'Nghị quyết lòng dân' ở biên giới Kon Tum (bài 2)

Chỉ cần cầm một nắm củ sâm dây (đẳng sâm) bằng trị giá mấy bao mì (sắn) to bự, bởi giá 1kg sâm loại 1 cao gấp 200 lần giá mì. Hiện nay, người dân xã Đăk Plô đang đổ xô trồng cây có giá trị kinh tế cao này với hy vọng làm thay đổi cuộc sống ở nơi có thời tiết khắc nghiệt nhất Tây Nguyên.

Bài 2: Trồng cây “nhà giàu” ở độ cao 1.800m

“Năm vừa rồi, người dân trong xã đã trồng nhiều sâm dây, trước mắt thấy giá trị lớn hơn lúa, hơn mì. Theo Nghị quyết của Đảng bộ xã, đến năm 2025 sẽ có 50ha sâm dây và huyện giao chỉ tiêu phải trồng được 1ha sâm Ngọc Linh. Mô hình trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi Nồi Cơm với số lượng gần 100 cây đang phát triển tốt. Đây là cây “nhà giàu” ở độ cao 1.800m” - Ông A Mon, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum thông tin.

Trộm phá “công trình” thử nghiệm

Ông A Nhúc. Ảnh: Lệ Giang

Ông A Nhúc. Ảnh: Lệ Giang

Đại úy Diệp Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Blô dẫn tôi lên thăm những hộ trồng và điểm thu mua sâm dây trong xã. “Nhà mình trồng được 1 sào, năm vừa rồi mưa nhiều quá phải thu non, nên củ ít, chỉ có 7 bao thôi, mỗi bao bán được 3 triệu đồng. Mấy tiểu thương hay ép giá xuống thấp” - Bà Y Xíu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thôn Bung Kon xởi lởi.

Nghe đụng đến giá cả, bà Trần Thị Khánh Hòa, một người buôn bán sâm dây tiếp lời: “Không phải ép giá đâu anh, trong xã có nhiều hộ trồng từ 3 - 5 sào sâm, cả xã có nhiều điểm thu mua cây sâm, cũng cạnh tranh giá mua - giá bán dữ lắm. Củ sâm dây đạt hàm lượng dinh dưỡng cao phải trồng từ 9 tháng trở lên. Năm 2020, do mưa lũ, nhiều bà con mới trồng 6 tháng đã thu hoạch, củ non nên mua giá thấp. Còn sâm “hạng 2” (2 củ/kg) giá mua là 430.000 đồng/kg, “hạng 3” là 320.000 đồng/kg,... hàng xô chỉ có 80.000 đồng/kg. Nếu bà con tập trung trồng và chăm sóc tốt, chỉ cần được 2 củ sâm “hạng 2” là bằng tiền cả 1 xe mì”.

Cây sâm dây, sâm Ngọc Linh bắt đầu trở thành cây chủ lực của xã Đăk Plô, nhiều người trong xã còn nhớ như in vườn sâm đầu tên của ông A Nhúc, ở thôn Bung Kon. Ông A Nhúc khoe với chúng tôi: “Năm 2017, tôi đi rừng lấy giống sâm dây về trồng thử 40 cây ở đám đất nhỏ bên nhà, thu hoạch bán được gần 4 triệu đồng. Thấy có tiền, tôi trồng xen trong luống cà phê 500 cây, đến mùa bán được 10 triệu đồng, bây giờ tăng lên 2 sào. Dân trong thôn nhìn thấy mình làm ăn được, bắt đầu làm theo từ 1 - 5 sào. Năm ngoái cán bộ dưới huyện lên mời dân đến xã tập huấn cách trồng sâm dây”. Toàn xã Đăk Plô hiện có 5ha diện tích trồng sâm dây.

“Nhà mình nghèo, Đồn Biên phòng Đăk Blô tặng 1 con heo và 10 con ngan giống. Bộ đội nói heo đẻ ra không được bán, để cho nó đẻ lên nhiều con. Mình nghe “lọt tai” nuôi đàn heo lên nhiều con, hôm trước, bán được 26 triệu đồng cho con đi học, trong chuồng còn 2 con heo mẹ và đàn heo con. Năm ngoái, heo của đồn bị dịch bệnh chết sạch, mình cho lại đồn 2 con làm giống” - Bà Y Éo, ở thôn Peng Lang, xã Đăk Plô tâm sự câu chuyện đầy tính nhân văn.

