'Nghị quyết lòng dân' ở biên giới Kon Tum

Phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn biên giới núi cao hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt như tỉnh Kon Tum là câu chuyện rất kỳ công. Từ lớp học phổ cập tiểu học do BĐBP dạy ở giữa rừng, đến nay, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã. Người dân và cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bài 1: Lớp học “măng non” của Đảng

“Các anh chịu khó vào xã biên giới Đăk Plô, sẽ cảm nhận vùng khí hậu khắc nghiệt nhất Tây Nguyên, ở đó có lớp cán bộ là lãnh đạo chủ chốt của địa phương, từng là học trò của tôi. Lúc đó, băng rừng vào mở lớp học, tôi cũng không ngờ nó trở thành lớp học “măng non” của Đảng như hôm nay. Sau này không biết có cán bộ nào tiếp tục thăng tiến lên lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh?” - Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy BĐBP Kon Tum giới thiệu vắn tắt.

3 lãnh đạo xã Đăk Blô từng do sĩ quan Biên phòng dạy học và bồi dưỡng. Ảnh: Lệ Giang

3 lãnh đạo xã Đăk Blô từng do sĩ quan Biên phòng dạy học và bồi dưỡng. Ảnh: Lệ Giang

Thông tin ngắn ngọn của Đại tá Chính đủ để “câu” chúng tôi lặn lội lên bằng được xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei - đây là nơi được xếp vào danh sách xã biên giới nghèo nhất, có vùng khí hậu “độc đáo” nhất Tây Nguyên. Ông A Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô điểm danh các học trò do cán bộ Biên phòng dạy: “A Thái, Phó Chủ tịch HĐND xã; A Mon, Phó Chủ tịch UBND xã, Y Da, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã,... và tôi. Tất cả đều học lớp “nền tảng” của Đồn Biên phòng Đăk Blô, sau đó ra huyện học liên tiếp”.

Thầy dạy bằng cả tình thương

Xã Đăk Plô nằm ở độ cao 1.800m so với mặt nước biển, sát với tỉnh Quảng Nam, khoảng 80% thời gian trong năm, trời mưa gió và rét trên dưới 15 độ C, có tháng nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Đang mùa khô Tây Nguyên, tôi ngủ lại Đồn Biên phòng Đăk Blô phải đắp 2 cái chăn bông. “Trước đây, vùng này có nhiều thú dữ, ban đêm hổ về bắt trâu của dân, muốn ra huyện phải đi bộ 1-2 ngày, đi từng tốp 4-6 người đề phòng hổ vồ. Mùa mưa năm 2020, mưa lớn một tháng liên tục, nước đổ về mang theo đất, đá lấp hết ruộng vườn” - Ông Hà nhớ lại.

Từ năm 1988, xã Đăk Plô có một điểm trường tiểu học, chỉ vài giáo viên chuyên nghiệp bám trụ nổi vùng biên giới Đăk Plô quá đặc biệt. Xã thiếu giao viên trầm trọng, Đồn Biên phòng Đăk Blô chọn một số cán bộ sĩ quan trẻ gửi đi tập huấn nghiệp vụ sư phạm để về làm giáo viên.

“Tôi đi học lớp 2, thầy giáo người địa phương hay đi vào rừng bẫy thú, học không được bao nhiêu, học mấy năm vẫn còn lớp 2. Sau đó, Đồn Biên phòng Đăk Blô mở lớp học tại nhà Rông của thôn, tôi phải học lại từ lớp 1 đến lớp 5. Sau đó có nhiều anh chị được gửi ra huyện học cấp 2 và cấp 3. Thầy Chính và mấy thầy Biên phòng dạy bằng cả tình thương, rất nhiệt tình. Thầy cầm tay học sinh tập viết từng chữ, rèn viết chữ đẹp, làm toán, ban đêm thầy đến từng nhà nhắc nhở học bài. Bạn nào bỏ học, thầy đến tận nhà động viên đi học tiếp” - Ông Hà không quên hình ảnh thầy giáo Biên phòng.

