Nghị sĩ Đức ca ngợi tình thân Nga, cảnh cáo ngược Mỹ

Nghị sĩ cánh tả Đức Dietmar Bartsch phản ứng gay gắt khi Đức bị Mỹ đòi tiền 2% GDP cho quốc phòng nếu không sẽ rút quân khỏi Đức.

Theo báo Hannoversche Allgemeine Zeitung, Người đứng đầu Đảng Cánh tả ở Nghị viện Liên bang Đức (Bundestag) - ông Dietmar Bartsch đã lên tiếng ủng hộ kết quả của mối đe dọa Mỹ nhằm vào nước này.

Quân đội Mỹ triển khai tại Đức.

Quân đội Mỹ triển khai tại Đức.

Theo đó, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell tuyên bố Washington sẽ rút quân khỏi Đức để chuyển sang Ba Lan nếu Berlin không chịu nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP theo thỏa thuận của NATO.

Đại sứ Grenell nói: “Thật xúc phạm khi người nộp thuế Mỹ phải tiếp tục chi trả cho hơn 50.000 lính Mỹ đồn trú tại Đức còn người Đức dùng thặng dư thương mại của họ cho các mục đích trong nước”.

Ông Bartsch đã trả lời tờ báo Đức, phản đối việc Mỹ liên tục dùng kênh ngoại giao để gây sức ép lên các đồng minh.

"Đại sứ Mỹ nói đúng: Người nộp thuế Mỹ không cần phải chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại Đức" - ông Bartsch nói.

Rõ ràng, Đại sứ Mỹ đã nói đúng về các mâu thuẫn khi người Mỹ bỏ tiền thuế để "nuôi" lính Mỹ hoạt động tại Đức. Nhưng nếu họ không làm vậy thì nước Đức cũng sẽ không rót thêm GDP của mình cho NATO.

Điều đó cũng có nghĩa nếu người Mỹ không chấp nhận việc tự "nuôi" chính họ ở Đức, dường như đã đến lúc họ nên ra đi.

Trong trường hợp đó, Nghị sĩ Đức này rất ủng hộ.

"Bất cứ quá trình rút quân nào cũng nên được hoàn thành đầy đủ. Nếu Mỹ rút lính của họ về, họ cũng phải rút luôn số vũ khí hạt nhân của mình" - nghị sĩ đảng cánh tả Dietmar Bartsch nhấn mạnh.

Đáng chú ý không chỉ ở phản ứng có vẻ "bất cần" của Nghị sĩ Đức mà ở việc ông đề cập tới các vũ khí hạt nhân mà Mỹ đã và dự định sẽ triển khai ở châu Âu sau khi tự mình xé bỏ thỏa thuận Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.

Các vũ khí hạt nhân Mỹ đặt ở châu Âu đã là một trong các nội dung khiến quan hệ Nga- châu Âu thêm căng thẳng.

Tình hình này không làm Nghị sĩ Đức hài lòng. Ông Bartsch muốn ẩn ý rằng, người Mỹ đã đến lúc dừng lại việc mượn tay châu Âu và lợi dụng châu Âu để gây hấn, tạo mối quan hệ căng thẳng thêm nữa với Nga.

"Và tất nhiên, những thứ này [vũ khí hạt nhân Mỹ-ND] phải được mang về nước chứ không phải được đưa tới Ba Lan vì nó sẽ làm leo thang hơn nữa mối quan hệ của chúng tôi với Nga, điều không phục vụ lợi ích của châu Âu và Đức" - Nghị sĩ Đức cho biết thêm.

Việc Đại sứ Mỹ tại Đức tìm cách để gây áp lực lên Berlin, hối thúc họ thực hiện đủ khoản chi 2% GDP cho hoạt động quốc phòng đã gây không ít bức xúc tại Bundestag.

Nghị sĩ Đức Klaus Ernst, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và các vấn đề Kinh tế thuộc Bundestag, đã chỉ trích tuyên bố của ông Grenell là "không thể chấp nhận được", đồng thời nói rằng Đức “không phải là thuộc địa của Mỹ” để bị Washington can thiệp vào vấn đề nội bộ.

Tại Đức tập trung phần lớn đội quân Mỹ triển khai ở châu Âu - tổng cộng 35.000 người. Đây cũng là nơi hội tụ của 17.000 dân thường Mỹ và 12.000 dân thường Đức làm việc trong các căn cứ quân đội Mỹ, theo thông tin được cung cấp bởi kênh truyền hình ARD của Đức.

Ý tưởng đưa quân đội Mỹ từ Đức đến Ba Lan ban đầu xuất phát từ Đại sứ Mỹ tại Ba Lan là Georgette Mosbacher. Bà Mosbacher viết trên Twitter cá nhân cho biết: "Ba Lan đang hoàn thành trách nhiệm trước NATO về chi tiêu quốc phòng. Còn Đức thì không làm như vậy".

Đại sứ Mỹ tại Ba Lan còn cho biết sẽ rất "hoan nghênh nếu quân đội Mỹ ở Đức chuyển đến Ba Lan".

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nghi-si-duc-ca-ngoi-tinh-than-nga-canh-cao-nguoc-my-3385440/