Cùng thời điểm thử nghiệm trồng cây sâm dây, ông A Nhúc còn đi sưu tầm trong rừng được 50 cây loại giống sâm Ngọc Linh, âm thầm trồng dưới những tán rừng già ở độ cao gần 1.800m so với mặt nước biển. “Mình mới trồng được 3 năm (7 năm mới thu hoạch), suốt thời gian dài trong đầu mình lúc nào cũng phải giấu kín với mọi người trong xã. Hôm ngồi uống rượu với mấy người trong thôn, do “bốc đồng” quá mình kể ra chuyện đang trồng cây sâm Ngọc Linh trên núi Nồi Cơm. Vài hôm sau, nghe dân làng đồn có mấy người trúng sâm Ngọc Linh bán 50 triệu đồng. Mình lên xem cây trên núi, đã bị mất trộm sạch. Mình đến nhà bắt mấy người đó trả lại tiền. Nếu không bị mất trộm, số cây đó để “già tuổi” thu hoạch sẽ kiếm vài trăm triệu đồng” - Ông Nhúc nhớ như in.

Mục tiêu giàu có

Câu chuyện của ông Nhúc trồng thử nghiệm sâm dây và sâm Ngọc Linh ở vùng đất Đăk Plô mưa, rét, kèm theo gió thổi mạnh quanh năm, đã mở ra một hướng phát triển mới cho vùng biên nghèo từ loại “cây nhà giàu” có thu nhập cao.

“Từ mô hình trồng sâm Ngọc Linh thành công “nửa vời” của ông Nhúc, huyện đầu tư cho xã 100 cây giống sâm Ngọc Linh trồng trên núi cao. Hôm đoàn của xã lên kiểm đếm số cây, đào xung quanh thấy củ phát triển tốt. Hy vọng đừng có trộm phá non như của ông Nhúc. Từ mô hình này sẽ nhân rộng cả vùng, mục tiêu giàu có đang nhìn thấy phía trước. Đảng bộ xã đã có nghị quyết phát triển mạnh trồng cây sâm” - Ông A Thái, Phó Chủ tịch HĐND xã Đăk Plô đặt mọi niềm tin vào dự án.

Qua tìm hiểu kỹ cách thức làm ăn của người dân xã biên giới Đăk Plô, bà con trồng nhiều loại cây cùng một lúc, nhưng không tập trung chăm sóc cây mang tính chủ lực kinh tế. “Giá bán sâm dây ở Đăk Plô lúc nào cũng thấp hơn bên xã Ngọc Linh, họ chê sâm bên này ít rễ” - Ông A Ngủ, Trưởng thôn Bung Kon, có trồng 3 sào sâm dây nói lên chi tiết quan trọng.

- Liệu cách trồng của bà con xã mình có đúng kỹ thuật chưa? - Tôi đặt câu hỏi trực tiếp mang tính gốc rễ vấn đề.

- Làm đúng theo cán bộ huyện xuống hướng dẫn mà, cuốc lát đất bỏ củ giống xuống là xong.

- Sao anh không giảm diện tích trồng mì, tăng diện tích trồng sâm dây lên để có thu nhập cao?

- Trồng sâm dây có thu nhập cao, nhưng làm cỏ nhiều quá, trồng mì chỉ làm 1 lần cỏ thôi, còn phải làm nhiều việc khác nữa.

Người dân thu hoạch sâm dây. Ảnh: Lệ Giang

Tôi hỏi chuyện 5 hộ dân trồng sâm, họ đều có chung cách làm giống như ông Ngủ, dẫn đến năng suất thấp, giá bán củ không cao. Chúng tôi đem câu chuyện trồng sâm dây trao đổi với ông A Thái, một lão nông thứ thiệt, ông cho biết: “Bà con trong xã đang “làm tắt”. Cách tôi trồng sâm dây, phải lên luống giống như trồng khoai lang, trời mưa xuống nước thoát nhanh, không bị thối củ, đất xốp củ phát triển to và dài, rễ ra dày đặc ở củ. Trồng 8 - 9 tháng thu hoạch, đảm bảo củ toàn nằm ở “hạng 2” và “hạng 3”. Tới đây tôi phải đi xuống các thôn hướng dẫn cụ thể bà con, mời họ lên rẫy nhà xem tận mắt, tay sờ được củ to là tinh. Mình là đảng viên phải nói được làm được, khi đó người dân mới làm theo”.

Theo Nghị quyết của Đảng bộ xã Đăk Plô trồng 1ha cây sâm Ngọc Linh trong vài năm tới là có cơ sở. Nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng ở khu vực biên giới rất tốt. Mỗi thôn lập ra đội bảo vệ rừng riêng, các gia đình phải cam kết không được chặt phá rừng. “Tháng trước, bộ phận thiết kế làm đường giao thông nông thôn có “phạm” vào một tí rừng, bị ban quản lý rừng xã “thổi còi” yêu cầu dừng lại, phải tránh xa rừng ra. Bảo vệ được rừng già là “có đất” để trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, nuôi ong lấy mật,... Tiền là đây chứ đâu xa” - Ông Thái gợi mở.

Bài 3: Đến với bà con bằng tình thương và trách nhiệm

Lệ Giang - Thái Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghi-quyet-long-dan-o-bien-gioi-kon-tum-bai-2-post438216.html