Từ những lớp học đầy khó khăn giữa cánh rừng nguyên sinh, nhiều anh chị đã nỗ lực vượt rừng ra huyện học tiếp, đến nay, nhiều cán bộ xã đã tốt nghiệp đại học, có người học tiếp văn bằng hai cao cấp chính trị. “Nếu như không có những lớp học Biên phòng và bộ đội hỗ trợ nhiều việc khác, thì không có đội ngũ cán bộ xã làm nền tảng như hiện nay. Một số xã biên giới do không có cán bộ được đào tạo bài bản, toàn đưa cán bộ ngoài huyện vào giữ các chức vụ. Xã Đăk Nhoong phải xin tăng cường cán bộ từ xã Đăk Plô qua làm Chủ tịch UBND xã, trước đây cũng là học trò của cán bộ Biên phòng” - Ông Hà chia sẻ từ tấm lòng.

Cả thôn “nuôi” thầy giáo

Thời điểm xã Đăk Plô chưa chia tách, có 11 thôn. Thôn Tà Poóc ở xa nhất (hiện nay thôn Tà Poóc chuyển sang tỉnh Quảng Nam quản lý) đi bộ từ huyện vào xã mất 6 ngày, nếu từ Đồn Biên phòng Đăk Blô đi bộ hết 4 ngày. “Anh em Biên phòng đi bộ vào ở nhà ông A Nhờ, Trưởng thôn Ta Poóc, phải “cắm bản” hàng tháng trời để vận động nhiều người ra học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Anh trưởng thôn đi vận động bà con trong thôn góp gạo, mì (sắn), rau,... để nuôi bộ đội. Bộ đội vừa dạy học, vừa đi làm rẫy với bà con, đói khổ cùng nương tựa lẫn nhau” - Đại tá Lê Minh Chính nhớ như in.

Do nhu cầu nhiệm vụ, một số cán bộ sĩ quan trẻ làm thầy giáo ở xã Đăk Plô chuyển sang đơn vị khác công tác. Đại tá Chính khi đó giữ chức Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Kon Tum, có nghe thông tin ông A Nhờ, Trưởng thôn Ta Poóc cũng rời làng đi lập nghiệp nơi khác. Đại tá Chính nhờ các đồn Biên phòng tìm tung tích ông trưởng thôn có tấm lòng yêu thương bộ đội.

Ông A Nhờ được Đại tá Chính tặng bò giống để phát triển kinh tế. Ảnh: Lệ Giang

“Năm 2015, tôi lên công tác ở Đồn Biên phòng Dục Nông, anh em báo lại đã tìm thấy nhà ông A Nhờ ở xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi. Tôi gặp lại A Nhờ mừng lắm, nhưng thấy hoàn cảnh nghèo quá. Tôi vận động anh em ở Phòng Chính trị BĐBP tỉnh đóng góp được ít tiền, cộng thêm tiền cá nhân, đủ mua 2 con bò giống tặng ông Nhờ. Lúc giao bò, tôi nói với ông: “Cặp bò này cho gia đình nuôi “rẽ” lớn lên rồi ăn chia, khi nào muốn bán bò phải báo với Đồn Biên phòng Dục Nông biết, đồn đồng ý mới được bán” vì sợ ông “bán non” mất tiêu vốn liếng. Bây giờ, đàn bò của ông Nhờ đã tăng lên 7 con rồi” - Đại tá Chính kể chi tiết.

- Tại sao anh lại giao kèo bán bò phải báo đồn biết? - Tôi hỏi.

- Cái chính là nhờ Đồn Biên phòng Dục Nông giúp đỡ, năm ngoái anh em đồn đứng ra bán 2 con bò cho ông Nhờ với giá cao, cũng sợ mấy người buôn vào lừa phỉnh gia đình.

Mấy tháng trước, nghe tin con gái ông A Nhờ bị bệnh tim phải đi chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế, Đại tá Chính yêu cầu chỉ huy Đồn Biên phòng Dục Nông cử cán bộ đi theo ra Thừa Thiên Huế phụ giúp gia đình. “Lúc bộ đội khó khăn ông A Nhờ giúp đỡ bộ đội nhiều thứ, bây giờ mình phải giúp lại ông. Tình quân dân như cá với nước là ở chỗ này” - Đại tá Chính tâm sự.

Bài 2: Trồng cây “nhà giàn” ở độ cao 1.800m

Lệ Giang - Thái Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghi-quyet-long-dan-o-bien-gioi-kon-tum-post438074.html