ trùng hợp giữa mạch nghĩ của kỹ thuật với tư duy của… thời đại và một chút suy diễn kiểu tuyên huấn nữa!

Dằng dặc một thời thiên lý Bắc Nam. Chao ôi bao nhiêu là quán xá nương bám ăn theo những con phà dọc đường. Những Phà Rừng, phà Bãi Cháy, Ba Chẽ, Quán Hàu, Phà Gianh… rồi bắc (phà) Cần Thơ. Sau chặng xe gập ghềnh trồi sụt một thời, một thuở đường xấu, vì nhồi nhét khách. Cảm giác khi xuống xe thở phào, răng rắc vặn cái lưng rồi ghé quán. Nếu không bận hối hả dằn bụng bánh trái cơm bụi thì gọi bát nước chè xanh hay vối thư thả duỗi cặp chân mỏi nhừ gài gại thanh đóm vào rìa cái chõng tre của quán để chuẩn bị nạp một mồi thuốc thật lực. Thời thế đổi thay thì có lẽ ta phải thay đổi lối sống, cách sống thôi? Đành thầm tiếc cho một thế hệ người Việt mới có lẽ phải tiệt nọc cái thú sông nước đò giang phà phiếc. Ngày đàng gang nước. Cái câu của ông bà mình hay tệ. Hay là vì sự cảnh báo của lãng phí một chuyến đò, một chặng phà bỏ rẻ cũng phải tiếng hoặc hai tiếng! Cộng dồn cả dằng dặc sự đi lại lưu thông thời bao cấp của ngấn ấy bộ hành xuôi Nam ngược Bắc rồi tạm quy thóc mới thấy việc tổn phí thời gian nó kinh khủng thế nào. Bây chừ qua cầu vo vo bánh xe lăn chỉ mấy chục phút.

…Với cái xe của ông bạn cho mượn, tôi cùng cậu lái xe nhảo sang TX Quảng Yên ghé con phà Rừng. Dài dòng một tẹo, anh chàng lái xe cũng là người lái cho ông bạn Phạm Mạnh, Tổng biên tập ở Báo Bạn Đường thuở nào. Buồn nỗi, Phạm Mạnh nay đã là người thiên cổ. Giờ Bạn Đường sát nhập vào Báo Giao thông. Nhớ cái năm xa, tôi với Nguyễn An Định ở Báo Lao Động và Phạm Mạnh khi đó là thường trú TTXVN ở vùng Mỏ Quảng Ninh từ Cẩm Phả về Hà Nội. Đến Phà Rừng thì nhọ mặt người. Phà hỏng. Con đường huyết mạch thuở ấy nối Đông Bắc với Hải Phòng - Hà Nội có hai lối. Đã chọn lối Phà Rừng Quảng Yên thì thôi lối phà Phả Lại. Mà xe chở chúng tôi lại phải quay về mỏ có việc gấp. Bàn đi tính lại, đành ngủ lại ở cái làng Tam Hưng có đền thờ cụ Trần Hưng Đạo mang địa danh bãi cọc lịch sử…

Đêm đó gặp may. Cụ chủ nhà hào phóng đãi món ruốc (loại bạch tuộc nhỏ) luộc cùng nhệch om mẻ. Nhệch tờ tờ như lươn, rắn. Vùng nước lợ Quảng Yên có sẵn giống này. An Định nói vui là cái thứ mà tư cách cao hơn lươn chỉ kém rắn một tý. Chút thơ mộng ấy đã phải đánh đổi cả ngày và nửa đêm hôm sau, cả ba mới mò về được Hà Nội. Đúng là ngày đàng gang nước.

Xuân Ba

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nghi-them-ve-cay-cau-bach-dang-d273753.html