Nghị sỹ John Lewis - Một cuộc đời gắn với phong trào nhân quyền của nước Mỹ

Nghị sỹ Mỹ gốc Phi John Lewis - người mà lịch sử cá nhân gắn liền với phong trào dân quyền của nước Mỹ đã qua đời ngày 17/7, thọ 80 tuổi sau 6 tháng chống chọi với bệnh ung thư tụy.

Biểu tượng của phong trào nhân quyền ở Mỹ John Lewis qua đời ở tuổi 80.

Nghị sỹ John Lewis được nhìn nhận là một biểu tượng của nhân quyền ở Mỹ, người đã cùng nhà hoạt động nổi tiếng Martin Luther King Jr (1929-1968) đấu tranh bất bạo động không mệt mỏi cho quyền của người da màu.

Thông cáo cùng ngày của gia đình John Lewis nêu rõ sự ra đi của nghị sỹ John Lewis "để lại niềm tiếc thương sâu sắc".

Theo thông cáo, nghị sỹ Mỹ John Lewis "được tôn vinh như một biểu tượng của lịch sử nước Mỹ, như một người cha và người anh đáng kính. Ông là người kiên định trong cuộc đấu tranh đòi sự tôn trọng cho nhân phẩm của mỗi con người. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình để thúc đẩy những hành động phi bạo lực và là người ủng hộ cho cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng ở Mỹ".

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mô tả ông John Lewis là "một người phi thường của phong trào dân quyền, người mà lòng tốt, sự chân thành và dũng cảm của ông đã giúp biến đổi nước Mỹ".

John Robert Lewis sinh năm 1940 tại thành phố Troy, bang Alabama. Khi còn là một thiếu niên, ông đã được truyền cảm hứng từ Martin Luther King Jr bằng cách lắng nghe bài giảng của ông trên đài phát thanh.

Khi là sinh viên, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban điều phối phi bạo lực sinh viên (SNCC), ông đã dẫn đầu cuộc tuần hành lịch sử ở Washington năm 1963 và sau đó, bị đánh đập và bỏ tù vì phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc ở miền Nam của Mỹ.

Ông được bầu vào Hạ viện Mỹ năm 1986 với tư cách thành viên đảng Dân chủ và trong nhiều thập kỷ, ông là đại diện khu vực bầu cử gồm những khu giàu lẫn nghèo của thành phố Atlanta, bang Georgia.

Nghị sĩ Lewis được đồng nghiệp cả hai đảng trong Quốc hội kính trọng vì vai trò của ông trong các phong trào đấu tranh về quyền của người da màu vào những năm 1960. Một số người ở đồi Capitol gọi ông là "lương tâm của Quốc hội".

Ông đã được trao tặng nhiều bằng danh dự và nhận được nhiều giải thưởng. Năm 2011, ông được Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do - một trong hai huân chương cao quý nhất của nước Mỹ do Tổng thống trao tặng.

Bày tỏ niềm thương tiếc với sự ra đi của nghị sỹ John Lewis, cựu Tổng thống Barack Obama ca ngợi "tác động to lớn" của ông đối với lịch sử nước Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử mà ông chiến thắng với tư cách là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ có thể trở thành hiện thực là nhờ vào sự hy sinh của ông Lewis.

"Tôi gặp John lần đầu tiên khi tôi học trường luật và tôi đã nói rằng ông ấy là một trong những người hùng của tôi", Obama viết trong một tuyên bố tưởng nhớ Lewis. "Khi tôi được bầu làm Tổng thống Mỹ, tôi đã ôm ông ấy trên khán đài trước khi tuyên thệ nhậm chức và nói với ông ấy rằng chính sự hy sinh của ông ấy đã giúp tôi có được vị trí này".

"Chúng tôi sẽ nhớ ông ấy rất nhiều", vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ khẳng định.

Tổng thống Barack Obama và nghị sỹ John Lewis ở Selma, llllbang Alabama năm 2015. (Nguồn: The New York Times)

Sau khi các nghị sỹ Ted Kennedy qua đời năm 2009 và John Mc Cain qua đời năm 2018, ông John Lewis được coi là nghị sỹ kỳ cựu cuối cùng của Quốc hội Mỹ. Ông John Lewis mất cùng ngày với một nhà lãnh đạo nhân quyền khác là Rev. Cordy Tindell "C.T." Vivian, 95 tuổi.

Đây được xem là tổn thất lớn của phong trào nhân quyền trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu George Floyd và tiếp đến là cuộc biểu tình “Black Lives Matter” (Người da đen đáng được sống) đã làm rung chuyển toàn nước Mỹ.

Vinh Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nghi-sy-john-lewis-mot-cuoc-doi-gan-voi-phong-trao-nhan-quyen-cua-nuoc-my-119685.html