Nghị quyết Trung ương 4 với công tác nhân sự nhiệm kỳ mới - Bài 5: Phải lắng nghe dân và tập trung dân chủ

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khẳng định: Cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của đất nước, dân tộc lên hàng đầu. Việc siết kỷ cương để chọn được người hiền tài là việc làm vô cùng quan trọng, mang lại lợi ích cho dân, cho nước. Để làm được việc này, cần có sự ủng hộ của nhân dân, phải lắng nghe dân và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ông Vũ Quốc Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Vũ Quốc Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

* PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận như thế nào về công tác cán bộ của Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Ông VŨ QUỐC HÙNG: Công tác cán bộ trong nhiệm kỳ qua có sự đột phá mạnh mẽ với việc Trung ương nhất quán trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tất cả đều quyết liệt hơn, chỉ rõ hơn những vấn đề thiếu sót, một số yếu kém của Đảng một cách công khai, đồng thời xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm theo điều lệ Đảng và theo pháp luật. Qua đó bảo vệ lý tưởng và uy tín của Đảng. Hơn nữa là bảo vệ niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Cũng phải khẳng định, trong 2 nhiệm kỳ qua, từ khóa XI tới khóa XII, việc xử lý những đảng viên vi phạm, Đảng ta luôn có chủ trương công khai, rõ ràng cho nhân dân được biết. Trước đó, phần lớn các văn bản xử lý đảng viên vi phạm là “mật, lưu hành nội bộ”. Điều này khẳng định phương châm của Đảng trong việc xử lý vi phạm của đảng viên là “không có vùng cấm, không nể nang, né tránh, không có hạ cánh an toàn”. Đây là công việc hoàn toàn đúng trong công tác của Đảng, thể hiện rõ việc không phải cán bộ có quyền lực thì muốn làm gì thì làm và không thể thoát được việc xử lý kỷ luật của Đảng và pháp luật.

* Vì sao, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ qua được đẩy mạnh, làm quyết liệt như vậy?

- Thời kỳ đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư (1997 - 2001), chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 6, lần 2 khóa VIII (ban hành ngày 2-2-1999) về chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 nhiệm kỳ XI và XII, chính là sự kế thừa và phát triển về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng từ Nghị quyết Trung ương 6, lần 2 khóa VIII. Tuy nhiên công tác này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và quyết liệt như mong đợi. Đáng mừng là Đảng đã sớm thấy được những khuyết điểm và chỉnh sửa liên tục thời gian qua, như Bác Hồ đã từng chỉ rõ: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII là sự phát triển thể hiện tính kiên định và bản chất của một Đảng khoa học, cách mạng để thực hiện được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên để mục tiêu này thành hiện thực, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần, phải học tập làm theo gương Bác theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tôi nghĩ, tất cả chúng ta, nhất là những cán bộ, đảng viên chỉ cần quán triệt thực hiện tốt Điều lệ Đảng và Chỉ thị 05 là đủ. Bản thân tôi những lúc đọc lại Điều lệ Đảng cũng phải tự suy nghĩ xem đã sống và làm việc đúng với chức trách, nhiệm vụ của một người đảng viên chưa!

* Theo ông, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có ảnh hưởng như thế nào tới việc mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng?

- Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 hoàn toàn đồng thuận, ảnh hưởng tích cực tới dân chủ trong Đảng. Người dân cũng hoàn toàn hưởng ứng và ủng hộ. Tôi luôn cho rằng, nếu một Đảng muốn trở thành Đảng chân chính, đoàn kết thống nhất như Bác Hồ đã xây dựng trên cơ sở khoa học và cách mạng thì luôn phải có nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất một ý chí, tập trung hành động, chứ không được phép ai muốn làm gì thì làm. Trên cơ sở dân chủ phải lắng nghe dân và lịch sử đã chứng minh, người lắng nghe dân nhiều nhất chính là Bác Hồ. Bác Hồ đã từng nói “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”, vì việc lắng nghe dân đã quyện vào trong máu của những người cộng sản chân chính như Bác và nhiều đồng chí lãnh đạo khác. Chỉ có người dân mới biết được cán bộ lãnh đạo các cấp của mình như thế nào và họ có quyền biết tổ chức Đảng đánh giá về cán bộ đó như thế nào. Lợi ích của Đảng là lợi ích của đất nước, dân tộc như Bác Hồ đã chỉ rõ. Do vậy việc càng siết kỷ cương để chọn được người hiền tài là việc làm vô cùng quan trọng, mang lại lợi ích cho dân, cho nước và để làm được việc này, nhận được sự ủng hộ của dân thì không có cách nào khác là phải lắng nghe dân.

* Ông kỳ vọng gì về công tác cán bộ, cũng như đội ngũ lãnh đạo các cấp của Đảng trong nhiệm kỳ mới?

- Đảng ta đã có “liều thuốc chính” là Nghị quyết Trung ương 4 trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng các quy định khác như vấn đề nêu gương, vai trò của người đứng đầu. Trong đó vai trò người đứng đầu vô cùng quan trọng, phải thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” như Bác Hồ đã căn dặn. Các cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ và làm theo đúng như lời dạy bảo và mong muốn này của Bác. Tôi cho rằng, các tổ chức Đảng, đảng viên cần phải học tập và thực hiện đúng những gì mà các nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ, để không mất lòng tin của dân và không để những câu chuyện đau xót xảy ra như thời gian qua. Dù thời gian qua có không ít luồng thông tin phản động, sai trái, nói xấu Đảng nhưng không thể làm thay đổi được bản chất tốt đẹp của Đảng ta. Qua đó, để thấy rằng, với vị trí của một Đảng cầm quyền, nếu Đảng không tự đổi mới, tự chỉnh đốn thì sẽ làm mất niềm tin và ảnh hưởng tới sự lãnh đạo phát triển đất nước. Tôi luôn tin rằng, Đảng ta là một Đảng khoa học, cách mạng; nên phải phấn đấu Đảng là đạo đức và văn minh như Bác đã dạy.

"Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
(trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, ngày 31-8-2020)

* PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Cán bộ, đảng viên trước hết phải là tấm gương tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với mục tiêu, con đường cách mạng gắn liền độc lập dân tộc, với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn và đã dứt khoát từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dù khó khăn, gian khổ, hy sinh, dù thế giới có đổi thay, lý tưởng và con đường đúng đắn đó mãi mãi soi sáng nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia, dân tộc và sự nghiệp của Đảng lên trên hết, trước hết. Không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Khiêm tốn, giản dị, không bị lợi ích vật chất cám dỗ, hòa đồng và thấu hiểu con người, sống với nhau có tình có nghĩa, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Mỗi người đảng viên phải luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phấn đấu từ trí tuệ, năng lực, nhân cách của chính mình, không cơ hội chính trị, không chạy chức, chạy quyền, tham vọng quyền lực, lợi dụng chức quyền để trục lợi, sắp đặt chức quyền cho người nhà, người thân. Sẵn sàng từ chức khi không có đủ năng lực, uy tín.

TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nghi-quyet-trung-uong-4-voi-cong-tac-nhan-su-nhiem-ky-moi-bai-5-phai-lang-nghe-dan-va-tap-trung-dan-chu-690385.html